Theo ghi nhận vào chiều 3-12, hàng chục ngôi nhà của người dân tại khu vực thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) bị ngập trong biển nước. Người dân địa phương cho biết trong ba năm liên tiếp, khu vực này đều bị ngập lụt.
Người dân bán cá cho thương lái do lo lắng nguy cơ nước lớn làm vỡ hồ. Ảnh: HT
Từ hôm qua, người dân địa phương đã kê đồ đạc lên cao để tránh bị hư hỏng. Một số nhà dân nằm ở khu vực thấp đã chủ động di tản lên cao để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đáng chú ý, nhiều người dân địa phương đã mang một lượng cá lớn như cá trê, cá diêu hồng ra chỗ cao để bán cho người mua.
“Nước ngập hồ, nguy cơ dễ vỡ hồ nên nhiều người dân đành mang cá đi bán rẻ cho người mua” - một phụ nữ nói.
Trong khi đó, thông tin từ người dân địa phương cho hay, họ vẫn chia nhau từng tốp cùng với cơ quan chức năng tìm kiếm một người đàn ông mất tích từ 2-12.
Người bị mất tích là ông NVL (42 tuổi, ngụ thị trấn Buôn Trấp). Sáng 2-12, trong lúc đi đánh bắt cá trên sông, ông L. không may bị rơi xuống sông.
Người dân phát hiện sự việc đã trình báo chính quyền và tổ chức tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức.
Nước lớn khiến nhiều nhà dân ở Buôn Trấp bị ngập. Ảnh: HT
Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến sáng 3-12, tại xã Dur Kmăl có 57 nhà ở bị ngập từ 0,2 - 0,5 m, có hai trường học bị ngập sân trường.
Toàn huyện có 84,4 ha cây trồng bị thiệt hại do bị ngập lụt (trong đó lúa nước 52 ha, cà phê 2 ha, khoai lang, ngô và rau màu 30,8 ha); 166,93 ha ao nuôi cá bị ngập lụt gây thất thoát cá theo dòng nước lũ (trong đó xã Dur Kmăl là khoảng 162 ha, xã Ea Na khoảng 4,93 ha).
Trong số này có 119 lồng bè cá nuôi trên sông với diện tích 8.568 m2 thuộc địa phận thị trấn Buôn Trấp bị ảnh hưởng (có 5 lồng bè bị mất trắng với diện tích 360 m2, 114 lồng bè bị thiệt hại 65% với diện tích 8.208 m2, sản lượng bị thiệt hại khoảng 740 tấn cá).
Nước đang lên chậm khiến nhiều người dân lo lắng. Ảnh: HT
Hiện nay mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện vẫn đang lên chậm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai các công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình ngập lụt trên địa bàn huyện.
Cùng ngày, thông tin từ cơ quan chức năng huyện Cư Jút (Đắk Nông), cho hay đang tổ chức thống kê thiệt hại tài sản của người dân sống ven sông Sêrêpốk sau khi nhà máy thủy điện Buôn Kuốp xả lũ.
Nước sông dang dân cao, làm ngập hàng chục nhà dân. Ảnh: HT
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, nhà máy thủy điện Buôn Kuốp đã xả lũ với lưu lượng rất lớn. Lượng nước trên sông dâng cao, cuốn theo nhiều bè cá của người dân.
“Rạng sáng 3-12, nước trên sông bắt đầu chảy xiết và dâng cao rất nhanh. Nước chảy mạnh làm rách lưới, cuốn trôi, nhấm chìm năm lồng cá của tôi trong nháy mắt. Ước tính thiệt hại gần cả tỉ đồng” - ông Bùi Văn Bình (sinh năm 1962, ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nói.
Ông Tống Văn Chung vẫn chưa hết thẫn thờ sau khi hàng chục bè cá nuôi của gia đình bị cuốn trôi. Ảnh: AH
Không chỉ hộ ông Bình, mà một số hộ khác nuôi cá ở đây cũng bị thiệt hại nặng do nước cuốn trôi nhiều bè cá.
Đơn cử như hộ ông Tống Văn Chung (trú khối 3, thị trấn Ea T’ling). Gia đình ông thả nuôi 20 lồng cá gồm cá lăng đuôi đỏ, cá trắm chuẩn bị xuất bán thì nước cuốn trôi, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.
Ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Jút, cho biết hiện đơn vị đang thống kê thiệt hại của một số hộ dân sau khi thủy điện Buôn Kuốp xả lũ. Cũng theo ông Sơn, ông đã đề nghị nhà máy thủy điện Buôn Kuốp cùng thống kê thiệt hại và hỗ trợ cho người dân.
"Từ ngày 27-11, thủy điện Buôn Kuốp có thông báo, cảnh báo xả lũ. Theo đó, ngày 30-11, thủy điện này bắt đầu xả lũ với lưu lượng 400 m3/s và tăng dần lên sau đó. Đến sáng nay, thủy điện Buôn Kuốp thông báo qua điện thoại, lưu lượng xả lũ là 1.100 m3/s" - ông Sơn thông tin thêm.