Bức ảnh do Guardian công bố cho thấy binh sĩ Úc uống bia từ chân giả của binh sĩ Taliban ở Afghanistan - Ảnh: Guardian
Một số bức ảnh do Guardian thu được cho thấy một binh sĩ cấp cao - vẫn đang trong quân ngũ - uống bia từ chân giả trong quán bar Fat Lady’s Arms năm 2009. Quán bar này trong căn cứ lực lượng đặc nhiệm của Úc ở Tarin Kowt, thủ phủ tỉnh Uruzgan, Afghanistan.
Một bức ảnh khác cho thấy hai binh sĩ Úc đang nhảy với cái chân giả.
Đây là bức ảnh đầu tiên được công bố, xác nhận những báo cáo trước đây về việc sử dụng chân giả làm ly uống bia. Tin đồn này từ lâu đã lan truyền trong cộng đồng lực lượng đặc nhiệm Úc và các phương tiện báo đài cũng từng đưa tin.
Cũng theo Guardian, một số binh sĩ nói rằng hành động này được các sĩ quan cấp cao chấp nhận, thậm chí họ cũng tham gia. Chiếc chân giả có khả năng là chiến lợi phẩm trong chiến tranh - vật phẩm mà binh sĩ Úc bị cấm mang ra chiến trường chứ đừng nói đến việc giữ lại.
Chiếc chân giả được cho là của một chiến binh Taliban bị giết trong cuộc tấn công của phi đội SASR 2 vào khu phức hợp tại Kakarak, tỉnh Uruzgan vào tháng 4-2009.
Sau đó, chân giả này được thu lại từ chiến trường và giữ ở quán Fat Lady’s Arm, nơi khách đôi khi dùng để uống bia. Một cựu quân nhân nói với Guardian rằng chiếc chân giả đi theo họ mọi lúc.
"Bất cứ nơi nào Fat Lady’s Arms được dựng lên, chiếc chân sẽ được lưu giữ ở đó. Binh sĩ tới và thỉnh thoảng dùng để uống bia", người này nói.
Binh sĩ Úc chụp ảnh cùng chiếc chân giả - Ảnh: Guardian
Báo Guardian cũng đã tìm cách liên hệ Bộ Quốc phòng Úc và được phát ngôn viên của bộ nói vấn đề đang được xem xét cẩn thận, và mọi hành động đang được thực hiện theo quy trình.
Sự xuất hiện của những bức ảnh vào thời điểm này đặc biệt căng thẳng đối với chính phủ Úc. Hôm 30-11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng ảnh một binh sĩ Úc tươi cười cầm con dao dính máu kề vào cổ họng một em bé Afghanistan đang ôm cừu.
Thủ tướng Úc Scott Morrison lập tức phản bác, gọi bức ảnh này là giả mạo, thực sự đáng chê và xúc phạm. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh liền nói Úc nên tự cảm thấy xấu hổ và xin lỗi người dân Afghanistan vì hành động của binh sĩ.
TTO - Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, bày tỏ quan ngại về người phát ngôn Trung Quốc dùng hình ảnh một người lính Úc kề dao siết cổ em bé Afghanistan trên mạng xã hội Twitter.