vĐồng tin tức tài chính 365

Từ việc giải cứu Vietnam Airlines

2020-12-03 12:41

Từ việc giải cứu Vietnam Airlines

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Quốc hội đã bật đèn xanh cho Chính phủ giải cứu Vietnam Airlines thông qua Ngân hàng Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nếu nhìn vào cơ cấu chủ sở hữu, thì toàn dân đang là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với khoảng 86%. Vậy thì cho vay ưu đãi tái cấp vốn từ ngân hàng thương mại nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu cho SCIC thực ra cũng là tiền từ túi trái sang túi phải.

Vấn đề sẽ là bình thường khi cổ đông lớn muốn dùng tiền của mình sao cũng được. Nhưng Vietnam Airlines là một doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn, chuyện giải cứu như phương án vừa được thông qua có thể sẽ phát sinh một số vấn đề như: Vietnam Airlines được giải cứu thì các doanh nghiệp hàng không tư nhân khác có được? Cùng là doanh nghiệp nhà nước, hàng không được thì du lịch, khách sạn có được?

Nếu chỉ xét riêng trong lĩnh vực hàng không, thì Vietnam Airlines không phải là nạn nhân duy nhất của dịch Covid-19. Ảnh: DNCC

Khi Vietnam Airlines kiến nghị được giải cứu vào tháng 6-2020, tác giả bài viết Phác đồ nào cho Vietnam Airlines (TBKTSG số ra ngày 18-6) đã gợi ý rằng Chính phủ có thể “tế nhị” cho vay trực tiếp, bảo lãnh nợ, hay phát hành thêm cổ phiếu cho tư nhân. Cuối cùng, nghị quyết mới đây của Quốc hội là theo hướng Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn (gián tiếp qua ngân hàng thương mại nhà nước) và dùng ngân sách để tăng thêm vốn chủ sở hữu.

Nếu chỉ xét riêng trong lĩnh vực hàng không, thì Vietnam Airlines không phải là nạn nhân duy nhất của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp hàng không tư nhân trong nước khác cũng bị thiệt hại nặng nề, và hầu hết các hãng hàng không trên thế giới cũng lâm vào tình cảnh chung. Nhưng bên cạnh hàng không, các ngành khác cũng bị thiệt hại không kém như du lịch, khách sạn, dù rằng ngành hàng không là một trong những ngành bị thiệt hại nhất do dịch Covid-19.

Trong phân tích tài chính, có một kỹ thuật được sử dụng là quy về kích cỡ chung (common size). Theo đó, thay vì dùng con số tuyệt đối vì quy mô doanh nghiệp khác nhau, thì người ta sẽ quy về tỷ lệ để dễ so sánh hơn. Trong trường hợp này, dĩ nhiên sẽ có những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh còn bi đát hơn Vietnam Airlines.

Vấn đề giải cứu Vietnam Airlines bị vướng vào hai khía cạnh nhạy cảm: doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực kinh doanh hàng không. Vì sao Chính phủ lại hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực hàng không?

Nhìn quanh các nước, đến nay Ngân hàng Thế giới (WB) thống kê được 73 chương trình giải cứu ngành hàng không từ các chính phủ. Trong số này, 41 chương trình là dành cho các doanh nghiệp lớn vì ưu tiên vấn đề việc làm, 23 chương trình có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhà nước. Nhiều giải pháp được áp dụng với liều lượng khác nhau, có thể kể ra như: hỗ trợ trực tiếp không hoàn lại (grant), chính phủ cho vay, chính phủ bảo lãnh vay, chính phủ mua cổ phần để tăng vốn, hỗ trợ thuế hay giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước nói chung và bị thiệt hại do dịch Covid-19 nói riêng là cần thiết, nhưng chỉ nên tiến hành khi hàng hóa dịch vụ được cung cấp có tính chất thiết yếu, công ích. Và đây cũng chính là điểm chưa rõ ràng để nhiều chính phủ lấy lý do hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn một doanh nghiệp nhà nước vừa cung cấp hàng hóa dịch vụ thương mại theo nguyên tắc thị trường, nhưng đồng thời cũng phải cung cấp hàng hóa dịch vụ công ích, hay nhiệm vụ chính trị thì yếu tố thứ hai sẽ được lợi dụng để bù đắp cho những yếu kém trong hoạt động thương mại.

Các doanh nghiệp nhà nước có cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp tư nhân hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng quản trị doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu và thực tiễn từ nhiều nền kinh tế khác nhau đã cho thấy, ở đâu mà các doanh nghiệp nhà nước có cùng áp lực cạnh tranh với các đối thủ của mình, không bị chính trị chi phối, thì hiệu quả hoạt động kinh doanh không hề thua kém doanh nghiệp tư nhân cùng ngành.

Trong số những nước mở của thị trường hàng không cho tư nhân, Việt Nam là nước mà chính phủ chiếm tỷ trọng sở hữu khá cao trong một doanh nghiệp hàng không, lên đến 86% khi so với 55% của Singapore và 48% của Thái Lan. Phương án giải cứu Vietnam Airlines được Quốc hội thông qua vì vậy nhiều khả năng là do lý do chính trị.

Trước đây cũng đã có nhiều ý kiến, đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp chỉ nên căn cứ vào mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Giải pháp tình thế đã là vậy, nhưng trong dài hạn vấn đề của Vietnam Airlines là cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp, Chính phủ phải tạo môi trường cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp ít hay không bị chi phối bởi chính trị. Chính phủ cũng nên giảm tỷ lệ sở hữu ở Vietnam Airlines dù vẫn có thể nắm giữ cổ phần chi phối. Câu chuyện của Vietnam Airlines, về bản chất cuối cùng, cũng là quay lại câu chuyện doanh nghiệp nhà nước.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Xem thêm: lmth.senilria-manteiv-uuc-iaig-ceiv-ut/762113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Từ việc giải cứu Vietnam Airlines”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools