Trong lúc chị Mai (người tham gia dự án kiếm tiền trên TikTok) vẫn chưa thể liên hệ với chủ ứng dụng iClick sau khi bị sập để lấy lại số tiền hàng chục triệu đồng bỏ ra mua các gói làm nhiệm vụ tương tác dạo trên TikTok, giờ đây, khi chị truy cập vào chính ứng dụng này, lại là giao diện của một dự án khác mang tên Like Share với hình thức kêu gọi đầu tư tương tự. Thậm chí, dự án mới này còn mời chào các gói đầu tư giá trị cao hơn gấp đôi cái cũ.
Một loạt dự án quảng bá là kiếm tiền từ việc xem video, "like dạo" trên những nền tảng mạng xã hội khác như: YouTube, Facebook, Instagram... cũng đang hoạt động công khai.
Theo giới nghiên cứu luật, sự phát triển nhanh chóng của nền tảng mạng xã hội nói riêng và nền kinh tế số nói chung đang đòi hỏi nhà quản lý cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng chủ động hơn... mới có thể hạn chế tình trạng lợi dụng công nghệ để lừa đảo.
Sau khi bị sập một thời gian ngắn, các dự án kiếm tiền trên TikTok đã quay trở lại với cái tên khác.
"Trong quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi lừa đảo này chỉ được xem xét sau khi sự việc đã xảy ra, tức người ta đã mất tiền. Trong khi đó ở góc độ quản lý nhà nước có thể chặn ngay từ đầu bằng cách kiểm soát người đưa các ứng dụng lên mạng", Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết.
Mặc dù pháp luật hiện nay cũng đã có có những hành lang, nguyên tắc để xử lý hành vi lừa đảo núp bóng các dự án kêu gọi đầu tư trên mạng. Tuy nhiên, để việc xử lý này được hiệu quả trong thực tế, giới chuyên gia đề xuất một số vấn đề cần được cụ thể hóa trong luật, cũng như tăng mức chế tài cho phù hợp với diễn biến hiện nay.
"Một trong những cái có thể thay đổi là liên quan đến chứng cứ điện tử. Pháp luật của mình đang thiếu vắng chỗ này. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước có thể xác định được các app đó được tạo ra như thế nào, ai là người tạo ra. Vấn đề là liệu rằng những thông tin đó có thể trở thành chứng cứ khi đem ra truy tố một cách rõ ràng được hay không", Tiến sĩ Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định.
Những chiếc "bánh vẽ" thường được quảng cáo là rất ngon...
"Những chế tài áp dụng hiện nay chưa đủ mức tương xứng so với các giá trị lợi ích mà những đối tượng lừa dối thu về, do đó cần nâng mức chế tài lên. Thứ hai là dù quy định đã có, nhưng chúng ta lại xử lý những trường hợp này chưa nhiều", Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho hay.
Các đối tượng lừa đảo cũng khai thác triệt để lỗ hổng kiến thức về kinh doanh qua nền tảng công nghệ để tung ra chiêu trò đánh vào tâm lý hám lợi của người dân. Do đó, lời khuyên không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ là chỉ nên bỏ tiền đầu tư khi đã thực sự tìm hiểu. Những chiếc "bánh vẽ" thường được quảng cáo là rất ngon và tiền không bao giờ có thể kiếm vài chục, vài trăm phần trăm một cách dễ dàng.
VTV.vn - Để lấy được niềm tin từ người tham gia, các dự án được quảng cáo là kiếm tiền trên TikTok đã sử dụng nhiều chiêu thức có dấu hiệu của đa cấp biến tướng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!