Tài liệu Công báo sở hữu công nghiệp tháng 11-2020 của Cục Sở hữu Trí tuệ được đăng tải trên trang web IP Vietnam - Ảnh: MI LY
Hôm 1-12, họa sĩ Lê Linh (tên thật Lê Phong Linh) đăng lên mạng xã hội ảnh chụp tài liệu Công báo sở hữu công nghiệp số 392, tập A, quyển 3 của Cục Sở hữu Trí tuệ vào tháng 11-2020.
Trong tài liệu, có đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu nhãn hiệu "Lê Linh" từ công ty Phan Thị vào ngày 9-7-2010. Đến ngày 25-11-2020, tức hơn 10 năm sau, Cục Sở hữu Trí tuệ công bố đơn này trong Công báo nhưng vẫn chưa cấp giấy chứng nhận.
Phan Thị nộp đơn từ 10 năm trước
Thông tin do họa sĩ Lê Linh cung cấp nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Họa sĩ viết: "Hôm nay, trên công báo tháng 11-2020 của Cục Sở hữu Trí tuệ, công ty Phan Thị vẫn tiếp tục dùng bút danh Lê Linh của tôi đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Vậy mà trước đây, tại phiên tòa sơ thẩm vụ Thần đồng đất Việt, khi kiểm sát viên Trần Lệ Thủy hỏi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Vân Nam đã khẳng định Phan Thị không hề làm việc đó".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, họa sĩ Lê Linh cho biết: "Luật sư của tôi đang kiểm tra lại thông tin trên công báo, sau đó sẽ tư vấn cho tôi các thủ tục cần thiết để phản đối. Nguyên tắc là Cục đưa lên Công báo, nếu không có ai phản đối thì mới cấp giấy chứng nhận".
Họa sĩ Lê Linh tại tòa án vào năm 2019 - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo đơn yêu cầu, nhãn hiệu Lê Linh - nếu thuộc sở hữu của Phan Thị - sẽ được sử dụng trong các nhóm sản phẩm và dịch vụ bao gồm:
- Nhóm 16 - ấn phẩm, sách báo, vở học sinh đồ dùng văn phòng, sổ tay, giấy, bìa, tranh ảnh trang trí;
- Nhóm 41: sản xuất phim hoạt hình, xuất bản sách;
- Nhóm 42: Thiết kế tạo mẫu trên máy tính, cho thuê máy tính, quét hình, ghép hình và xử lý hình ảnh trên máy tính;
- Nhóm 45: Dịch vụ lisence về quyền sở hữu trí tuệ.
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (Trưởng văn phòng Luật sư Phạm và liên danh), người đại diện cho họa sĩ Lê Linh trong vụ kiện Thần đồng đất Việt, phân tích: "Việc đăng ký nhãn hiệu này giúp Phan Thị vin vào thương hiệu của Lê Linh để gán lên sách, trong khi Lê Linh không phải là tác giả, khiến độc giả hiểu nhầm là Lê Linh có đóng góp, tham gia vào quá trình làm sách sau đó".
Công ty Phan Thị muốn hủy đăng ký nhãn hiệu 'Lê Linh'
Sáng 2-12, trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Lan Nhã - giám đốc điều hành công ty Phan Thị - cho biết vừa làm việc với đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ để làm rõ sự việc.
Bà Lan Nhã cho biết: "Tài liệu Công báo tháng 11-2020 là Cục cập nhật toàn bộ hồ sơ từ năm 2010 đến nay, cho nên họ đưa cả những hồ sơ cũ lên. Tôi đã làm việc với Cục để hủy văn bản đó. Văn bản đó được nộp lên vào năm 2010, từ trước cả phiên tòa về Thần đồng đất Việt. Cục cho biết sẽ kiểm tra lại và hủy văn bản đó".
Bà Nhã nói thêm: "Hơn 10 năm rồi, đáng lẽ văn bản đó không còn hiệu lực. Tôi hỏi cục là lâu nay bên Phan Thị không đưa thông tin này, bây giờ tại sao lại đưa lên. Cục trả lời sẽ xem xét rồi hủy văn bản".
Bốn nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trên truyện tranh "Thần đồng đất Việt" và khi lên phim "Trạng Tí" - Ảnh: PHAN THỊ/STUDIO68
Tháng 9-2019, Tòa án Nhân dân TP.HCM công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong truyện Thần đồng đất Việt.
Theo đó, ông Lê Linh là tác giả của hình thức thể hiện gốc, còn công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, được sử dụng 4 hình tượng nhân vật này vào sản xuất kinh doanh nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.
Xung quanh vấn đề bản quyền của phim 'Trạng Tí'
Hôm 29-11, tại một sự kiện truyện tranh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh của phim Trạng Tí khẳng định anh cùng nhà sản xuất đã làm việc về việc chuyển thể truyện tranh Thần đồng đất Việt với công ty Phan Thị và tác giả.
Nói về dự án phim Trạng Tí, họa sĩ Lê Linh cho biết: "Vấn đề phim cũng khá phức tạp, cần hỏi các luật sư cho chính xác. Tôi có lý do riêng nên không muốn đề cập đến phim lúc này". Trên mạng xã hội, dư luận quan tâm đến quyền lợi của Lê Linh khi Thần đồng đất Việt được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Tuổi Trẻ Online liên hệ với nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và công ty Studio68 - đơn vị sản xuất phim Trạng Tí. Phía Studio68 cho biết sẽ sớm phản hồi về vấn đề này.
TTO - Sáng 3-9, TAND TP.HCM đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm và công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt.