Ngày 2/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này đang tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng điều tra làm rõ vụ việc một cô giáo đang công tác trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị các đối tượng lừa đảo lấy mất hơn 1 tỷ đồng.
Cụ thể, 2 ngày trước cô Trần Thị Thanh T. (SN 1980, đang là giáo viên của một trường cấp 3 trên địa bàn huyện Diễn Châu) trình báo bất ngờ nhận được cuộc gọi từ dãy số dài và lạ. Cuộc gọi này thông báo cô T. có 1 bưu phẩm đã lâu không nhận. Cô T. sau đó được nhân viên bưu điện yêu cầu cung cấp tên tuổi, chứng minh thư, địa chỉ để mở hộ bưu phẩm này.
1 lúc sau, cô T. được người này thông báo rằng có giấy triệu tập của công an gửi đến vì cô T. đang vướng vào 1 vụ án lớn. Khi cô T. thắc mắc thì người này nói sẽ chuyển máy đến đường dây nóng của Bộ Công an để được nói rõ.
Phần mềm giả mạo mang tên Bộ Công an được cài vào máy các nạn nhân để đánh cắp tài khoản internet banking.
Cuộc gọi này tiếp tục được chuyển tiếp đến một người xưng danh điều tra viên ở Bộ Công an, thông báo rằng chứng minh thư của cô T. bị bọn tội phạm ma túy sử dụng để lập 1 tài khoản ngân hàng và sử dụng vào mục đích phạm tội. Vì vậy, cô T. đang là đối tượng điều tra và Cơ quan điều tra sẽ tiến hành bắt giữ trong thời gian sắp tới.
"Các đối tượng sau đó gửi một trang web giả mạo trang thông tin điện tử của Bộ Công an và yêu cầu nạn nhân truy cập vào mục "Công văn Tòa án". Khi làm theo, cô T. được xem "Lệnh bắt khẩn cấp" với đầy đủ thông tin cá nhân của mình bên trong, nhưng thực chất đây là giấy tờ giả mạo.
Lúc này, cô T. hoảng sợ và bắt đầu tin rồi làm theo những gì bọn lừa đảo sai khiến", một cán bộ điều tra nói.
Quá sợ hãi, cô T. sau đó đã làm theo lời các đối tượng sai bảo như: Khai báo toàn bộ tài sản, tiền tiết kiệm, vàng bạc... để phục vụ công tác điều tra.
Phần mềm này sẽ đánh cắp dữ liệu và cả mã OTP của ngân hàng nạn nhân dùng.
"Các đối tượng sau đó yêu cầu cô T. cài một phần mềm có hình ảnh lô gô và tên Bộ Công an vào máy điện thoại để kiểm tra tài khoản ngân hàng có liên quan đến tội phạm hay không.
Thực chất, đây là phần mềm gián điệp. Khi cô T. đăng nhập vào phần mềm, nhập khai báo các nội dung như số tài khoản, chủ tài khoản, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập internet banking thì các đối tượng sau đó sẽ chiếm quyền quản lý tài khoản ngân hàng và rút hết sạch tiền bên trong", một cán bộ điều tra nói.
Đến khi phát hiện toàn bộ số tiền tích góp hàng chục năm nay đã bị mất trắng, cô T. mới hay mình đã bị các đối tượng lừa đảo. Khi cô T. liên lạc lại các số điện thoại trước đó thì đều đã tắt máy.
Cô T. sau đó đã lên trình báo Công an huyện Diễn Châu và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh để nhờ vào cuộc điều tra làm rõ.
"Các đối tượng đã sử dụng công nghệ cao, dựng kịch bản lừa đảo rất kín kẽ, sử dụng triệt để các kỹ thuật công nghệ cao để lừa nạn nhân cài đặt phần mềm gián điệp.
Trong quá trình các đối tượng rút trộm tiền, nạn nhân không hề hay biết vì phần mềm gián điệp đã lấy toàn bộ tin nhắn từ ngân hàng gửi về và sau đó xóa sạch trong điện thoại", Thiếu tá Phạm Trung Hiếu - Phó đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài Phòng cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An chia sẻ.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Xem thêm: mth.96321230220210202-al-iog-couc-uas-gnod-yt-1-tam-oab-hnirt-na-gnoc-ned-neiv-oaig-un/nv.ahos