Hình ảnh virus HIV dưới kính hiển vi điện tử màu - Ảnh: BSIP
Hôm qua 1-12 là Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS. Từ lúc căn bệnh này được phát hiện vào đầu những năm 1980 đến nay, thế giới vẫn chưa có vắc xin ngừa AIDS.
Thế nhưng chưa đầy một năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các hãng dược phẩm đã đua nhau công bố kết quả đầy hứa hẹn về quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin COVID-19. Vì sao công cuộc tìm vắc xin AIDS lâu đến vậy?
HIV 'quái chiêu' hơn virus SARS-CoV-2
Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào để gây nhiễm COVID-19 - Ảnh: SPL
Giải thích trên đài France Info (Pháp), TS Serawit Bruck-Landais - giám đốc phụ trách chất lượng và nghiên cứu y tế của tổ chức Sidaction (tổ chức đấu tranh chống HIV/AIDS ở Pháp) đã nêu ra ba lý do.
Một là có nhiều phân nhóm (subtype) virus HIV đang lưu hành trên thế giới. Hai là virus HIV đột biến rất lớn. Ba là virus HIV trở thành một phần trong bộ gen của người bị nhiễm và cứ tồn tại ở đó, và đến nay chưa có trường hợp nào loại bỏ thành công virus HIV bằng hệ miễn dịch tự nhiên.
TS Serawit Bruck-Landais giải thích: "Coronavirus gây bệnh COVID-19 không phải là loại virus tích hợp vào bộ gen. Đã có nhiều người loại được virus bằng hệ miễn dịch tự nhiên của họ. Vì vậy, chiến lược vắc xin vẫn mang tính chất truyền thống. Chúng ta chỉ cần sử dụng các mảnh virus để kích thích hệ miễn dịch là có thể ngăn ngừa lây nhiễm".
Bà lưu ý cho dù không thể so sánh giữa nghiên cứu vắc xin AIDS và vắc xin COVID-19, các nghiên cứu về AIDS đến nay đã đạt được nhiều tiến bộ lớn về tổ chức nghiên cứu và hiểu biết thêm về hệ miễn dịch, từ đó giúp tiết kiệm đáng kể thời gian trong quá trình nghiên cứu COVID-19 vừa qua.
Nhà virus học Étienne Decroly tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) giải thích thêm: Đặc điểm chính của virus HIV là tấn công hệ miễn dịch trong khi virus SARS-CoV-2 không tấn công hệ miễn dịch.
Đối với virus HIV, một khi vật liệu di truyền đã được tích hợp vào tế bào, các tế bào tồn tại dai dẳng trong cơ thể. Ngược lại, do vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 không tích hợp nên cơ thể dễ dàng kiểm soát nhiễm trùng hơn, từ đó hệ miễn dịch có thể loại bỏ virus.
Ngoài ra, cơ chế hoạt động của hai loại virus cũng khác nhau. Các nhà nghiên cứu gọi virus HIV là "con ngựa thành Troie" vì nó mai phục, tiềm ẩn. Một số tế bào bị nhiễm không biểu hiện virus, do đó hệ miễn dịch không phát hiện được.
Tin vui từ Nga
Trung tâm Vektor ở Nga đã phát triển nguyên mẫu vắc xin AIDS - Ảnh: TASS
Tin mừng mới nhất trong nghiên cứu vắc xin AIDS đến từ Nga. Trong cuộc họp báo ngày 1-12, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Nga (Roszpotrebnadzor trực thuộc Bộ Y tế Nga) Anna Popova thông báo Nga đã có nguyên mẫu vắc xin AIDS.
Nguyên mẫu này do Trung tâm Nghiên cứu virus và công nghệ sinh học quốc gia Vektor phát triển. Trung tâm Vektor ở Novosibirsk là đơn vị đã phát triển vắc xin COVID-19 thứ hai của Nga mang tên EpiVacCorona và đã được phê duyệt ngày 14-10 (ngoài vắc xin Sputnik V).
Bà Anna Popova nhấn mạnh: "Liên bang Nga đang tận dụng mọi cơ hội để hoàn thành phát triển vắc xin ngăn ngừa virus HIV và vắc xin này hiện nay gần như đã sẵn sàng".
TTO - Dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam. Tuy có nhiều khó khăn trước mắt, Việt Nam có thể chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030.
Xem thêm: mth.33815918120210202-sdia-nix-cav-oc-es-ioig-eht-91-divoc-nix-cav-uas/nv.ertiout