Không phải đến khi xảy ra dịch Covid-19 phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng biển mới rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong suốt 5 năm qua, dòng sản phẩm này phát triển mạnh, thậm chí có thể nói là bùng nổ, hầu hết các chủ đầu tư lớn đầu tham gia đầu tư, nguồn cung rất dồi dào.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền” mới đây, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch công ty BHS, "hành vi của khách hàng đã thay đổi, nếu tiếp tục phát triển bất động sản biển kiểu như thời gian vừa rồi thì nguồn cung tiếp tục dư thừa".
Hành vi của khách hàng được ông Tuyển đề cập ở đây chính là sự thay đổi nhu cầu của du khách trong thời dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến du lịch quốc tế đóng cửa, các khu nghỉ dưỡng biển phụ thuộc khách du lịch nước ngoài vắng khách, nên tỷ lệ khai thác thấp. Covid-19 cũng khiến con người ngại đi máy bay đi xa, nên dòng bất động sản nghỉ dưỡng đã thay đổi đáng kể.
"Hành vi của người dân bây giờ là staycation, kỳ nghỉ ngắn hơn, đi lại thuận tiện hơn và sử dụng phương tiện cá nhân", ông Tuyển nói và dẫn chứng những đợt nghỉ lễ từ đầu năm đến nay, số lượng người nghỉ dưỡng biển giảm hẳn so với mọi năm, trong khi nghỉ dưỡng ngoại ô và lên núi như ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc tăng mạnh.
Sự dịch chuyển này cũng được ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Flamingo Land khẳng định khi tiết lộ, trong thời gian vừa qua, mỗi tuần khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort tại Vĩnh Phúc đón nhận 4.000 khách du lịch và một căn biệt thự trị giá 7 tỷ đồng tại đây có thể mang lại cho chủ nhà 150 triệu đồng một tháng sau khi trừ đi các chi phí.
Bổ sung thêm những nhận định này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô cho rằng "biến cố xảy ra khiến các làn gió đổi chiều và sinh ra làn gió mới tích cực", trong đó tỉnh Hòa Bình đang nổi lên như một ngôi sao mới của thị trường bất động sản, với sự tham gia của những "con sếu đầu đàn" như Phú Mỹ Hưng, T&T hay Geleximco. Ngoài ra, còn một loạt nhà đầu tư khác lớn không kém đang âm thầm mà chưa chính thức tung hàng. Một loạt báo cáo của các trang bất động sản đều cho thấy Hòa Bình là nơi có lượng tăng trưởng tìm mua bất động sản ở Việt Nam trong thời gian dài.
ông Nguyễn Thành Trung
Sự trỗi dậy của Hòa Bình được ông Trung chỉ ra là Covid-19 khiến thói quen người dùng thay đổi. Theo công ty nghiên cứu thị trường The Nielsen, lượng người Việt thay đổi thói quen ăn uống và hướng đến các thực phẩm tốt cho sức khoẻ, 60% thay đổi các hoạt động giải trí hạn chế đến nơi đông người; 70% xem xét lại các địa điểm du lịch.
Họ tránh đến nơi đông người, hạn chế phương tiện công cộng, lười đi du lịch xa và quan tâm đến sức khoẻ. Họ đi du lịch gần bằng phương tiện cá nhân một cách thường xuyên. Đó là staycation, đi du lịch gần dễ tiếp cận và đi lại nhiều trong năm. Điều này khiến bất động sản vùng ven chiếm ưu thế.
"Không chỉ vùng ven Hà Nội mà Vũng Tàu tăng trưởng lớn so với Phú Quốc là thị trường truyền thống. Vũng Tàu vươn lên như một thị trường mới khi người thành phố nhận ra rằng du lịch gần thú vị hơn việc đi xa. Với công thức 80-20, họ trả 20% chi phí nhưng thụ hưởng 80% chi phí. Hòa Bình lại nằm sát Hà Nội và là trung chuyển lên vùng Tây Bắc nên rất thuận tiện cho du lịch", ông Trung lý giải.
Tuy nhiên, ông Trung đánh giá Covid-19 chỉ là một tác động không cốt lõi mà cái cốt lõi là nhờ hạ tầng giao thông. Từ 2017 cao tốc Hòa Bình – Hòa Lạc thông xe, đánh dấu bước chuyển mình rất lớn của bất động sản Hòa Bình. Nguyên thủy của phát triển bất động sản là sự cải thiện về hạ tầng, thay vì mất 2,5 tiếng từ Hà Nội theo quốc lộ 6 thì nay đi chỉ mất 1 tiếng 15 phút đi bằng ô tô là lên đến trung tâm Hòa Bình. Đây là lý do chính khiến bất động sản Hòa Bình tăng trưởng nhanh.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Hòa Bình đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bổ sung du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này khiến bất động sản thị trường này có bước chuyển mình nhất định.
Theo ông Trung, Covid-19 cũng thúc đẩy 8 triệu dân Hà Nội hình thành tâm lý cần một nơi để lui về, nhất là khi thấy ngột ngạt trong thủ đô, do đó, nhu cầu tăng trưởng mua bất động sản nhanh chóng. Hòa Bình giống như sân sau của giới nhà giàu Hà Nội. Thị trường này có nhiều yếu tố lợi thế mà trong đó có hai cái quan trọng nhất.
Một là thời gian di chuyển, chỉ mất 3 tiếng cả đi và về từ Hà Nội. Trong khi đó, muốn vào Nha Trang phải qua khoảng trung bình khoảng 8 tiếng di chuyển với khoảng 6 bước trung chuyển. Hai là tiết kiệm về chi phí. Thay vì phải bỏ 2-4 triệu đồng tiền vé máy bay thì chỉ cần khoảng 200 nghìn đồng đã ra được đến ngoại ô. Vì tiết kiệm được chi phí di chuyển nên khách du lịch sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho bữa ăn chất lượng.
Nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô lớn nhưng nguồn cung lại hạn chế, từ đó mở ra cơ hội để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô phát triển. Nhưng do nhu cầu của du khách thay đổi, nên ngoài mô hình mua đất xây nhà vườn, hay mua ngôi nhà thứ hai trong một khu đô thị, khách hàng giờ đây có xu hướng chọn mua những dự án được quản lý vận hành chuyên nghiệp.
Ông Trung cũng đặc biệt lưu ý, trong thời kỳ hậu Covid-19, du khách ưa thích thiên nhiên nhiều hơn, họ chọn những chủ đầu tư chú trọng tính thân thiện với thiên nhiên, sử dụng cây nội địa, hạn chế chi phí cho vận hành sửa chữa cảnh quan về lâu dài. "Vì thế, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô khi thi công cần hạn chế phá vỡ cảnh quan có sẵn và hạn chế sử dụng cây ngoại lai. Điều này sẽ làm tăng khả năng quyết định của người đến ở và tiết kiệm chi phí cho chủ sở hữu", ông Trung nhấn mạnh.
Nhật Minh
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.86371629020210202-o-iaogn-gnoud-ihgn-nas-gnod-tab-auc-iom-nav-ioht/nv.zibefac