Theo đài NPR ngày 1-12, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr (đảng Cộng hòa) đã chỉ định một “công tố viên đặc biệt” điều tra nguồn gốc của “cuộc điều tra Nga” thông đồng với đội tranh cử ông Donald Trump can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Công tố viên đặc biệt mới được chỉ định này là ông John Durham - Bộ trưởng Tư pháp bang Connecticut, thuộc đảng Cộng hòa.
NPR dẫn nội dung một lá thư ông Barr gửi đến quốc hội ngày 1-12 cho biết ông Barr có quyết định này ngày 16-10, hai tuần trước cuộc bầu cử.
Trong thư ông Barr nói ông bổ nhiệm ông Durham là công tố viên đặc biệt “nhằm cung cấp cho ông và đội ngũ của ông sự bảo đảm để họ có thể hoàn thành công việc, không bận tâm đến kết quả cuộc bầu cử”.
Bước đi cao tay của đảng Cộng hòa
Với việc được bổ nhiệm là công tố viên đặc biệt, ông Durham có quyền điều tra bất kỳ quan chức hay nhân viên liên bang nào bị nghi ngờ vi phạm luật pháp, quá trình điều tra, thực hiện các hoạt động tình báo hay hoạt động thực thi luật pháp nhắm vào đội tranh cử của ông Trump.
Với chức danh này ông Durham cũng được phép trình báo cáo cuối cùng lên Bộ trưởng Tư pháp “với hình thức cho phép phổ biến ra công chúng”.
Ông John Durham (trái) và ông William Barr. Ảnh: WASHINGTON EXAMINER
Năm 2019 ông Barr đã chỉ định ông Durham tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc ra đời cuộc điều tra cáo buộc Nga thông đồng với đội tranh cử của ông Trump can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Ban đầu đây là công việc tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, nhưng sau đó dần trở thành một cuộc điều tra hình sự. Tính đến thời điểm này đã có một cá nhân bị truy tố trong cuộc điều tra của ông Durham: đó là cựu luật sư của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) – ông Kevin Clinesmith. Ông này đã nhận tội sửa đổi một bức thư điện tử (email) được sử dụng để có được quyền giám sát một cựu cố vấn tranh cử của ông Trump.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP ngày 1-12, ông Barr cho biết cuộc điều tra của ông Durham ban đầu có quy mô rất rộng nhưng sau đó “đã được thu hẹp lại đáng kể” và giờ “thật sự tập trung vào các hành động của cuộc điều tra Crossfire Hurricane (tạm dịch: Bão lửa) của FBI”. Crossfire Hurricane là cuộc điều tra phản gián do FBI thực hiện trong thời gian 2016-2017 về liên hệ giữa đội ngũ ông Trump và các quan chức Nga, và liệu có sự hợp tác – mong muốn hoặc không mong muốn – giữa phía ông Trump với phía Nga để can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012. Ông Trump không dính vào cuộc điều tra này, cho tới sau khi ông sa thải Giám đốc FBI James Comey tháng 5-2017 và bị cáo buộc cản trở công lý.
Giám đốc FBI Jame Comey (phải) và Tồng thống Donald Trump. Ảnh: EPA/Rex/Shutterstock
Sau khi ông Comey bị sa thải, ngày 17 tháng 5 năm 2017, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller vào chức vụ công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp, dẫn dắt cuộc điều tra Nga.
Năm ngoái, một cơ quan giám sát của Bộ Y tế kết luận cuộc điều tra của FBI là hợp pháp và chính đáng, không phải là sản phẩm của các thành kiến chính trị của các lãnh đạo FBI chống lại ông Trump, dù trong quá trình điều tra có một số sai sót khiến FBI phải có một số thay đổi trong thể thức.
Trong thư gửi quốc hội ông Barr viết ông hy vọng ông Durham sẽ hoàn tất điều tra vào mùa hè này. Tuy nhiên ông cũng cho rằng có khả năng thời hạn này sẽ bị đẩy lùi do tình hình đại dịch COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác.
Đảng Dân chủ nói gì?
Theo hãng tin Bloomberg, ông Barr chia sẻ với quan điểm của ông Trump rằng ông là nạn nhân của cuộc điều tra cáo buộc Nga thông đồng với đội tranh cử của ông can thiệp bầu cử Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện – nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng cuộc điều tra của ông Durham sẽ giúp “khôi phục uy tín của Bộ Tư pháp và FBI”. Tuy nhiên bên đảng Dân chủ gọi cuộc điều tra này là sự lạm dụng quyền lực.
Theo Bloomberg, việc bổ nhiệm này cũng có nghĩa ông Durham có thể điều tra liệu ông Biden có làm gì sai luật không trong thời gian ông làm phó tổng thống, như ông Trump từng cáo buộc. Trước đó ông Barr có nói ông không nghĩ cuộc điều tra của ông Durham sẽ dẫn tới điều tra hình sự ông Biden hay cựu Tổng thống Barack Obama.
“Ông Barr đang sử dụng luật công tố viên đặc biệt cho mục đích mà luật này không nhắm tới: theo đuổi một cuộc điều tra mang động cơ chính trị ngay cả khi ông Barr rời nhiệm sở. Chính trị hóa Bộ Tư pháp ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm sở, đây quả là một đoạn cuối phù hợp khi ông Barr theo đuổi nó cho đến tận cuối cùng” – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff chỉ trích. Ông Schiff là người dẫn đầu nỗ lực của bên Dân chủ trong quá trình điều tra luận tội ông Trump tại Hạ viện.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện – nghị sĩ Dân chủ Jerrold Nadler cho rằng việc bổ nhiệm ông Durham – một đương kim Bộ trưởng Tư pháp bang – làm công tố viên đặc biệt là không hợp pháp, vì các quy định của Bộ Tư pháp yêu cầu phải chọn người bên ngoài chính phủ.
Ông Robert Mueller. Ảnh: VOX
Thời điểm ông Mueller được Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt dẫn dắt cuộc điều tra độc lập cáo buộc Nga thông đồng với đội tranh cử ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ thì ông Mueller đã rời khỏi chức Giám đốc FBI.
Theo Bloomberg, giải thích một cách chính xác theo luật pháp thì ông Barr bổ nhiệm ông Durham theo thẩm quyền Bộ trưởng Tư pháp của ông, chứ không phải theo các quy định công tố viên đặc biệt. Điều này có thể dẫn tới các thách thức pháp lý về thẩm quyền của ông Durham trong theo đuổi điều tra, theo chuyên gia luật hiến pháp Laurence Tribe tại trường luật ĐH Harvard.