Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD) đưa ra tại Hội thảo tham vấn về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020-2025 do IPSARD tổ chức ngày 3-12 tại TP HCM.
Theo bà Hồng Thanh, tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp (ngành hàng nông, lâm, thủy sản) đạt 3,5 tỉ USD, chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% của tổng vốn FDI. Các đối tác quan trọng nhất đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam gồm: Đài Loan (Trung Quốc), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp FDI khó tiếp cận đất nông nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; các dịch vụ hỗ trợ logistic và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương của một doanh nghiệp FDI
Theo ông Vũ Xuân Đặng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký trong nông nghiệp tuy có tăng nhưng chậm hơn so với tỉ lệ thu hút FDI chung (giảm từ khoảng 1,5% năm 2015 xuống còn khoảng 0,96% năm 2020). "Kết quả này trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển ngành này của nước ta - quốc gia luôn nằm trong tốp 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, thủy sản... nhiều nhất thế giới" – ông Đặng đánh giá.
Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Đặng cho rằng vướng mắc lớn nhất là quỹ đất dành cho thu hút FDI vào nông nghiệp hầu như không có. Với quy định doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài không được thuê đất của người sử dụng đất,… dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai, việc hình thành diện tích đất có quy mô đủ lớn để thực hiện dự án là không thể. Chưa kể, một số địa phương nếu có quỹ đất thì ưu tiên cho việc quy hoạch khu công nghiệp vì sẽ tạo ra nguồn thu trong khi thu hút nông nghiệp thuộc lĩnh vực ưu đãi miễn giảm thuế cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, chất lượng nguồn lao động tại các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới không sử dụng lao động phổ thông mà là lao động có trình độ kỹ thuật cao.
Xem thêm: mth.34592815130210202-iaogn-coun-nov-coud-tuh-gnohk-man-teiv-peihgn-gnon-oas-iv/et-hnik/nv.moc.dln