Một lớp học của Trung tâm KEY English tại TP.HCM - Ảnh: Facebook KEY English
Trung tâm Anh ngữ nơi bệnh nhân 1.347 đến giảng dạy đã thông báo tạm dừng hoạt động 6 cơ sở tại TP.HCM. Trong khi đó, 4 trường ở TP.HCM cũng cho học sinh nghỉ học vì có học sinh, giáo viên tiếp xúc với bệnh nhân 1.347.
Những người có tiếp xúc với bệnh nhân 1.347 đều đã được đưa đi xét nghiệm và tùy thuộc kết quả xét nghiệm, các trường sẽ có phương án tổ chức dạy học.
Hơn 2.000 học sinh nghỉ học
Ngày 1-12, học sinh toàn bộ 2 trường tiểu học trên địa bàn Q.6 và 48 học sinh cùng 4 giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) phải nghỉ học - dạy vì liên quan đến giáo viên dạy tiếng Anh là bệnh nhân 1.347 nhiễm COVID-19.
Ông Lưu Hồng Uyên - trưởng Phòng GD-ĐT Q.6 - cho biết hơn 2.000 học sinh của Trường tiểu học Võ Văn Tần và Trường tiểu học Nguyễn Huệ nghỉ học do 4 giáo viên của trường có tiếp xúc với bệnh nhân 1.347. Ông Uyên thông tin: "4 giáo viên là chị em ruột, ở chung một nhà, có tiếp xúc với giáo viên tiếng Anh là bệnh nhân 1.347. Các cô là những giáo viên dạy ở 2 trường đó nên phòng chỉ đạo 2 trường cho học sinh nghỉ học".
Hiện kết quả xét nghiệm lần 1 của 4 cô giáo là âm tính. Tuy nhiên ngày 2-12 học sinh toàn trường của cả 2 trường vẫn được nghỉ. "Kế hoạch phương án dạy cho ngày nghỉ là dạy học trực tuyến. Giáo viên đã thông báo và cùng phụ huynh học sinh hỗ trợ để các em nắm nội dung chương trình. Hiện tại khi nào đi học lại thì phòng cũng phải đợi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của quận, TP thông báo", ông nói.
Cũng liên quan bệnh nhân 1.347, theo cô Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), chiều 30-11 một học sinh lớp 10A3 của trường được cơ quan y tế đưa đi xét nghiệm do học lớp tiếng Anh của bệnh nhân 1.347 dạy. "Sáng 1-12, trường quyết định cho 48 học sinh lớp 10A3 nghỉ học và 4 giáo viên nghỉ dạy. Học sinh đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính" - cô Chương nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết theo diễn biến tình hình dịch ở TP, cũng như sự việc tại 2 trường tiểu học ở Q.6 tạm thời nghỉ học, sở đang chờ kết quả xét nghiệm y tế.
"Trước mắt sở có văn bản chỉ đạo các trường, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trường học, chờ kết quả xét nghiệm từ ngành y tế rồi mới có phương án, giải pháp tiếp theo" - ông Hiếu nói.
Cũng trong ngày 1-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, sở đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như chủ động rà soát thông tin cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, gia đình học sinh một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác về các trường hợp, các đối tượng có liên quan đến tình hình dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo của trung ương và TP...
Khuyến khích học trực tuyến
Chi nhánh Trung tâm Anh ngữ KEY English tại TP.HCM, nơi bệnh nhân 1.347 đến giảng dạy, đã thông báo tạm dừng toàn bộ các lớp học ở 6 cơ sở tại TP.HCM từ ngày 30-11 đến hết ngày 14-12-2020. Các trường hợp có liên quan sẽ được kiểm tra sức khỏe và cách ly theo quy định.
Cũng theo thông báo này, sau thời gian tạm dừng, trung tâm sẽ có thông báo đến học viên và thầy cô về việc tiếp tục học trực tiếp tại trung tâm nếu được phép hoặc sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến. Key English có trụ sở tại Hà Nội, có 11 cơ sở dạy tiếng Anh tại Hà Nội và TP.HCM.
Đại diện Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) tại TP.HCM cho biết sau các đợt bùng phát COVID-19, đơn vị này vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đặc biệt, sau trường hợp bệnh nhân 1.347, SEAMEO nâng cấp độ cảnh báo cũng như các giải pháp phòng chống mạnh hơn.
Vị đại diện này cho biết toàn bộ nhân viên và học viên được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến làm việc và học tập. Tại cổng ra vào, học viên được kiểm tra thân nhiệt để sàng lọc bước đầu. Dung dịch sát khuẩn được bố trí ở nhiều nơi để giáo viên và học viên tiện sử dụng. Đặc biệt, SEAMEO yêu cầu giáo viên nước ngoài khai báo y tế thường xuyên để sàng lọc cũng như nắm lịch trình.
Theo đại diện Trung tâm Anh ngữ Apax, các trung tâm thuộc hệ thống vẫn thực hiện khử khuẩn lớp học định kỳ, không tụ tập quá đông người. Apax cũng yêu cầu học viên và phụ huynh đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào lớp học. Ngoài ra, trung tâm cũng áp dụng việc giãn cách lớp, đeo khẩu trang khi vào cổng trung tâm.
"Từ khi dịch xảy ra, trung tâm đã thực hiện giảng dạy theo hình thức trực tuyến, vừa đảm bảo kiến thức vừa an toàn cho học sinh. Với những phát sinh mới từ COVID-19, Apax khuyến khích phụ huynh cho các con chuyển sang học trực tuyến đến hết năm 2020" - đại diện Apax nói.
Trong khi đó, đại diện Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cho hay kể từ đợt dịch tháng 7-2020, trung tâm đã xây dựng quy định về phòng chống COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế, áp dụng cho tất cả người ra vào trung tâm. Với những diễn biến mới của dịch COVID-19, VUS liên tục nhắc lại quy trình phòng chống với nhân viên và học viên, phụ huynh.
App phòng chống COVID 19
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục cài đặt và triển khai ứng dụng An toàn COVID-19. Đây là bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, được xây dựng để minh bạch thông tin về an toàn với dịch COVID-19 tại các địa điểm tập trung nhiều người trên toàn quốc. Qua đó, thông tin liên quan đến mức độ an toàn COVID-19 được công khai, cập nhật hằng ngày.
NGỌC DIỆP
Thăm dò ý kiến
Sau các ca COVID-19 mới được phát hiện ở TP.HCM, bạn sẽ làm gì để phòng tránh dịch?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - Trường ĐH Khoa học tự nhiên có một sinh viên thuộc diện F1 của bệnh nhân 1347, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có một sinh viên là F1... Các sinh viên này đã được cách ly. Trong khi đó quận 6 tiếp tục cho học sinh 2 trường nghỉ học.