Thay vì bận rộn chở hành khách và hành lý đi kèm, vốn được coi là việc "bình thường cũ" đối với các hãng hàng không toàn cầu, thì cuối năm nay, nền công nghiệp hàng tỷ USD này lại gánh vác một trọng trách lớn lao hơn, đó là vận chuyển vaccine COVID-19.
Trong các kho chứa lạnh gần sân bay Frankfurt, Deutsche Lufthansa AG đang chuẩn bị mở lại các đường bay "bám bụi" sau thời gian dài phong toả để vận chuyển hàng triệu liều vaccine COVID-19.
Lufthansa, một trong những hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, đã bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển vaccine COVID-19 vào tháng 4, khi các hãng dược phẩm như Pfizer, Moderna hay AstraZeneca phát triển thành công vaccine trong một khoảng thời gian được cho là "nhanh kỷ lục".
Lufthansa đã bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển vaccine COVID-19 vào tháng 4 (Nguồn: Bloomberg)
Một đội bay gồm 20 người đang nỗ lực tìm cách vận chuyển nhiều nhất số lượng vaccine bằng chiếc Boeing 777 và MD-11 mà không làm ảnh hưởng đến trọng tải chở khách của những chiếc máy bay hiện chỉ vận hành với 25% công suất.
"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tăng quy mô vận chuyển" - ông Thorsten Braun, đại diện của Lufthansa cho biết.
Từng được ước tính thiệt hại khoảng 160 tỷ USD khi nhu cầu đi lại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng vì COVID-19, ngành hàng không tới đây sẽ khá bận rộn trong nỗ lực đưa hàng tỷ liều vaccine COVID-19 đến tay người dân. Nhiệm vụ khó khăn sẽ càng thêm khó khăn, khi các hãng hàng không trước đó đã phải cắt giảm nhân sự và "xếp kho" số lượng lớn máy bay khi khủng hoảng trong đại dịch khiến lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không sụt giảm tới 61%.
"Đây sẽ là một bài toán lớn phức tạp nhất từ trước đến nay" - ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) chia sẻ - "Thế giới đang trông chờ vào chúng ta".
Theo số liệu thống kê của Cirium, việc vận chuyển sẽ khá khó khăn khi có tới 30% lượng máy bay trên toàn cầu hiện vẫn ngừng hoạt động (Nguồn: Bloomberg)
IATA ước tính thế giới cần đến 8,000 chiếc Boeing 747 với tải trọng 110 tấn để vận chuyển 14 tỷ liều vaccine trong vòng 2 năm. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi người sẽ nhận được hai liều vaccine COVID-19. Theo số liệu thống kê của Cirium, trách nhiệm này sẽ khá khó khăn khi có tới 30% lượng máy bay trên toàn cầu hiện vẫn ngừng hoạt động.
Dưới đây là những thách thức lớn nhất mà các hãng bay phải vượt qua:
1. Công suất vận chuyển
Hiện có khoảng 2.000 máy bay chở hàng đang hoạt động, chuyên chở 50% số hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không. 50% còn lại được vận chuyển bằng 22.000 máy bay chở khách thông thường.
Dù các hãng bay đã chuyển 2.500 chiếc máy bay chở khách thành máy bay chở hàng, nhiệm vụ phân phối vaccine vẫn gặp nhiều khó khăn do tần suất bay sụt giảm vì đại dịch. Vậy nên, thời gian đầu, công suất vận chuyển sẽ bị giới hạn, nhất là khi vận chuyển vaccine lại diễn ra vào đúng khoảng thời gian cao điểm của ngành hàng không, khi xu hướng mua sắm trực tuyến trong dịp Giáng sinh cuối năm đạt đỉnh.
Công suất vận chuyển sẽ bị giới hạn do phân phối trong thời gian cao điểm (Nguồn: Bloomberg)
Tập đoàn dược phẩm Pfizer đã lên kế hoạch vận chuyển 1,3 tỷ liều vaccine từ nay đến cuối năm 2021. Hãng dược Moderna cũng dự kiến sản xuất 500 triệu liều. AstraZeneca có thể sản xuất tới 2 tỷ liều vaccine - một nửa trong số này dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Dennis Lister, Phó Giám đốc phụ trách hàng hóa tại hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới Emirates khẳng định: "Chúng ta phải nhanh chóng đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường mới". Glyn Hughes, đại diện của IATA cho biết, để nhiều chiếc máy bay chở khách hoạt động trở lại, giới chức các nước cần tái mở cửa các đường bay.
2. Nhiệt độ bảo quản
Vaccine của Pfizer-BioNTech cần bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, lạnh hơn cả mùa đông ở Nam Cực. Hai công ty dược phẩm này dự kiến sẽ sử dụng cảm biến theo dõi vị trí và nhiệt độ của mỗi lô vaccine trong quá trình vận chuyển.
Khi đến nơi, vaccine có thể được bảo quản trong các tủ đông có nhiệt độ cực thấp để giữ chúng trong vòng 6 tháng, trong tủ lạnh ở bệnh viện trong vòng 5 ngày ở nhiệt độ 2-8 độ C, hoặc trong thiết bị đặc biệt của Pfizer. Sau khi giã đông, vaccine COVID-19 sẽ không thể tái đông trở lại.
Vaccine của Pfizer-BioNTech cần bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C (Nguồn: Reuters)
Nhiệt độ của vaccine trong quá trình vận chuyển sẽ được kiểm soát chặt chẽ, từ nhà máy, phòng khám, đến các nơi trung chuyển. Hiện nay, việc giữ lạnh vaccine ở nhiệt độ thấp như vậy gần như là không thể. Vì vậy, các hãng bay sẽ phải phụ thuộc vào thùng chứa chuyên dụng của Pfizer.
United Airlines đã bắt đầu tái hoạt động các chuyến bay để phân phối vaccine của Pfizer, sau khi được cơ quan quản lý cho phép. Theo Wall Street Journal, hiện vẫn chưa có bất kỳ bình luận nào từ phía United Airlines và giới chức Mỹ. Delta Air Lines và American Airlines Group cũng là một trong số các hãng bay tuyên bố sẵn sàng vận chuyển vaccine của Pfizer. American Airlines có cả container kiểm soát nhiệt độ, đá khô và túi giữ lạnh.
Delta Airlines mới đây tuyên bố sẽ sử dụng các thùng chứa kiểm soát nhiệt độ của Opticooler RAP và tăng tỷ lệ đá khô – vốn được coi là "hàng hoá nguy hiểm" được dùng trên khoang. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng trống để chứa vaccine chỉ còn 50%. "Chúng tôi sẽ đảm bảo đủ công suất vận chuyển hàng hóa để đáp ứng nhu cầu vận chuyển vaccine" – ông Vittal Shetty, Giám đốc phụ trách vận chuyển hàng hóa của Delta cho biết.
3. Lưu trữ
Một mạng phân phối dược phẩm toàn cầu sẽ được thiết lập để vận chuyển vaccine. Các thành phố từ Miami, Dallas và London cho tới Bỉ, Dubai, Mumbai, Singapore và Hàn Quốc đều có các kho lưu trữ ở nhiệt độ siêu thấp.
Một mạng phân phối dược phẩm toàn cầu sẽ được thiết lập để vận chuyển vaccine (Nguồn: Bloomberg)
United Parcel Service (UPS) đã xây dựng nhiều nhà máy tại Mỹ và Hà Lan với tổng cộng 600 tủ lạnh nhiệt độ cực thấp (deep freezer). Mỗi tủ có thể bảo quản 48,000 liều vaccine ở nhiệt độ -80 độ C. Tập đoàn vận chuyển Mỹ FedEx cũng bổ sung thêm các tủ đông và xe tải lạnh vào mạng lưới vận chuyển rộng khắp. Đại diện phía công ty cam kết sẽ giải phóng nhiều khoang trống nhất có thể để chuyên chở vaccine số lượng lớn.
Các hãng vận chuyển hiện chỉ có kinh nghiệm chuyên chở vaccine ngừa cúm và các mẫu vật phẩm ở nhiệt độ thấp. UPS và FedEx đã chuyên chở hàng tấn thiết bị y tế cho Mỹ trong thời kỳ đỉnh dịch. Hai công ty này vẫn phối hợp cùng các hãng dược và giới chức Mỹ để vận chuyển, phân phối vaccine sau khi chúng được phát triển thành công. "Chúng tôi sẽ vận chuyển chúng ngay lập tức cho khắp nước Mỹ và toàn thế giới ngay sau khi có tin vui về vaccine COVID-19".
4. Tiếp cận các quốc gia nghèo
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef đã huy động nhiều hãng hàng không trong nỗ lực phân phối vaccine tới hơn 170 quốc gia. Phát triển thành công vaccine là một chuyện, vận chuyển chúng đến các quốc gia nghèo lại là một bài toán khó khăn hơn, khi cơ sở hạ tầng y tế tại đây không đủ để bảo quản hay thậm chí là triển khai tiêm chủng. Hồi tháng 11, Unicef huy động khoảng 40 hãng vận tải để vận chuyển vaccine đến 92 quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
5. Giai đoạn cuối
Các nhà nghiên cứu cần nhanh chóng cải thiện vaccine COVID-19 (Nguồn: Reuters)
Máy bay sẽ không phải phương tiện duy nhất để vận chuyển vaccine. Ô tô, xe bus, xe tải, xe máy, xe đạp cũng là những phương tiện cần thiết để đưa vaccine tiếp cận người dùng. Ở một số khu vực, vaccine thậm chí phải vận chuyển bằng cách đi bộ.
"Không phải nơi nào cũng có đủ những thùng chứa đạt nhiệt độ tiêu chuẩn", Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất vaccine Serum Institute of India nói. Hiện Serum Institute of India đã liên kết với 5 nhà phát triển và sản xuất 40 triệu liều vaccine cho AstraZeneca. Công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vaccine cho Novavax trong thời gian tới.
"Những vaccine đông lạnh này vốn không ổn định. Các nhà nghiên cứu cần nhanh chóng cải thiện điều này", ông Poonawalla cho biết.
IATA lo ngại rằng việc vận chuyển vaccine sẽ phát sinh nhiều vấn đề, từ nguy cơ làm giả đến việc quá trình phân phối bị gián đoạn. Dominic Kennedy – Giám đốc vận chuyển hàng hóa tại Virgin Atlantic Airways cho biết hiện các hãng dược đã yêu cầu vaccine được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt quá trình phân phối. Giám đốc điều hành IATA ông Alexandre de Juniac khẳng định ngành hàng không toàn cầu đã sẵn sàng cho nhiệm vụ thế kỷ này: "Chúng tôi sẽ không làm thế giới thất vọng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!