Trung Quốc từ chối xin lỗi chính phủ Úc về bức ảnh bị cho là giả của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ám chỉ việc lính Úc phạm tội ác chiến tranh tại Afghanistan, đài NPR cho hay.
Sáng 30-11, ông Triệu đăng trên Twitter cá nhân bức hình một người lính Úc đang cười và kề dao vào cổ một em bé người Hồi giáo ghép trên nền lá cờ Úc và cờ Afghanistan. Bức hình này được cho là liên quan tới báo cáo hôm 27-11 của Úc về việc 25 thành viên lực lượng đặc nhiệm nước này tàn sát 39 dân thường và tù binh Afghanistan.
Ngay trong ngày 30-11, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã yêu cầu Twitter gỡ bỏ bức hình “đáng ghê tởm” này và đòi hỏi chính quyền Bắc Kinh phải xin lỗi. Hiện nay, Twitter đã dán cảnh báo “nội dung tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm” đối với bức hình này.
Trong buổi họp báo chiều cùng ngày, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Doanh đã bác bỏ yêu cầu này của ông Morrison và chỉ trích ngược lại Canberra vì những cái mà bà này gọi là "tội ác chiến tranh" ở Afghanistan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh. Ảnh: REUTERS
“Phía Úc đang phản ứng rất kiên quyết trước đoạn tweet của một đồng nghiệp của tôi (tức ông Triệu - PV). Tại sao lại như vậy? Có phải họ nghĩ việc họ giết hại dân thường Afghanistan là chính đáng còn việc lên án hành vi hung ác tàn nhẫn đó thì không?” - bà Hoa nói.
Bà Hoa còn nhấn mạnh “Afghan Lives Matter” (tạm dịch là “Sinh mạng người Afghanistan là đáng giá”), tương tự thông điệp “Black lives matter” (tạm dịch là “Sinh mạng người da đen là đáng giá”) trong phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ trong năm 2020.
Bài đăng Twitter của ông Triệu một lần nữa khơi dậy căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc. Quan hệ song phương đang xấu đi, nhất là ở lĩnh vực thương mại, sau khi Canberra cấm cửa các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia cuộc đua 5G ở Úc.
Bắc Kinh cũng không hài lòng về lập trường của Canberra về trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19, vấn đề Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương… Nhiều mặt hàng quan trọng của Úc đã bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo chiều 30-11, bà Hoa cho rằng vấn đề hiện tại xoay quanh bức hình của ông Triệu không liên quan tới mối quan hệ không êm đẹp giữa hai nước. Bà Hoa còn chỉ trích Úc phát biểu và hành động “sai trái” trước các vấn đề nội bộ của nước này ở Hong Kong và Tân Cương.
Trước vấn đề mới này, trong tối 30-11, Thượng nghị sĩ Pauline Hanson (bang Queensland, Úc) - một chính trị gia tự nhận mình cực kỳ chống Trung Quốc - đã kêu gọi người dân Úc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc trong dịp Giáng sinh này, theo trang tin news.com.au.
“Hãy suy nghĩ khi bạn mua đồ nội thất, đồ chơi, thực phẩm, bất kỳ thứ gì bạn mua, hãy nhìn xem chúng đến từ đâu và nếu đó là từ Trung Quốc, hãy để chúng yên trên kệ hàng” - bà Hanson nói trong một video đăng trên Facebook cá nhân.
Tuần trước, bà Hanson cũng đề xuất một đợt tẩy chay hàng Trung Quốc để phản ứng lại “những đòn tấn công kinh tế gần đây của Trung Quốc chống lại Úc”, bao gồm việc áp thuế chống bán phá lên rượu vang Úc.
Vấn đề này cũng thu hút sự chú ý của New Zealand - đồng minh và cũng là nước láng giềng của Úc.
Ngày 1-12, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết chính quyền của bà đã trực tiếp liên lạc với giới chức Bắc Kinh để thể hiện sự quan ngại về bức ảnh giả trên.
“Đó là một bài đăng không đúng sự thật và dĩ nhiên, điều này khiến chúng tôi quan ngại” – bà Ardern nói.