Nhà tù công về bản chất sẽ không hoạt động để thu lợi nhuận vì mục đích sau cùng là tách phạm nhân khỏi xã hội hoặc giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Vậy nhà tù tư ở Mỹ kiếm tiền bằng cách nào?
Nguồn tiền chính của nhà tù tư nhân do nhà nước chi trả cho dịch vụ giam giữ. Số tiền này dựa trên quy mô nhà tù nhưng đa phần căn cứ số lượng phạm nhân.
Giả sử sức chứa một nhà tù tư là 1.000 người với chi phí 100 USD/phạm nhân/ngày (trong điều kiện nhà tù vận hành hết công suất, đã bao gồm chi phí quản lý). Chủ nhà tù tư sau đó đưa ra giá dịch vụ giam giữ là 150 USD/phạm nhân/ngày. Nếu mức giá trên được cho là thấp hơn chi phí vận hành nhà tù công, nhà tù tư sẽ được nhà nước ký hợp đồng.
Nếu muốn nhiều lợi nhuận, chủ sở hữu nhà tù có thể mở rộng quy mô nhưng điều này cần vốn. Cũng giống như các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, để gọi thêm vốn, chủ sở hữu nhà tù tư có thể cổ phần hóa. Dòng vốn mới từ việc cổ phần hóa giúp doanh nghiệp có thể xây thêm nhà tù và kiếm thu thêm lợi nhuận.
Thoạt nhìn, nhà tù tư có vẻ là giải pháp vì nhiều gánh nặng của nhà nước được chuyển sang cho doanh nghiệp tư nhân. Thay vì phải thực hiện mọi khâu trong quá trình vận hành nhà tù như xây dựng và bảo trì, sắp xếp nhân lực, giám sát phạm nhân..., nhà nước chỉ cần cung cấp phạm nhân và giám sát chủ doanh nghiệp.
Vì nguy cơ bị hủy hợp đồng, nhà thầu tư nhân có động lực rất lớn để cung cấp dịch vụ tốt hơn, theo Alexandra Wilkes, phát ngôn viên cho Day 1 Alliance, hội nghề đại diện cho ba công ty vận hành nhà tù tư nhân hàng đầu tại Mỹ. Điều này sẽ khiến điều kiện sống trong tù tốt hơn, phạm nhân mãn hạn cũng sẽ tái hòa nhập xã hội hiệu quả hơn.
Nhưng theo nhiều người phản đối, cách nhà tù tư thu lợi nhuận còn một số mặt trái. Do hoạt động với mục tiêu kiếm tiền, các nhà tù tư cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách cắt bỏ một số dịch vụ. Ví dụ, việc cắt dịch vụ dọn vệ sinh sẽ giúp nhà tù tư giảm 10 USD trong chi phí giam giữ một phạm nhân mỗi ngày. Nếu có quy mô 1.000 phạm nhân, nhà tù sẽ kiếm thêm 10.000 USD một ngày.
Trong bốn tháng làm cán bộ quản giáo của một nhà tù tư tại bang Louisiana vào năm 2014, nhà báo Shane Bauer chứng kiến việc chương trình giáo dục phạm nhân bị bỏ để tiết kiệm chi phí. Với lương cán bộ quản giáo 9 USD một giờ, thường mỗi ca trực có không quá 24 cán bộ chỉ được trang bị radio để giám sát hơn 1.500 phạm nhân. Điều này khiến tình trạng bạo lực tại đây cực kỳ nghiêm trọng: Trong bốn tháng của năm 2015, quản lý nhà tù tìm được khoảng 200 vũ khí, gấp 23 lần so với nhà tù an ninh tối đa của bang Louisiana.
Bên cạnh đó, vì mục đích thu lợi nhuận, nhà tù tư liên tục cần nguồn phạm nhân mới để thay thế người đã chấp hành xong án tù. Nhà tù tư vì thế có thể vận động hành lang để đảm bảo quy định pháp luật trở nên nghiêm ngặt hơn và được thực thi "mạnh tay" hơn, theo Investopedia.
Một số doanh nghiệp thậm chí dùng tới cách đút lót để ký hợp đồng với chính quyền. Ví dụ trong bê bối "đổi trẻ lấy tiền" năm 2008, hai thẩm phán hạt Luzerne, bang Pennsylvania đã "ăn tiền" 2,8 triệu USD của Mid-Atlantic Youth Services Corp (MAYSC), công ty nhà tù tư dành cho trẻ vị thành niên. Nhận tiền, hai thẩm phán đẩy khoảng 2.000 trẻ em tới cơ sở giam giữ của công ty MAYSC dù các em có vi phạm ít nghiêm trọng.
Nhà tù tư nhân được khởi xướng ở Mỹ trong những năm 1980, cùng thời điểm xảy ra sự bùng nổ trong số lượng phạm nhân. CoreCivic, hiện là một trong những công ty nhà tù tư nhân dẫn đầu ở Mỹ, được thành lập năm 1983 và bắt đầu vận hành vào năm 1984 tại bang Tennessee.
Theo số liệu năm 2017 của Cục Thống kê Tư pháp, hơn 121.400 người bị giam giữ trong nhà tù tư nhân, tương ứng 8,2% tổng số phạm nhân. Ít nhất 27 bang giam giữ tù nhân trong cơ sở tư nhân, trong đó 8 bang dùng cơ sở tư nhân làm nơi giam giữ với ít nhất 15% tổng số phạm nhân của bang.
Quốc Đạt (Theo Investopedia, Time, Mother Jones)
Xem thêm: lmth.4199914-nauhn-iol-uht-ym-nahn-ut-ut-ahn-hcac/ten.sserpxenv