vĐồng tin tức tài chính 365

ASEAN có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ quí 3/2021

2020-12-02 23:40

ASEAN có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ quí 3/2021

Lê Hiếu – Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Các nước Đông Nam Á đã tích cực tìm cách tự sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ nhiều tháng qua theo các kế hoạch nhượng quyền công nghệ từ các hãng dược phương Tây và Trung Quốc. Dự kiến Thái Lan sẽ là nước sớm nhất có vaccine từ quí 3 năm tới 2021.

Ông James Teague - Chủ tịch của AstraZeneca Thailand - tại buổi lễ ký kết cung cấp 26 triệu liều vaccine hôm 27-11. Ảnh: AP

Nhưng năng lực sản xuất của ngành dược ASEAN sẽ không đủ cung cấp cho toàn bộ dân số. Nhiều nước Asean đã chọn nhập vaccine từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất và lịch giao hàng sẽ tùy thuộc vào năng lực của nhà cung cấp. 

Vì thế, kế hoạch phòng chống dịch và khôi phục kinh tế của các nước ASEAN sẽ tùy thuộc khá lớn vào quá trình sản xuất và thực hiện tiêm vaccine Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần phải mất ít nhất hai năm để sản xuất đủ lượng vaccine tiêm chủng cho toàn bộ dân số thế giới 7,8 tỉ người, mỗi người hai liều tiêm.

Vaccine ngừa Covid-19 do Công ty Nanogen của Việt Nam phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1 dự kiến trong tháng 12 này – theo Tuổi Trẻ.

Học viện Quân Y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên người tình nguyện.

Dự kiến bốn hãng dược Việt Nam có thể cung cấp khoảng 6 triệu liều vaccine trong năm tới và thời điểm dự kiến sớm nhất là cuối quí 2 hoặc đầu quí 3-2021. Việt Nam cũng đặt mua vaccine Sputnik V của Nga và vaccine của hãng dược Anh AstraZeneca.

Hôm 2-12, Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên chuẩn thuận vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer – BioNTech, sớm hơn thời hạn dự kiến 10-12 của các cơ quan quản lý dược Mỹ và châu Âu. Chính phủ Anh dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng cho dân chúng từ ngày 7-12.

Malaysia sẽ là quốc gia ASEAN đầu tiên có được vaccine của Pfizer – BioNTech, dự kiến vào quí 1 năm tới. Cuối tháng 11, Malaysia đã ký thỏa thuận đặt mua 12,8 triệu liều với hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ. Dự kiến, Malaysia sẽ nhận được 1 triệu liều đầu tiên từ Pfizer vào quí 1 tới và số liều vaccine còn lại sẽ được giao trong các quí còn lại.

Từ đầu tháng 12, Malaysia sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 loại vaccine Covid-19 đầu tiên do nước này sản xuất theo công nghệ của Viện Y sinh thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc.

Cuối tháng 11, chính phủ Thái Lan đã ký thỏa thuận trị giá 200 triệu đô la để mua 26 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Dự kiến, số vaccine này sẽ được giao vào giữa năm 2021. Giới chức y tế Thái Lan cho hay 26 triệu liều sẽ được tiêm cho 13 triệu người trong số 69 triệu dân.

Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan, Công ty Siam Bioscience và tập đoàn kinh doanh SCG cũng đã ký kết một ý định thư với AstraZeneca. Theo đó, thỏa thuận này sẽ cho phép Siam Bioscience bắt đầu sản xuất vaccine (AZD1222) tại nhà máy của mình dự kiến vào giữa năm sau. Nếu không có trở ngại nào, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á sản xuất vaccine này.

Indonesia là nước có ngành công nghiệp dược lớn nhất Đông Nam Á với khả năng có thể sản xuất gần hai tỉ liều vaccine các loại mỗi năm. Vào tháng 4 vừa qua, hãng dược nhà nước Bio Farma đã hợp tác với công ty Sinovac để phát triển vaccine cho Covid-19.

Một khi thành công, việc kết hợp này có thể sản xuất tới 250 triệu liều mỗi năm, tức chỉ đủ tiêm cho chưa đầy một nửa dân số Indonesia. Vì thế, chính phủ nước này đã đặt mua vaccine từ ít nhất bốn nhà cung cấp – gồm Sinovac Biotech và CanSino Biologics của Trung Quốc, AstraZeneca của Anh và Novanax của Mỹ.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng tham gia vào sáng kiến phân phối vaccine ngừa Covid-19 có tên là Covax do WHO dẫn đầu. Tổng lượng cam kết nhập khẩu là 189 triệu liều.

Các nhà khoa học thuộc Trường Y Duke ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đang phối hợp với hãng công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics của Mỹ để phát triển một loại vaccine có ký hiệu ARCT-021. Theo hãng dược Mỹ, các thử nghiệm ban đầu trên người đã cho thấy nhiều dấu hiệu hứa hẹn và vaccine này có thể sẽ được sẵn sàng cho việc tiêm ngừa vào năm tới.

Cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) đã đầu tư 45 triệu đô la vào chương trình nghiên cứu phát triển vaccine của ARCT-021. Một khi vaccine này được phát triển thành công và được phê duyệt, EDB sẽ chi bổ sung 175 triệu đô la để mua.

Cuối tháng 11, hơn 30 công ty tư nhân của Philippines đã ký kết một thỏa thuận mua ít nhất 2,6 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Các doanh nghiệp này sẽ hiến tặng phần lớn vaccine cho chính phủ, phần còn lại được sử dụng cho nhân viên của họ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Joey Concepcion, cố vấn về doanh nghiệp của tổng thống Philippines, cho hay số vaccine này được dự kiến sẽ được giao vào tháng 5 hoặc 6-2021 và có thể sẽ được tiêm cho 1,5 triệu người. Hiện chính phủ Philippines cũng đang tìm kiếm đặt mua 20-50 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc và công ty Pfizer của Mỹ, và các nguồn khác.

Các nền kinh tế yếu hơn trong khối Asean như Campuchia, Lào, Myanmar và Đông Timor chủ yếu phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu.

Hồi tháng 8, Nga và Trung Quốc đã chuẩn thuận các loại vaccine do họ sản xuất, nhưng thế giới phương Tây đã không chấp nhận các loại vaccine này với lý do “thời gian và diện rộng thử nghiệm lâm sàng chưa đầy đủ”.

Vaccine của Pfizer cần được vận chuyển ở -80oC trong các hộp lạnh nhỏ có sức chứa khoảng 5.000 liều tiêm. Các hộp này cần phải được vùi trong đá khô (dry ice) cho đến khi sử dụng. Vaccine ứng viên của Moderna thích hợp vận chuyển trong các thùng lớn hơn có sức chứa đến 30.000 liều và ở nhiệt độ -20oC

C. Vaccine do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phối hợp sản xuất có thể trữ ở nhiệt độ 2-8oC, vì thế có thể vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Các loại vaccine khác do Trung Quốc sản xuất có thể ổn định trong điều kiện tủ lạnh thường.

Sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan và sân bay Frankfurt, Đức là hai sân bay đầu tiên trên thế giới chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch logistics lớn nhất trong lịch sử thế giới và ngành hàng không. Hãng hàng không Air France – KLM (liên doanh Pháp – Hà Lan) và hãng Lufthansa của Đức là hai hãng đầu tiên trên thế giới có đủ điều kiện vận chuyển vaccine ở nhiệt độ cực thấp.

 

Xem thêm: lmth.12023-iuq-ut-91-divoc-augn-eniccav-taux-nas-eht-oc-naesa/723113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ASEAN có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ quí 3/2021”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools