Cơ quan chức năng phong tỏa và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của người dân sống trong hẻm lô C, đường Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Điều đó dường như là những chuyện không tốt, không hay và không đúng trong chống dịch lần này. Vì sao?
Đồn đoán lung tung
Tính đến ngày 2-12, số ca bệnh liên quan tới bệnh nhân 1342 vẫn là 3 ca phát hiện ngày 30-11 và 1-12, ngày 2-12 chưa có thêm ca bệnh mới. Cập nhật kết quả xét nghiệm của gần 750 người có tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F1, F2) với bệnh nhân cho đến chiều 2-12 chưa có thêm trường hợp nào dương tính.
Trong khi đó, không khí trên các diễn đàn, trên mạng xã hội nóng bừng bừng. Nào là sáng 2-12, có "tin" mấy sinh viên ở TP.HCM dương tính COVID-19. Rồi đến chiều lại ầm ĩ "tin" bệnh nhân cách ly ở Hàng Bông, Hà Nội dương tính. Sự thực, như ông Khổng Minh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết bệnh nhân cách ly ở Hàng Bông vừa vào Việt Nam hôm
28-11 và được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay, không có bất kỳ nguy cơ nào lây lan ra cộng đồng. Khách sạn bệnh nhân cách ly là cơ sở được Hà Nội cho phép mở dịch vụ cách ly tự nguyện. Cuộc rượt đuổi tin giả và bác bỏ tin giả khiến cho sự lo sợ tăng lên không đáng có.
Trong cuộc họp với Chính phủ hôm 1-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhắc nhiều đến việc khoanh vùng, dập dịch nhanh để khống chế số mắc tại TP.HCM dưới 10 người, tránh để bùng phát thành chu kỳ thứ 3 của dịch. Trong 3 ngày vừa qua, ngoài ca bệnh 1342, đã phát hiện thêm 3 ca bệnh có liên quan, chưa phát sinh thêm bệnh nhân từ mối liên hệ cũng như ổ dịch mới nên khả năng sẽ khống chế dưới 10 ca tại TP.HCM như dự báo của ông Long.
Theo ông Đặng Quang Tấn - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân cần bình tĩnh vì có 4 lý do cho thấy có thể kiểm soát tốt tình hình tại TP.HCM vì (1) tìm và quản lý được ca bệnh F0 (bệnh nhân 1342) sớm, (2) truy vết ngay và phát hiện 3 bệnh nhân có liên quan bệnh nhân 1342, (3) quản lý được tất cả các trường hợp có tiếp xúc và (4) là khoanh vùng các khu vực bệnh nhân có tới trong những ngày vừa qua.
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực 70 Hoàng Lê Kha, quận 6, TP.HCM, sáng 2-12 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Thôi đồn đoán, hãy thực hiện 5K
Cách đây hai tuần, anh N.M.N., 21 tuổi, từ Úc về TP.HCM trên chuyến bay "giải cứu" và chọn cách ly tự nguyện tại một khách sạn. Theo quy định, người nhập cảnh phải cách ly trong 14 ngày, nhưng nhóm anh N. đã phải cách ly sang ngày thứ 15 do thời điểm về TP.HCM là đêm. Trong toàn bộ quá trình cách ly, anh không ra ngoài khu vực cửa phòng khách sạn và rời khách sạn sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính ở ngày thứ 15. "Việc cách ly tự nguyện như vậy là hoàn toàn đúng quy định, khách sạn chúng tôi ở cũng thực hiện đúng quy tắc về lấy mẫu, xác nhận hoàn thành cách ly..." - anh N. cho biết.
Trong khi đó, từng cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7 hồi tháng 3-2020, anh Nguyễn Tăng Quang (30 tuổi, du học sinh ở Anh) chia sẻ ở khu cách ly, anh được chăm sóc chu đáo, tận tình như người thân trong gia đình và anh rất bất ngờ, cảm kích. "Ở trong khu cách ly tất nhiên không thể được như ở nhà, nhưng chúng tôi - các du học sinh - cảm thấy ấm lòng khi được các y bác sĩ chăm chút từng tí một như thể tiếp đón những đứa con xa nhà trở về" - anh Quang chia sẻ về cảm hứng vẽ nên những bức ký họa về cuộc sống "bình thường" trong khu cách ly từng gây xúc động với nhiều người khi đó.
"Tôi mong muốn từ ký họa lan tỏa được các giá trị của tình người trong biến cố; cách lựa chọn thái độ sống; cách chấp nhận, nghiêm túc thích nghi với mọi hoàn cảnh và sự biết ơn... Được sống 14 ngày đầy tình thương trong khu cách ly, với tôi đó là một niềm hạnh phúc. Và tôi nghĩ rằng tự giác nghiêm túc thực hiện cách ly chính là hành động trả ơn quý giá nhất cho những "chiến sĩ" đang ngày đêm âm thầm chống dịch..." - anh Quang nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Quang Tấn, quan trọng khi cách ly là chấp hành đúng quy định. Ông Tấn cũng cho rằng tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, khó khăn nhất ở thời gian đầu là không xác định được ca bệnh F0. Trong tình hình hiện nay, có ý kiến đề nghị triển khai các biện pháp mạnh chống dịch, nhưng các chuyên gia cho rằng tình hình ở TP.HCM đã ở trong tầm khống chế của cơ quan chức năng. Người dân có thể hỗ trợ thông qua thực hiện 5K, đặc biệt là thực hiện 2K "khử khuẩn" và "khẩu trang".
Người dân luôn ý thức trong việc sát khuẩn tay cũng như đeo khẩu trang khi di chuyển trong bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thủ tướng: Không hoang mang cũng không chủ quan
Kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong, tập trung chữa trị hiệu quả, khoanh vùng hợp lý đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, không hoang mang cũng không chủ quan với dịch bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2020 trước diễn biến dịch bệnh trong nước.
Thủ tướng đề nghị đề cao cảnh giác, thực hiện tốt "thông điệp 5K", trước hết là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang, nhất là những nơi đông người, phương tiện công cộng. Thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng gây tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân, các tổ chức liên quan đến việc lây nhiễm cho cộng đồng.
Liên quan đến khoanh vùng, truy vết..., Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ triển khai giải pháp nhanh bao nhiêu càng giảm tốc độ lây nhiễm cộng đồng bấy nhiêu.
Tối 2-12, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành công điện số 1699 về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Công điện cũng nêu rõ tiếp tục các chuyến bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài phục vụ việc thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế; các chuyến bay đến Việt Nam phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét, giải quyết việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước.N.AN
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Nếu bung và toang, tôi chịu trách nhiệm"
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh như vậy khi chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội với các quận, huyện chiều 2-12. Ông Anh nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch hiện nay là với tinh thần quyết liệt, thần tốc nhưng không hoang mang.
Theo ông Ngọc Anh, Hà Nội đã qua 106 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng cũng là thời điểm không cho phép sự chủ quan, càng không vì Hà Nội đã qua 106 ngày không có ca mắc trong cộng đồng mà có tâm lý "ôi dịch ở tận đâu". Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu từ TP đến quận huyện, phường xã, tuyệt đối không để bị động, sơ suất, sai sót trong công tác phòng chống dịch.
"Nếu địa bàn Hà Nội mà bung và toang, hứa với các đồng chí tôi chịu trách nhiệm, mà không hứa thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm, tức là người đứng đầu của chính quyền" - ông Chu Ngọc Anh nói.
Thư Đà Nẵng: Lo nhưng không sợ
Có thể thấy ngay so với đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 4 tại Hà Nội, TP.HCM và hồi tháng 7 tại Đà Nẵng, với những gì đang diễn ra, người dân TP.HCM có nhiều điểm để bớt lo lắng hơn và hi vọng sớm chặn đứng sự lây lan virus.
Nguồn lây nhiễm lần này đã nhanh chóng được vây chặt nhờ xác định sớm F0. Còn nhớ trong 2 đợt bùng phát lần trước, điểm khởi phát là bệnh viện lớn (Bệnh viện Bạch Mai và 4 bệnh viện ở Đà Nẵng), nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thậm chí ở Đà Nẵng, ổ dịch rơi ngay vào đối tượng dễ tổn thương là những người có bệnh nền rất nặng như ung thư, chạy thận.
Ở đợt dịch vào tháng 7, ban đầu nhiều người dân Đà Nẵng cũng trải qua những giờ phút căng thẳng. Nhưng rồi người Đà Nẵng đã bình tĩnh nắm tay nhau làm những điều chưa từng làm, đồng lòng chấp hành các biện pháp phòng dịch được chính quyền đưa ra trong nhiều thời điểm khác nhau. Từ việc chuyển sang trạng thái làm việc online để thực hiện lệnh cách ly xã hội toàn thành phố, rồi biện pháp "phong thành" hạn chế ra vào thành phố kéo dài tới 6 tuần. Với các khu vực dân cư bị phong tỏa, lệnh ở yên trong nhà và đến nơi xét nghiệm tập trung khi có yêu cầu được chấp hành với sự tự nguyện cao.
Dần dà khi người dân đã quen với sự thay đổi, thậm chí nhiều biện pháp chống dịch trước đây chưa từng áp dụng như ấn định tần suất đi chợ bằng hình thức phát phiếu cũng được áp dụng. Sự chung tay của người dân như nhiều chương trình hành động đã tạo nên một "phong cách Đà Nẵng" trước đây cũng đã giúp xây nên những đơn nguyên hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch với thời gian thần tốc hoàn toàn bằng nguồn lực trong xã hội.
Trong thách thức chưa từng gặp với ngành y tế, Đà Nẵng lần lượt giải quyết bài toán của mình bằng cách kêu gọi khắp nơi cùng "chia lửa". Từ hỗ trợ đưa người bệnh thông thường và bệnh nhân COVID-19 đi điều trị cho đến kêu gọi đội ngũ y tế khắp nơi xung phong về Đà Nẵng. Có những thời điểm ghi nhận tới 50 trường hợp nhiễm mới một ngày và điều trị cùng lúc cho hơn 300 ca mắc COVID-19. Nhưng nhờ thần tốc truy vết - khoanh vùng - cách ly - xét nghiệm cùng sự đồng lòng của người dân đã giúp dập dịch chỉ trong hơn 1 tháng. Có thể nói đô thị cửa ngõ miền Trung từ chỗ ở vào hoàn cảnh vô cùng khốn đốn nhưng khi có sự đồng thuận từ người dân, sự quyết tâm cao của hệ thống chính quyền, cuối cùng Đà Nẵng cũng đã ứng phó và trụ vững với những thách thức mới toanh.
Quay lại với tình hình hiện nay, người dân TP.HCM có thể bớt đi phần nào nỗi lo nhờ kinh nghiệm đã trải từ Đà Nẵng và các nơi. Quan trọng hơn cả trong lợi thế đi sau chính là việc có sự phòng bị của người dân. Thực tế này chứng tỏ càng qua "thử lửa", người dân sẽ quyết định thành bại trong công cuộc chống dịch đã có nhiều sự chuẩn bị để ứng phó với các tình huống. Đó là chưa kể từ phía cơ quan nhà nước, nhiều bài học, nhiều đúc kết đã và đang mang đến hàng loạt biện pháp ứng phó kỹ lưỡng, chỉn chu hơn so với trước đây. Và với niềm tin đó, chúng ta mong người dân vùng nguy cơ không chủ quan nhưng cũng không sợ hãi, cùng hành động để sớm chiến thắng dịch bệnh.
TRƯỜNG TRUNG
TTO - Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các sở GD-ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng... thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Xem thêm: mth.87843857030210202-hcid-gnohc-ed-hnit-hnib/nv.ertiout