Liên quan đến các vi phạm và hình thức chế tài đối với tiếp viên hàng không D.T.H. làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng những ngày qua tại TPHCM, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích: "Bệnh nhân 1342 là người trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 và đã được thông báo cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, bệnh nhân này lại tiếp xúc gần với nhiều người (trong đó có bệnh nhân 1347). Có thể thấy, đây là hành vi không tuân thủ quy định về việc cách ly tại nhà".
Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có ban hành công văn số 45/TANDTC-PC nhằm hướng dẫn công tác xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo nội dung công văn này, hành vi của Bệnh nhân 1342 có thể bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức hình phạt tối đa đối với tội danh này lên đến đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Về hành vi của bệnh nhân 1347, người đến ở cùng và lây bệnh từ bệnh nhân 1342, theo luật sư Đức Chánh: "Cần xác định rằng người này có biết được thông tin bệnh nhân 1342 đang trong thời gian cách ly tại nhà hay không? Nếu người này biết, rõ ràng hành vi tiếp xúc gần với người đang cách ly là hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân họ. Đồng thời, sau đó người này lại tiếp xúc với rất nhiều người khác thì tôi cho rằng đây là hành vi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cộng đồng. Như chúng ta đã thấy thì vừa qua đã có rất nhiều người thuộc diện phải cách ly do tiếp xúc với bệnh nhân 1347".
Hành vi tiếp xúc gần với người mà mình biết đang trong thời gian cách ly nhưng không có biện pháp bảo vệ cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/11/2020). Theo đó, người nào không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch (tiếp xúc gần với người đang trong thời gian cách ly) có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Theo luật sư Đức Chánh, bệnh nhân 1347 có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bởi để truy cứu trách nhiệm hình sự phải xác định được yếu tố lỗi là cố ý. Trường hợp này bệnh nhân 1347 có thể không biết việc mình bị lây bệnh nên vô ý gây lây lan cho người khác.
Như Dân trí đã đưa tin, bệnh nhân 1342 là D.T.H. (28 tuổi, tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airline). Ngày 17/11, H. tiếp xúc với 1 tiếp viên hàng không khác về từ Rumani. Ngày 25/11, tiếp viên về từ Rumani có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (là bệnh nhân 1.325 đã được Bộ Y tế công bố).
D.T.H. sau 2 lần xét nghiệm âm tính được về nơi lưu trú thực hiện hình thức tự cách ly. Tuy nhiên nam tiếp viên hàng không từ ngày 18 đến 28/11 vẫn tiếp xúc gần với 3 người khác gồm mẹ đẻ (ngụ huyện Hóc Môn) và hai người bạn (một nam ở quận 6 và một nữ ở Bình Thạnh).
Sau khi kết quả xét nghiệm của H. dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra dịch tễ xét nghiệm người tiếp xúc thì phát hiện N.M.S. (giáo viên Anh ngữ - ca bệnh 1347) được H. gọi đến ở cùng trong thời gian tự cách ly tại nơi lưu trú và S. cũng dương tính với loại virus nguy hiểm này.
Đến nay đã ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh từ nguồn lây S. là cháu bé 14 tháng tuổi và một phụ nữ 28 tuổi, đều ngụ tại quận 6, TPHCM.
Sau khi các đơn vị liên quan báo cáo về nguyên nhân khiến dịch Covid-19 tái phát, lây nhiễm trong cộng đồng, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu những quy định của pháp luật, xác định mức độ vi phạm của bệnh nhân, sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó.
Vân Sơn