Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar - Ảnh: REUTERS
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ họp ngày 10-12 để xét duyệt đơn xin cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 khẩn cấp của công ty Pfizer, có hiệu quả 95%. Một tuần sau, ngày 17-12 sẽ tới cuộc họp xét duyệt cho Moderna, theo Reuters.
Moderna cho biết đã trình toàn bộ dữ liệu về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của vắc xin của hãng lên FDA, với hiệu quả bảo vệ lên tới 94,1% và không có tác dụng phụ đáng ngại. Tác dụng phụ thường gặp nhất là mệt mỏi, chỗ tiêm bị đỏ và đau, đau đầu và đau nhức cơ thể - xuất hiện sau liều tiêm thứ hai nhưng chỉ trong thời gian ngắn.
Hãng này cho biết vắc xin của họ có hiệu quả tương tự với mọi nhóm tuổi, sắc tộc và giới tính, cũng như thành công 100% trong việc ngăn ngừa các ca trở nặng của căn bệnh đã giết chết gần 1,5 triệu người trên toàn thế giới. Hãng này cũng có kế hoạch xin cấp phép vắc xin tại châu Âu.
Trong hơn 30.000 người tham gia thử nghiệm vắc xin của Moderna, có 196 người nhiễm COVID-19, bao gồm 185 người tiêm giả dược và 11 người tiêm vắc xin thật. Moderna cho biết chỉ có 30 người mắc bệnh trở nặng, và đều thuộc nhóm dùng giả dược.
Mỹ sẽ phân phối vắc xin COVID-19 cho tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế và người cao tuổi từ tuần sau - Ảnh: REUTERS
Ông Azar thông báo 2 vắc xin COVID-19 này sẽ xuất xưởng trong vòng vài ngày sau khi được phê duyệt. "Chúng ta có thể thấy cả hai loại vắc xin này được sản xuất và đến tay mọi người trước Giáng sinh" - Bộ trưởng Azar nói với Đài CBS.
Ông Azar cho biết chính phủ liên bang chịu trách nhiệm phân phối vắc xin cho các bang. Thống đốc bang sẽ là người quyết định cách phân phối vắc xin trong bang của họ.
Cả 2 vắc xin của Moderna và Pfizer đều đã chứng tỏ mức độ hiệu quả hơn cả trông đợi, và vượt trội hơn nhiều so với tiêu chuẩn có thể được FDA chấp thuận là 50%.
Hãng tin Reuters cho biết dự kiến quá trình phân phối vắc xin của hãng Moderna sẽ ít phức tạp hơn của Pfizer. Mặc dù cần được bảo quản trong tủ đông, vắc xin của Moderna không yêu cầu nhiệt độ quá lạnh hoặc thiết bị lưu trữ chuyên dụng như vắc xin của Pfizer.
Moderna cũng có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vắc xin này ở thanh thiếu niên trước cuối năm nay, và sau đó là một thử nghiệm ở nhóm tình nguyện viên trẻ hơn nữa vào đầu năm 2021. Công ty Moderna hi vọng sẽ có vắc xin ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên vào tháng 9-2021. Một số công ty dược khác cũng đang bắt tay vào thử nghiệm vắc xin cho thanh thiếu niên.
TTO - Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một chuyên gia Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un, các thành viên trong gia đình ông và nhiều quan chức cấp cao Triều Tiên đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc cung cấp.