Cơ quan giám sát của Quốc hội Iran thông qua luật mới, đe dọa đơn phương chấm dứt chương trình giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại các cơ sở hạt nhân của nước này và đẩy mạnh việc làm giàu uranium, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 2-12, Hội đồng Hiến pháp (Guardian Council) - cơ quan giám sát Quốc hội Iran và có trách nhiệm giải thích hiến pháp và luật Hồi giáo Shiite của nước này - đã thông qua một đạo luật quan trọng cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Tehran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Trước đó, dự luật này đã được thống nhất thông qua tại Quốc hội Iran hôm 1-12. Đây được coi là phản ứng của Tehran sau vụ ông Mohsen Fakhrizadeh - người được phương Tây cho là "kiến trúc sư" đứng đằng sau chương trình hạt nhân của Iran - bị ám sát hôm 27-11.
Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran cho biết trong một lá thư gửi đi ngày 2-12, "người phát ngôn của quốc hội đã chính thức yêu cầu tổng thống thực thi đạo luật mới".
Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Iran Ahmad Jannati. Ảnh: GETTY
Iran ra thời hạn hai tháng cho các Anh, Pháp và Đức - ba thành viên châu Âu của nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 - rút bớt các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Tehran.
Nếu châu Âu không đáp ứng yêu cầu này, chính quyền Iran bị bắt buộc phải cắt đứt chương trình giám sát của LHQ tại các cơ sở hạt nhân của nước này.
Iran cũng đe dọa nối lại hoạt động làm giàu uranium lên mức 20% và lắp đặt thêm các máy ly tâm tại hai cơ sở hạt nhân Natanz và Fordow. Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tehran chỉ được phép làm giàu uranium ở mức 3,67%. Iran bị báo cáo đã vi phạm quy định này và bắt đầu làm giàu uranium ở mức 4,5% kể từ tháng 7-2019.
Ông Arane Tabatabai, một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông tại Quỹ Marshall (Đức) và Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang chịu áp lực nặng nề từ các nhà lập pháp nước này.
Phản ứng trước quyết định của Quốc hội và Hội đồng Hiến pháp Iran, ông Rouhani cho rằng động thái này "gây hại cho các nỗ lực ngoại giao" nhằm kêu gọi Mỹ nới lỏng trừng phạt, theo Reuters.
Truyền thông Iran không đề cập lập trường của Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei về đạo luật mới này.
Cái chết của ông Fakhrizadeh xảy ra ngay trong giai đoạn chuyển giao quyền lực hậu bầu cử ở Mỹ. Thêm vào đó, trong năm 2020, hai tướng lĩnh cấp cao của Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng trong các vụ ám sát, một vào đầu tháng 1 (Tướng Qassem Soleimani) và mới đây, vào ngày 29-11 (Tư lệnh Muslim Shahdan). Những vụ việc này được dự báo sẽ gây ra nhiều khó khăn cho tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden.
Ông Biden đã thông báo ý định đưa Washington và Tehran trở lại bàn đàm phán, cam kết sẽ tham gia lại thỏa thuận của nhóm P5+1 và dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt chống Iran nếu Tehran "tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận hạt nhân".