Tuy nhiên, hiện nay làm sao để giảm cầu vẫn là một vấn đề nan giải, bởi mấu chốt là giảm người nghiện, người sử dụng ma túy, nhưng số người nghiện vẫn ở mức cao, gây nên nhiều hệ lụy hết sức nghiêm trọng cho xã hội. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã nỗ lực chuyển hóa địa bàn, triệt xóa hàng ngàn điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, góp phần làm trong sạch địa bàn, bảo vệ bình yên khu dân cư.
Đạt những mục tiêu quan trọng
Công tác cai nghiện thời gian qua đã có những bước đổi mới, huy động được sự tham gia của xã hội đối với việc cai nghiện ma túy tự nguyện. Trong gần 4 năm qua, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 162.225 lượt người tại cơ sở cai nghiện, tăng hơn 10% số lượt người cai nghiện so với cả 5 năm giai đoạn trước.
Tuy nhiên, đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, trong số 7 nhóm mục tiêu Chương trình Phòng, chống ma túy đến năm 2020 đã đề ra, chúng ta đạt 5 mục tiêu và chưa đạt 2 mục tiêu. 5 mục tiêu đạt liên quan đến công tác tuyên truyền, phát hiện, xử lý số vụ phạm tội về ma túy, giảm diện tích cây có chứa chất ma túy...
Thế nhưng cả nước hiện vẫn còn trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. "Chúng ta có sự lúng túng cả về nhận thức và cách làm liên quan đến vấn đề cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, nhất là nghiện ma túy tổng hợp, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hình thức, tốn kém, chưa đạt hiệu quả..." - đại tá Vũ Văn Hậu nhìn nhận.
Tại TPHCM, số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết, tính đến tháng 4-2020, có 80.000 người đang cai nghiện ma túy và có khoảng 15.000 người nghiện đang được quản lý. Nhưng theo các chuyên gia, số người nghiện thực tế tại cộng đồng còn cao hơn vì có rất nhiều người đã nghiện nhưng chưa bị phát hiện. Có cầu ắt có cung, với số lượng người nghiện nhiều như vậy, tất nhiên tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy sẽ ngày càng phức tạp.
Đặc biệt khi sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp (được điều chế hoàn toàn từ các loại hóa chất) trong thời gian dài thì con nghiện có thể trở nên trầm cảm, hoang tưởng (tin vào những điều không có thật), ảo giác (nghe hoặc nhìn thấy những điều không có thật) và loạn thần, thường gọi là "ngáo đá”. Hậu quả là khiến con nghiện có thể có hành vi tự hủy hoại bản thân, tự tử hay trở nên cực kỳ nguy hiểm và gây ra những hành vi bạo lực, những vụ án tàn bạo, dã man.
Thời gian qua, thực tế đã xảy ra nhiều vụ giết cả bố mẹ, người thân của mình do "ngáo đá”, hay vụ 7 thanh niên trẻ đã chết trong đêm nhạc hội điện tử tại Công viên nước hồ Tây (Hà Nội) năm 2018 sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc cũng có nguyên nhân do người gây tai nạn có sử dụng ma túy.
Đồng thời, việc hàng chục ngàn người nghiện sinh sống trong cộng đồng thật sự là vấn đề nhức nhối, nếu chỉ 1/3 số này gây án thôi cũng đủ để thấy an ninh trật tự phức tạp đến độ nào. Để có tiền mua ma túy với nhu cầu ngày càng cao, không chỉ khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, con nghiện sẽ bất chấp mọi hành vi, từ trộm cắp, buôn bán ma túy đến giết người, cướp của... gây ra những hệ lụy kinh hoàng cho gia đình và xã hội.
Nhiều khó khăn, vẫn quyết tâm vì nhân dân
Tình trạng người nghiện ngày càng nhiều làm tăng thêm gánh nặng cho lực lượng Công an vốn đã phải nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Nhưng với quyết tâm chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn, thời gian qua, lực lượng Công an đã triệt xóa hàng ngàn điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Công tác rà soát, phối hợp quản lý người nghiện từng bước được thực hiện tốt hơn, chú trọng triển khai các giải pháp phòng ngừa người nghiện phạm tội, nhận diện đối tượng "ngáo đá”.
Trước đây TPHCM có những địa bàn phức tạp về ma túy như khu Miếu Nổi, khu Mả Lạng... Công an TPHCM cũng đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo nhằm từng bước đẩy lùi tệ nạn, ổn định tình hình ANTT; chủ động tham mưu chính quyền địa phương xây dựng nhiều kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm "hồi sinh" những "vùng đất dữ", mang lại sự bình yên cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, từ đó có biện pháp đấu tranh, chặn "nguồn cung" ma túy cho địa bàn TP. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát các đối tượng nghiện, nghi nghiện để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra sự cố bất ngờ.
CATP cũng phối hợp nhịp nhàng với các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; chú trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phục vụ đắc lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... Nhờ đó, làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời điều tra, xử lý triệt để nhiều vụ việc; tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng được kìm giảm và từng bước đẩy lùi, góp phần xây dựng ổn định kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn TP.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11-2020 vừa qua, Bộ Công an đã trình Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, trong đó dành 2 chương để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (chương IV) và cai nghiện ma túy (chương V), trong đó chương IV được quy định mới trong luật. Theo đó, ngay lần đầu tiên 1 người bị phát hiện sử dụng trái phép ma túy đã bị quản lý, ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện.
Điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình họ và xã hội. Đây cũng không phải là biện pháp xử lý hành chính thông thường, mà trong thời gian quản lý, nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện.
Còn chương V cũng được sửa đổi cơ bản và toàn diện, khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện thời gian qua. Chính sách cai nghiện cũng theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nhưng nếu vẫn vi phạm, tiếp tục sử dụng thì sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện, khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân.
Luật cũng sửa đổi các quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, vừa không làm phát sinh tổ chức bộ máy mới và ngân sách Nhà nước, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ. Một điểm mới của dự thảo Luật là bổ sung các quy định về cai nghiện đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.
Công tác cai nghiện cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành đặt ra trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Công an đang chủ trì xây dựng. Theo đó, để công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy đạt kết quả tốt nhất, cũng cần có sự chung tay của cả xã hội, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, để tư nhân góp sức cùng Nhà nước trong cuộc chiến gian nan này.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.478301_nad-nahn-ohc-ney-hnib-ev-oab-nab-aid-aoh-neyuhc-cul-on-7-iab/na-uv/nv.moc.nagnoc