Luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng luật sư Phúc Thọ, cho biết liên quan tới vụ Trường ĐH Đông Đô, cơ quan điều tra đã xác định "có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng".
Đây là căn cứ để cơ quan điều tra vào cuộc xác định dấu hiệu tội phạm của Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Tội giả mạo trong công tác.
Cơ quan điều tra cần công khai danh sách những người sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô và xem xét xử lý hình sự với những cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm - Ảnh: Bạch Hoàng Dương
Theo LS Tiến, hành vi sử dụng bằng giả trong công tác, học tập, pháp luật có những quy định cụ thể. Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đã quy định:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.
LS Tiến phân tích, nếu người sử dụng bằng giả lừa dối cơ quan tuyển dụng, cơ quan quản lý khiến cơ quan tổ chức hiểu sai, đánh giá sai về năng lực của họ thì cần phải xác định đây là hành vi trái pháp luật. Rõ ràng là họ cố ý với mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan điều tra cần công khai danh sách những người sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô và xem xét xử lý hình sự với những cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
"Cần xem xét xử lý hình sự các trường hợp sử dụng bằng giả để trục lợi. Việc công khai danh tính những người mua bằng giả cũng là một trong biện pháp nhằm răn đe và làm gương đối với hành vi sử dụng bằng giả trong công tác và học tập"- luật sư Tiến nói.
Cũng theo luật sư này, trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì hành vi trên có thể bị xử lý hành chính, đồng thời bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật là bằng giả. Đối với những người đang là cán bộ, công chức, viên chức mà sử dụng bằng cấp giả nhằm mục đích nâng ngạch, bổ nhiệm chức vụ thì có thể bị xử lý vi phạm bằng hình thức cách chức hoặc thôi việc theo quy định tại điều 12, 13, 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Yến Anh
NLĐ