Ngày 1-12, Nghị định 119/2020 (viết tắt là NĐ 119) của Chính phủ (về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản) có hiệu lực thi hành.
Nghị định này thay thế Nghị định 159/2013, nhằm tăng cường bảo vệ các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phòng ngừa và xử lý hành chính trong lĩnh vực này. NĐ 119 cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Xuất bản 2016 và Luật Báo chí 2016.
Quy định cần thiết?
Một điểm mới trong NĐ 119 gây sự chú ý của dư luận là quy định chủ tịch UBND cấp xã được quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Các phóng viên báo chí đang tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo TS Dương Hoán, giảng viên Khoa luật hành chính, ĐH Luật TP.HCM, việc bổ sung này là cần thiết. Vì xét về thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền chung nên vi phạm hành chính trong lĩnh vực nào trên địa bàn thì cũng có thể phạt (nếu quy định mức phạt cao nhất cho hành vi đó là không quá 5 triệu đồng đối với cá nhân).
Khi nhiều chủ thể cùng có thẩm quyền xử phạt về cùng loại vi phạm thì phải phân định theo thẩm quyền do Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) quy định. Nếu hành vi vi phạm trong NĐ 119 có mức phạt thuộc thẩm quyền phạt của chủ tịch UBND cấp xã và xảy ra trên địa bàn thì đều có quyền xử phạt. Về cơ sở quy định, căn cứ xác định hành vi vi phạm còn phải được tham chiếu, viện dẫn các quy định pháp luật chuyên ngành về xuất bản, báo chí và các văn bản liên quan.
NĐ 119 còn quy định một số chủ thể có thẩm quyền xử phạt như thanh tra chuyên ngành báo chí, xuất bản, thanh tra ngoại giao, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường, công an và chủ tịch UBND các cấp. Các chủ thể này được quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm được quy định trong nghị định này và phù hợp với phạm vi nội dung, lĩnh vực quản lý cũng như giới hạn về thẩm quyền xử phạt.
Như vậy, cần hiểu rằng không chỉ có các chủ thể có chức năng quản lý chuyên ngành về xuất bản, báo chí mới được trao thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực này.
Những chủ thể có thẩm quyền chung như chủ tịch UBND, công an nhân dân… cũng được trao thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với những hành vi vi phạm nhất định như cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí (Điều 7 NĐ 119).
Thẩm quyền xử phạt không vượt luật
TS Dương Hoán cho rằng căn cứ vào những hành vi vi phạm được mô tả, liệt kê trong NĐ 119 thì thấy các hành vi vi phạm chủ yếu là của tổ chức. Căn nguyên của cách quy định này là do Chính phủ hướng đến ưu tiên xử lý những vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản phổ biến do tổ chức thực hiện.
Điều 4 NĐ 119 quy định: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Tức là NĐ 119 dùng mức tiền phạt áp dụng đối với tổ chức tham chiếu/xác định mức phạt áp dụng đối với cá nhân.
Về mặt lập quy, cách quy định này khác với cách quy định thông thường trong Luật XLVPHC và các văn bản liên quan về quy định mức phạt. Thường thì các văn bản quy định mức phạt tiền của cá nhân, sau đó xác định mức phạt đối với tổ chức là gấp đôi nhưng NĐ 119 thì ngược lại.
Cách quy định ngược này khiến nhiều người thấy rối. Do đó, phương pháp quy định mức phạt tiền trong NĐ 119 cần được tiếp cận phù hợp nhằm tránh hiểu nhầm về thẩm quyền xử phạt.
Có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 40 NĐ 119 quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp xã lên đến 10 triệu đồng là trái với Luật XLVPHC. Bởi lẽ điểm b khoản 1 Điều 38 Luật XLVPHC quy định chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền không quá 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 52 Luật XLVPHC cũng quy định thẩm quyền xử phạt hành chính của những người được quy định từ Điều 38 đến 51, áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân (với tổ chức gấp hai lần cá nhân).
Mức phạt tối đa 10 triệu đồng nói trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, tức là đối với hành vi vi phạm của cá nhân sẽ bị phạt 5 triệu đồng. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật XLVPHC chứ không vượt về thẩm quyền như nhiều ý kiến lo ngại.
Một số hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch xã Theo NĐ 119, chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt. Chủ tịch xã còn được áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật… Theo NĐ 119, chủ tịch UBND cấp xã sẽ phạt được một số hành vi như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn hoặc làm giả để hoạt động báo chí; cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định; cản trở việc phát hành sản phẩm báo chí; bán sản phẩm báo chí nhập khẩu trái phép… Ngoài ra, chủ tịch UBND cấp xã cũng có cơ sở pháp lý để xử phạt, bảo vệ nhà báo khi đến địa phương tác nghiệp hợp pháp mà bị cản trở, hành hung. |