Số liệu 6 tháng đầu năm 2020 N guồn: Bộ công an và Bộ Lao động & Thương binh xã hội - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tại sao các vụ việc bạo hành trẻ em diễn biến lâu, trong một thời gian dài như vậy mà chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội không phát hiện được. Đặc biệt là ý thức của những người xung quanh, sự thờ ơ trước tình trạng bạo lực trẻ em.
Ông Tạ Văn Hạ (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
Số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện trong 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Chính phủ, lên tới 1.012 vụ với hàng ngàn trẻ em đã bị xâm hại.
Cần đến tai mắt của công dân
Ngoài vụ việc của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ngay trong tháng 9 vừa qua, cũng tại Bắc Ninh, công an tỉnh này đã bắt Đặng Trung Kiên, 47 tuổi, trú tại phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) vì hành vi đánh gãy tay con gái mới 6 tuổi.
Trước đó, ngày 28-8 Tòa án nhân dân quận 9, TP.HCM tuyên phạt bị cáo Châu Minh Tiến (29 tuổi) 6 năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Tiến đã đánh gãy chân con ruột mới hơn 4 tháng tuổi của mình. Ông bố này khai đi làm về, uống rượu, bực tức vì vợ bỏ đi, con quấy khóc nên đánh con...
Theo TS Khuất Thu Hồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em còn phổ biến là lực lượng làm công tác bảo vệ trẻ em hiện còn mỏng. Đa số cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cấp xã, phường là cán bộ kiêm nhiệm. Vì thế, rất khó đòi hỏi lực lượng này nắm bắt sớm được các vụ bạo hành trẻ em trên địa bàn.
Giải pháp căn cơ hiệu quả nhất để chống lại bạo hành, xâm hại trẻ em, theo TS Khuất Thu Hồng, là tác động tới ý thức cả cộng đồng để cộng đồng phát hiện nhanh chóng những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.
"Làm sao để cộng đồng không im lặng, có hành động can thiệp ngay" - bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh. Chẳng hạn với vụ bạo hành em Trương Quang Duy ở Yên Phong, Bắc Ninh, người dân trên địa bàn có thể can thiệp ngay như chạy đến gặp chủ quán bánh xèo miền Trung để thắc mắc hoặc phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương để xử lý sớm.
Cũng theo bà Thu Hồng, nếu chỉ trông đợi vào hệ thống của Cục Trẻ em, ngành lao động - thương binh và xã hội thì sẽ không làm được, giống như chúng ta có bao nhiêu công an cũng không thể giải quyết hết vấn đề tội phạm mà phải luôn cần đến tai mắt của mọi công dân, cộng đồng.
Trẻ em (15 tuổi) làm việc tại một xưởng gỗ ở Bình Dương - Ảnh minh họa: T.T.D.
Phải có chính sách làm tốt dịch vụ cho người di cư
Theo ông Tạ Văn Hạ - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua xảy ra rất nhiều, diễn biến ngày càng phức tạp. Ông Tạ Văn Hạ yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các địa phương, người đứng đầu để xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn. "Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở, ở các địa phương để xảy ra các vụ bạo hành trẻ em thì chắc chắn số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ giảm đi" - ông Hạ nói.
Cũng theo ông Tạ Văn Hạ, cần nâng cao nhận thức cho chính những người có hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, những đối tượng, những người sử dụng lao động có nguy cơ gây bạo hành, xâm hại trẻ em. Họ cần được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức trong sử dụng lao động, trong đó có lao động trẻ em. "Ngay cả trẻ em, những người là nạn nhân bị xâm hại cũng cần được giáo dục để nâng cao khả năng phòng chống bạo hành trẻ em" - ông Hạ nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - đưa ra một giải pháp khác là về lâu dài phải có chính sách làm tốt dịch vụ cho người di cư, trong đó có đối tượng trẻ em. Theo ông Nam, nguy cơ người di cư chịu thiệt thòi về an sinh xã hội, trong đó có trẻ em, rất lớn nên phải rà soát lại để củng cố lại dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em được đến trường, được khám chữa bệnh cần được triển khai tốt hơn.
Hiện không chỉ Hà Nội, TP.HCM có đông người di cư mà nhiều tỉnh thành có mức độ tập trung công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bình Dương... cũng có nhiều lao động di cư đến. Vì vậy, cần làm tốt công tác cư trú để bảo vệ người nhập cư, bảo vệ trẻ em nhập cư.
Nhiều cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em chưa được đào tạo
Trên cả nước hiện có 280 người làm công tác trẻ em ở cấp tỉnh, trong đó có 118 cán bộ chuyên trách, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Có 1.229 người là thành viên của các tổ chức phối hợp liên ngành cấp tỉnh. Cấp huyện có 956 người làm công tác trẻ em, 8.015 người là thành viên của các tổ chức phối hợp liên ngành cấp huyện... Điều đáng lưu ý là phần lớn cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về quyền trẻ em và công tác xã hội nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao.
TTO - Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 34 tuổi, chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh, bị công an khởi tố vì hành hạ 2 nam nhân viên bằng các vật dụng như bàn chải đánh vảy cá, dao để trong bếp... khiến các nạn nhân bị thương tích khắp người.
Xem thêm: mth.19002232210210202-me-ert-hnah-oab-nan-nahc-nagn/nv.ertiout