Các lọ đựng mẫu vắc-xin COVID-19 của Nga do Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya ở Matxcơva, Nga phát triển, ảnh chụp ngày 6-8-2020 - Ảnh: REUTERS
"Tôi yêu cầu quý vị tổ chức công việc để tới cuối tuần tới chúng ta sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng trên diện rộng này", hãng tin AFP dẫn lời ông Putin nói trong cuộc gọi thoại video với Phó thủ tướng Tatiana Golikova.
Bà Tatiana Golikova là người lãnh đạo nhóm chuyên trách chống dịch của Chính phủ Nga.
Ông Putin lưu ý giáo viên và các y bác sĩ sẽ là những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Ông cũng nói thêm "hơn 2 triệu liều vắc xin đã được sản xuất hoặc sẽ được sản xuất trong vài ngày tới".
Vắc xin Sputnik V cần phải tiêm hai liều cách nhau 21 ngày. Vắc xin sẽ được tiêm miễn phí cho mọi công dân Nga và việc này là hoàn toàn tự nguyện.
Tổng thống Nga đưa ra tuyên bố trong cùng ngày Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức cấp phép sử dụng đại trà với vắc xin COVID-19 do Pfizer - BioNTech phát triển và cũng sẽ bắt đầu tiêm trong tuần tới.
Tuần trước Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đại trà trong quân đội. Chiến dịch này nhằm mục tiêu tiêm chủng cho hơn 400.000 quân nhân, tới cuối năm nay tiêm được khoảng 80.000 người trong đó.
Tuần trước ông Putin công bố vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả phòng bệnh 95% theo những kết quả thử nghiệm lâm sàng bước đầu, tức là cao hơn vắc xin của các nước đã công bố.
Vắc xin Sputnik V, được đặt theo tên của một vệ tinh thời Liên Xô cũ, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng được thực hiện với khoảng 40.000 tình nguyện viên.
Cũng trong hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết hơn 100.000 người Nga đã được tiêm vắc xin COVID-19. Ông Mikhail Murashko công bố thông tin này khi trình bày thông tin về vắc xin Sputnik V với cơ quan Liên Hiệp Quốc thông qua kết nối video trực tiếp.
Nga là nước có số ca mắc COVID-19 tới nay cao thứ tư thế giới với tổng cộng 2,3 triệu ca và hơn 41.000 người chết.
Tại Nga, mức tăng số ca nhiễm mới đã chậm lại kể từ sau khi đạt mốc cao ngày 27-11, trong ngày 2-12 là 25.345 ca mới. Trong giai đoạn ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai, Nga không áp dụng phong tỏa.
TTO - Tổ chức Y thế giới (WHO) cho biết họ cần được xem các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và hệ thống Các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) để có thể đánh giá chất lượng vắc xin Sputnik V của Nga.