Tối 30-11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An (1030- 2020) và đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn (huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An và đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn.
Tới dự lễ có bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng... cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương tỉnh Nghệ An và các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản in Nội các quan bản - Mộc bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18-1697) có ghi Bính Tý (Thông Thụy) năm thứ 3 - năm 1036… “mùa hạ, tháng 4, đặt Hành dinh ở Châu Hoan, nhân đó đổi tên châu ấy là Nghệ An”.
Ngày nay, Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500 km2 và dân số đứng thứ 4 với hơn 3,3 triệu người.
Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đọc diễn văn tại buổi lễ.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khái quát lại quá trình phát triển, ôn lại truyền thống tự hào của Nghệ An.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: “Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang mà biết bao thế hệ đã đổ công sức, xương máu đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để xây dựng, bảo vệ vùng đất Nghệ An tươi đẹp hôm nay.
Là dịp để chúng ta ôn lại, hiểu hơn, trân quý hơn truyền thống lịch sử của quê hương; vững tin, quyết tâm chung sức, chung lòng hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, viết tiếp trang sử hào hùng của vùng đất "địa linh nhân kiệt", của quê hương Bác Hồ kính yêu”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, trong tiến trình phát triển của dân tộc, Nghệ An là vùng đất không thể tách rời của một dải non sông Việt Nam thống nhất. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, vùng đất Nghệ An đã có sự cư trú của người Việt Cổ.
Đến nay, các di chỉ khảo cổ học được tìm thấy trên nhiều vùng miền trong tỉnh, đã khẳng định sự hiện diện và đóng góp của cộng đồng cư dân Nghệ An đối với sự hình thành nền văn hóa, văn minh đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ
Qua các cứ liệu lịch sử, Nghệ An xưa thuộc nước Việt Thường. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vùng đất này đã mang nhiều tên gọi khác nhau như: Hoài Hoan, Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam, Hoan Châu.
Đến đầu thời đại Nhà Lý, tên Hoan Châu được đổi thành Nghệ An. Danh xưng Nghệ An có từ đó, trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay.
Suốt chiều dài lịch sử cùng dân tộc, mảnh đất địa linh này thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương.
Khi cả dân tộc trong đêm tối nô lệ dưới ách thực dân phong kiến, nhiều người con quê hương Nghệ An nặng lòng với nước, nhạy cảm với thời cuộc đã nuôi chí lớn, vượt trùng dương để ra đi tìm con đường đưa đất nước đến với tự do, độc lập.
Tiêu biểu nhất là hành trình vĩ đại của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà sau này chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…
Ngày nay, Nghệ An đang phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc vào năm 2025, tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Nam Đàn đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh lễ kỷ niệm hôm nay là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tiếp tục khẳng định và phát huy những thành quả dựng nước, giữ nước của vùng đất và con người Nghệ An trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Đây cũng là thời điểm chúng ta hướng đến dấu mốc rất quan trọng, năm 2030 khi Nghệ An tròn 1000 năm và kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Nghệ An 990 năm hành trình cùng đất nước”.
Với ý nghĩa đặc biệt đó, Nghệ An cần phát triển đột phá hơn nữa để sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá - thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đó là thành tích thiết thực, có ý nghĩa nhất để tri ân công lao của các bậc tổ tiên, các thế hệ cha anh đã xây dựng vùng đất anh hùng và để chào mừng 100 năm ngày thành lập Đảng; đồng thời hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng truyền thống lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương xứ Nghệ nói riêng sẽ là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An biến “khát vọng sông Lam” thành “kỳ tích sông Lam”.
Tại buổi lễ, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn). Đình Hoành Sơn được biết biết đến là hệ thống điêu khắc kiến trúc tinh xảo giàu tính nghệ thuật, Đình thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – người có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Nghệ An và quốc gia Đại Việt. Ngoài ra đình còn thờ Phật Thích ca Mâu Ni và Tứ vị Thánh Nương , Đình được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1980. Ngày 25-12-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kí Quyết định số 2082 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 10 di tích, trong đó vinh dự có di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn. Điều này thêm một lần nữa khẳng định giá trị Lịch sử văn hoá của ngôi đình được mệnh danh là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất Miền Trung. |