Business intelligence (BI hay còn gọi là trí tuệ doanh nghiệp) đang trở thành chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp coi BI là mục tiêu và là đích đến của quá trình chuyển đổi số, bởi suy cho cùng nó là cơ sở để các nhà lãnh đạo hoạch định chiến lược, cải tiến mô hình kinh doanh, ra quyết định trong quá trình quản lý. Ở khía cạnh khác nó cũng giúp cho chính nhân viên có được những lát cắt dữ liệu khách quan để làm việc hiệu quả hơn trong phạm vi của họ.
Vậy BI là gì, tại sao nó lại quan trọng? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể xây dựng được BI?
Trao đổi về chủ đề này, ông Trần Anh Dũng Founder&CEO của MOG cho biết, về bản chất BI không đơn thuần chỉ là dữ liệu, nó là những dashboard (lát cắt trực quan) được tạo ra từ data platform (kho dữ liệu) của doanh nghiệp và được tùy chỉnh theo nhu cầu cũng như mục đích của người dùng. Dựa vào những dashboard này, chúng ta sẽ có được góc nhìn thực tế về tất cả các hoạt động đang diễn ra, từ đó làm căn cứ để ra quyết định, giúp doanh nghiệp ngày càng vận hành thông minh hơn, nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Đây chính là ý nghĩa của Business intelligence (BI)
Tuy nhiên có một thực tế rằng: Dữ liệu tại các doanh nghiệp đang nằm rải rác ở khắp mọi nơi, hoặc được chứa trong quá nhiều data silos (kho chứa dữ liệu độc lập) dẫn đến việc thông tin bị phân mảnh, đứt gãy và không đảm bảo tính liền mạch.
Ông Trần Anh Dũng Founder&CEO của MOG.
Dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này ông Dũng chia sẻ: “Hành trình của khách hàng, tại mỗi điểm chạm, họ để lại rất nhiều dữ liệu: Họ click vào quảng cáo nào, bình luận ở bài viết nào, họ mua sản phẩm ở đâu, bao nhiêu lần tiếp cận thì họ ra quyết định, họ có hài lòng hay không, có mua tiếp lần 2 không, giá trị mỗi đơn hàng là bao nhiêu. Quan trọng là tất cả những dữ liệu này cần được đưa về một nơi, kết nối với nhau để cho ra dữ liệu hành trình khách hàng hoàn chỉnh. Nhưng vốn dĩ chúng lại đang nằm ở quá nhiều data silos, vì dữ liệu quảng cáo nằm trên Google, facebook, dữ liệu khách hàng nằm ở CRM…”
“Hệ quả là làm sao một bạn chạy quảng cáo biết được khách hàng tiềm năng mà bạn ấy mang về rốt cục đã mua những gì, giá trị đơn hàng là bao nhiêu, mua ở cửa hàng nào, khách có mua tiếp hay không? Làm sao bạn ấy biết được tệp khách hàng nào mới thực sự mang về doanh thu lớn, giá trị vòng đời khách hàng (Customer Lifetime Value) thấp hay cao? Đó cũng là lý do mà có những khách hàng mang lại 80% lợi nhuận cho công ty, nhưng chúng ta lại tiêu tiền vào chỗ khác", ông Dũng nhấn mạnh.
Giống như hành trình của một khách hàng, ông Dũng cho biết nhân viên của doanh nghiệp cũng vậy, họ để lại rất nhiều dữ liệu tại mỗi điểm chạm. Họ vào công ty ngày nào, làm việc được bao lâu rồi, lần cuối cùng thăng chức là khi nào, những thành tựu mà họ đã đạt được hay những đóng góp của họ với công ty… Nếu chúng ta không có cách nào để thu thập, quản lý và kết nối liền mạch tất cả những dữ liệu này, thì chúng ta sẽ không thể nào xây dựng được BI cho doanh nghiệp, chúng ta cũng không thể ra chính sách để thúc đẩy nhân viên, để phát triển, đào tạo hay giữ chân nhân sự.
Thực tế, không một sản phẩm nào có thể cung cấp cho chúng ta tất cả những dữ liệu đó, bởi vì mỗi một phần mềm được sinh ra là để giải quyết một bài toán cụ thể. Và để cung cấp được những dữ liệu thực sự có ý nghĩa cho doanh nghiệp thì phần mềm đó cũng cần được thiết kế chuyên biệt và rất sâu. Đó là lý do chúng ta cần một ứng dụng để trích xuất và kết nối dữ liệu từ tất cả các nguồn, sau đó giúp người dùng tùy chỉnh và tạo ra được những dashboard hoàn thiện.
Ông Trịnh Ngọc Bảo, đồng sáng lập, giám đốc vận hành của Base.vn.
Ông Trịnh Ngọc Bảo, đồng sáng lập, giám đốc vận hành của Base.vn cho biết: “Trong một thời đại mà mọi thứ thay đổi rất nhanh và tính thực thi đôi khi còn quan trọng hơn nhiều so với chiến lược, thì chúng tôi mong muốn rằng bất kỳ ai trong doanh nghiệp cũng có thể làm việc hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu. Không riêng gì CEO, nhân viên của chúng ta họ cũng cần có một góc nhìn khách quan dựa trên dữ liệu để tối ưu, để ra quyết định, để đạt được kết quả tốt hơn...
Khi mà khách hàng của chúng tôi đã có đủ dữ liệu và đã quen với việc sử dụng Base trong công việc hàng ngày, thì chúng tôi nghĩ đây là thời điểm hợp lý để chúng tôi ra mắt Base Dashboard. Không giới hạn trong các sản phẩm của Base, phần mềm của chúng tôi còn có thể kết nối và lấy dữ liệu từ các sản phẩm của nhà cung cấp khác nhau, giúp khách hàng dễ dàng tùy chỉnh và tạo ra những dashboard phục vụ cho công việc và nhu cầu của mình”, ông Bảo cho biết thêm.
Thực ra trước nay các doanh nghiệp vẫn có dữ liệu, chỉ là chúng đang nằm trên Excel, trong ổ cứng máy tính, được lưu trữ trên giấy tờ, hoặc nằm ở các data silos (kho dữ liệu) khác nhau. Tuy nhiên, khi công ty càng mở rộng quy mô, mọi thứ càng trở nên phân mảnh, lúc này các ứng dụng chuyên biệt sẽ giúp doanh nghiệp có thể nhìn được bức tranh tổng quan, và đưa ra những quyết định giúp doanh nghiệp vận hành thông minh, hiệu quả.
Kiều Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế