vĐồng tin tức tài chính 365

Nghị quyết gỡ vướng phát triển khu đô thị

2020-12-03 07:29

Nghị quyết 164/2020 vừa được ban hành trong tháng 11-2020 sẽ tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) theo quy định tại Nghị định 11/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Giảm bớt gánh nặng thủ tục

Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 sẽ không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định 11.

Đối với các dự án chưa hoặc đang thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 thì thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định 11.

Nghị quyết gỡ vướng phát triển khu đô thị - ảnh 1
Nghị quyết 164 sẽ tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án khu đô thị. Ảnh: QUANG HUY

Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu có liên quan và đảm bảo việc kết nối đồng bộ của các dự án trong mỗi khu vực đô thị.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng Nghị quyết 164 ban hành đã xử lý được sự thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật. Cụ thể là những quy định trong Luật Nhà ở 2014, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư 2014.

“Chính phủ ra Nghị quyết 164 để đồng bộ hóa ba luật này trong công tác thực thi pháp luật. Đây là xử lý vướng mắc trong thực tiễn, giải quyết về mặt quy trình thủ tục trong các cơ quan nhà nước và cho các chủ đầu tư” - ông Châu chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp (DN) bất động sản, trước khi có Nghị quyết 164, để tiến hành thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng đô thị, các DN buộc phải tuân thủ cả hai loại thủ tục là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục chấp thuận đầu tư theo Nghị định 11. Với Nghị quyết 164 thì chỉ cần làm một trong hai, giảm được một bước thủ tục hành chính cho DN.

Theo các DN, nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ giúp cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết cho chủ đầu tư. Ngoài ra, nghị quyết tạo ra sự ổn định thị trường, giúp nhà đầu tư an tâm khi đầu tư bất động sản. Từ 1-1-2021, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở, KĐT sẽ chỉ phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo duy nhất Luật Đầu tư 2020, sau đó mới triển khai các thủ tục khác theo quy định của luật chuyên ngành.

Xu hướng phát triển khu đô thị quy mô lớn

Hiện nay, các KĐT mới quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều với sự tham gia của các đại gia trong ngành địa ốc. Tại TP.HCM đã xây dựng thành công KĐT như Phú Mỹ Hưng, sau này là An Phú - An Khánh, Cát Lái, Thủ Thiêm…

Xu hướng này thậm chí còn lan rộng ra các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… Sự phát triển của các KĐT bên cạnh phục vụ mục đích giãn dân còn góp phần tạo nên những khu dân cư quy chuẩn, hạn chế lãng phí đất do phát triển các dự án tự phát, rời rạc, thiếu tiện ích sống. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, giao thông tốt cũng là nguyên nhân khiến nhà, đất tại đây hấp dẫn người mua hơn.

Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings, cho biết việc xây dựng các KĐT không chỉ mang lại lợi ích cho cư dân trong khu đó mà còn thu hút cộng đồng cư dân khu vực khác, giúp phát triển kinh tế địa phương. Vì thế, các địa phương phải có quỹ đất lớn, “sạch” để dành cho việc phát triển các KĐT. Điều quan trọng là phát triển KĐT phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

“Chủ đầu tư rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục pháp lý đầu tư để DN triển khai hạ tầng tiện ích nhanh nhất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó, các địa phương phải sàng lọc, lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực, loại bỏ những dự án treo gây thiệt hại cho địa phương, người dân” - ông Sơn nói.

Có chỗ an cư cho người thu nhập thấp

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trong góp ý về sửa Luật Nhà ở, hiệp hội đã đề xuất Bộ Xây dựng cần có nhà ở thương mại giá thấp để khi một KĐT phát triển thì không có ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể như KĐT phía đông của TP.HCM cần có một phần nhà ở thương mại giá thấp cho người dân bản địa nơi đây, một phần để phục vụ những cán bộ giảng viên của khu ĐH Quốc gia khi nơi đây trở thành KĐT sáng tạo. 

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, cho rằng thời điểm này đã khá chín muồi để các KĐT sinh thái thông minh phát triển. Các công trình hạ tầng trọng điểm đã được đồng ý triển khai như sân bay Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch… Cùng lúc, nhiều dự án hiện hữu cũng được nâng cấp như xa lộ Biên Hòa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án lớn đang xây dựng hoặc đã đăng ký ở nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Theo ông Hòa, KĐT phải có đầy đủ dịch vụ, tiện ích về nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng lẫn văn hóa tinh thần trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, công viên, đường sá, công trình tôn giáo… KĐT sẽ phát triển khi nằm trong những vành đai kết nối giao thông, phát triển kinh tế hỗ trợ cho những TP lớn như vệ tinh. “Như vậy, KĐT mới thu hút người dân đến sinh sống, làm việc ổn định, tránh tình trạng KĐT sống ngày chết đêm, hoặc chỉ nhộn nhịp vào ngày cuối tuần” - ông Hòa chia sẻ.

 

Xem thêm: lmth.254359-iht-od-uhk-neirt-tahp-gnouv-og-teyuq-ihgn/nas-gnod-tab/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghị quyết gỡ vướng phát triển khu đô thị”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools