Căng thẳng giữa Iran với Israel và Mỹ và Israel vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát hôm 27-11.
Chính quyền Mỹ tiết lộ Tổng thống Donald Trump có thể xem xét đưa các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Iraq trở về nước trước lo ngại Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Trong khi đó, quân đội Israel tiết lộ đã nhận được tàu hộ vệ tên lửa mới hôm 2-12, nhằm mục đích bảo vệ các mỏ khí đốt của nước này ở ngoài Địa Trung Hải trước mối đe dọa từ lực lượng vũ trang Lebanon và Iran.
Lực lượng quân đội Iran khiêng quan tài của nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh trong lễ tang ở Tehran, ngày 30-11. Ảnh: REUTERS
Israel có tàu hộ vệ tên lửa mới
Hãng tin Reuters cho biết quân đội Israel đã nhận được chiếc tàu chiến tiên tiến nhất do Đức sản xuất hôm 2-12, với nhiệm vụ bảo vệ các mỏ khí đốt của nước này ở Địa Trung Hải.
Theo đó, tàu hộ vệ lớp Saar-6 vừa cập bến tại cảng Haifa và ba con tàu khác (sẽ được chuyển đến Israel vào năm 2021) nâng tổng số tàu hộ vệ tên lửa mà Israel có lên con số 15, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình khu vực Biển Đỏ và vùng Vịnh.
“Việc phát hiện ra các mỏ khí đốt ngoài khơi bờ biển của Israel là điều cần thiết để có được một kế hoạch cung cấp sự bảo vệ” - Tổng thống Israel Reuven Rivlin phát biểu tại buổi lễ hạ thủy tàu ở cảng Haifa.
Tàu hộ vệ tên lửa Saar-6 tại căn cứ hải quân Israel ở cảng Haifa, ngày 2-12. Ảnh: REUTERS
Hải quân Israel đã nhận thấy có mối đe dọa tới các mỏ khai thác khí đốt từ nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon), dưới sự hậu thuẫn của Iran, đặc biệt sau khi Tehran tuyên bố sẽ trả thù vụ nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát mà nước này đổ lỗi cho Israel.
Một sĩ quan hải quân cấp cao Israel tiết lộ đây là những biện pháp phòng ngừa đối với tên lửa hành trình Yakhont do Nga thiết kế và tên lửa Khalij Fars do Iran sản xuất mà Israel tin rằng có trong kho vũ khí của Hezbollah.
“Người Iran đang tìm kiếm các mục tiêu lớn như thế này, có thể dễ tấn công với thương vong thấp, để tránh khiến cho căng thẳng tăng cao hơn. Câu hỏi được đặt ra là liệu Hezbollah có tấn công ngay bây giờ hay không” - một quan chức Israel nhận định.
Mặc dù lực lượng Hezbollah đã từng đe dọa sẽ tấn công các giàn khoan khí đốt của Israel trước đây, song tổ chức này cho biết việc trả đũa cho cái chết của ông Fakhrizadeh là do Iran quyết định, Reuters đưa tin.
Các thủy thủ Israel đi bộ trên một bến tàu gần tàu hộ vệ Saar-6 tại căn cứ hải quân Israel ở Haifa, ngày 2-12. Ảnh: REUTERS
Mỹ xem xét đưa nhân viên ngoại giao ở Iraq về nước
Hãng tin Sputnik dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump có thể sẽ rút một nửa số nhà ngoại giao của nước này khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) khi căng thẳng với Iran tiếp tục gia tăng.
Iraq thường được xem là chiến trường giao tranh giữa Mỹ và Iran. Mặc dù nói rằng "hàng chục" nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ và các cơ sở ngoại giao khác ở Iraq được yêu cầu trở về nước, nhưng quan chức này không đưa ra thông tin cũng như số lượng cụ thể.
Việc cắt giảm số lượng quan chức ngoại giao ở Iraq chỉ là tạm thời, tuy nhiên, do những căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa hạ nhiệt nên chưa biết khi nào những nhà ngoại giao này sẽ quay trở lại làm việc ở Baghdad.
Quan hệ giữa chính quyền Washington và Tehran đã trở nên tệ hơn sau khi quân đội Mỹ không kích giết chết Tướng Soleimani hồi đầu năm. Căng thẳng giữa hai nước đặc biệt tăng cao sau khi nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Trả lời câu hỏi của hãng tin Politico, Bộ Ngoại giao Mỹ không phủ nhận cũng không xác minh việc cắt giảm số lượng nhà ngoại giao đang làm việc ở Iraq.
“Bộ Ngoại giao liên tục điều chỉnh sự hiện diện ngoại giao của mình tại các Đại sứ quán và Lãnh sự quán trên khắp thế giới, để phù hợp với sứ mệnh của đất nước, với tình hình an ninh tại địa phương, sức khỏe của mỗi nhân viên và thậm chí cả những ngày nghỉ lễ” - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
"Đảm bảo sự an toàn của nhân viên chính phủ Mỹ, công dân Mỹ và an ninh của các cơ sở ngoại giao của chúng tôi vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ” - quan chức này khẳng định thêm.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thông Trump cho biết ông đang cân nhắc đóng cửa Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, sau khi các cơ quan tình báo hồi tháng 9 bày tỏ nỗi lo ngại về các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và Đại sứ quán nước này ở Iraq, theo Sputnik.
Phản ứng của chính quyền Iran
Cùng ngày, Cơ quan giám sát của Quốc hội Iran thông qua luật mới, đe dọa đơn phương chấm dứt chương trình giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại các cơ sở hạt nhân của nước này và đẩy mạnh việc làm giàu uranium, hãng tin Reuters cho hay.
Hội đồng Hiến pháp (Guardian Council) - cơ quan giám sát Quốc hội Iran và có trách nhiệm giải thích hiến pháp và luật Hồi giáo Shiite của nước này - đã thông qua một đạo luật quan trọng vào ngày 2-12, cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Tehran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Người dân Iran biểu tình sau vụ việc nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát. Ảnh: REUTERS
Trước đó, dự luật này đã được thông qua tại Quốc hội Iran hôm 1-12. Đây được coi là phản ứng của Tehran sau vụ ông Fakhrizadeh - người được phương Tây cho là "kiến trúc sư" đứng đằng sau chương trình hạt nhân của Iran - bị ám sát.
Iran ra thời hạn hai tháng cho các Anh, Pháp và Đức - ba thành viên châu Âu của nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 - rút bớt các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Tehran.
Nếu châu Âu không đáp ứng yêu cầu này, chính quyền Iran bị bắt buộc phải cắt đứt chương trình giám sát của LHQ tại các cơ sở hạt nhân của nước này.
Iran cũng đe dọa nối lại hoạt động làm giàu uranium lên mức 20% và lắp đặt thêm các máy ly tâm tại hai cơ sở hạt nhân Natanz và Fordow. Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tehran chỉ được phép làm giàu uranium ở mức 3,67%. Iran bị báo cáo đã vi phạm quy định này và bắt đầu làm giàu uranium ở mức 4,5% kể từ tháng 7-2019.