Nắng lên, Thi mở cửa hàng, bộ dạng đầu tiên Thi thấy bao giờ cũng là y, một gã xe ôm với con xe trầy vi tróc vảy lưu lạc ở mạn nào vừa về đây cắm rễ. Ánh mắt y nhìn Thi vẻ ngài ngại, còn Thi lại rất dửng dưng. Y dựng xe dưới gốc sấu già lụ khụ, cạnh quán nước to vừa vặn bằng bữa cơm gia đình ba thế hệ. Ngày nào, giờ nào Thi cũng thấy y ở đó ôm xe đợi hết ngày, thân là xe ôm nhưng hầu hết các cuốc y đều kiếm cớ từ chối. Cánh xe ôm gọi y là “người giời” vì y chê tiền chỉ cần ngồi đếm lá, hít bụi mịn là no.
Nhoi mắt qua chồng sách, Thi thấy y ngồi lắt lưởi trên con xe rách rố, cái mặt trông rất chảo chớp, mắt đảo lia liến nhìn gì đó rồi lại vờ như ta đây không tồn tại. Lần nào gặp ánh mắt của Thi, y cũng nhoẻn cười. Kể cả khi mắt Thi hình mũi lao y cũng rướn mày, mở to mắt lên để cười. Lâu dần, mỗi sáng mở cửa không thấy cái mặt vờ vịt của y, Thi thấy có gì đó là lạ.
Thu già thêm, gió heo đã nghe ran rát. Cứ dăm bữa, y lại vật con xe ra để thăm khám. Quần nhàu đũng, áo vã mồ hôi càng khiến y xơ rối, bụi bặm. Nhìn kỹ y có nét hao hao giống Lý Hùng, nếu cái đầu không trọc trớn, tướng tạng bớt bặm trợn, thì khối cô đi xe sẽ tự ngã để được y đỡ dậy. Tinh mơ đã thấy y ở chỗ cũ trên phố. Y bỏ xe đi bộ về phía cửa hàng sách báo cũ của Thy. Y gãi nốt muỗi cắn dưới cằm chỉ về phía chồng sách văn học:
- Có cuốn “Đời lệch ray” hay “Lộn nhào nhìn cuộc đời” không em?
- Anh bịa ra đấy à, làm gì có. À… Anh đọc thử cuốn này đi - “Nhát dao ngập chuôi”.
- Sách của ai mà giết chóc, đau đớn vậy em?
- Sách của “Trang Thái Hà”, tựa thì chảy máu nhưng nội dung lại cầm máu.
- Hấp dẫn đấy, bán cho anh.
- Cuốn này không bán. Anh có thể thuê.
Minh họa: Phạm Minh Hả |
Thuê thì thuê, y hí hửng ôm sách về cắm đầu đọc, ngẩng cổ lên trời đã sâm sẩm tối, mặt y lúc này nát như gạo vỡ hút no nước. Bóp sống mũi vì nhức mắt, y thở hắt ra. Sao cái cuộc đời bé bỏng này lại lắm mô tuýp giống mày thế hả Vỹ? Sách đã gấp nhưng Vỹ vẫn chưa thoát khỏi những câu chữ đầy bi lụy đoạn nhân vật Trà tự sát vì đau khổ, vì đổ vỡ, thất vọng.
Dưới gốc sấu, bóng tối dập khuôn Vỹ thành một pho tượng đờ đẫn. Y thấy buồn. Khi quá yêu, quá đau, quá thất vọng… thay vì hít thở để buông bỏ thì Trà lại tự sát. Xả hết máu yêu, máu hận thì mới được tái sinh chăng? Nhát dao bạo liệt đó thật phung phí.
Vỹ nhớ, lúc biết Ngân phản bội minh, Vỹ đã điên dại đấm đá như một kẻ say máu. Y muốn vác dao vằm nhuyễn lũ mèo mả vô đạo nhưng một câu nói của lão Đại đã khiến Vỹ chùn tay. “Không sao cả. Vợ mày phản trắc, thằng kia đĩ đõa. Hai con bọ gậy vào một vũng, xã hội bớt đi hai đứa giẻ rách thì ông Trời khắc se cho hai đứa có tình là mày với cô gái nào đó sẽ được hạnh phúc. Cứ bình tĩnh mà đợi…”. Y buông dao, buông cả những trống rỗng, xót xa hàng đêm vẫn bào gọt tâm trí.
Công việc cuốn Vỹ đi, tóc trụi lủi dần, ánh mắt phờ phạc vẫn luôn trông chờ điều gì đó rất cháy bỏng. Gió bốc bụi mù mịt, trời rậm rịch mưa. Không đọc nữa, y băng qua đường. Vỹ có hai mắt, một mắt dò chữ còn một mắt lén nhìn Thi đang bê bát cơm lổm nhổm vài lát đậu. Lũ Bom, Bơ chơi đuổi bắt ngã dúi nhụi trước nhà. Xốc Bơ lên, Vỹ bỏ chạy, thấy thế Bom hét to: “Mẹ ơi, chú bắt em Bơ rồi”.
Nhìn thế nào Thi lại nhìn ra đó là Dĩ, hắn chơi với con không màng tới cái điện thoại, vứt xó hết những con đàn bà mất nết. Vứt hết! Chỉ còn có vợ dại, con thơ không bao giờ buông bỏ. Mắt nhòa đi, Thi gạt giọt muối ở khóe mắt nhìn Vỹ. Mưa lòm lòm nhuộm rát cả bờ mương đen đặc. Gió rét bị xé vụn, xơ vữa và gân guốc. Bóng Vỹ khuất dần, màn mưa mỏng mịn trùm lấy những ánh mắt côi cút.
Đêm trôi, ánh đèn buốt bã như ráng chiều không kịp tan vào chạng vạng. Thi nhìn dòng xe hoe hoắt, nhìn hàng cây cô độc tự thấy mình cũng chỉ là chiếc lá, là hòn đá trong cái cõi đời chơi vơi, già cỗi, ngọt ngào và vô vàn đắng chát này. Tạnh mưa, Thi xếp sách vào thùng thì Vỹ đã từ đâu vù xe tới. Y dúi cho Thi ổ mỳ to bằng bắp chuối. Vuốt nước mưa khắp vòm mép, y nói chữ rõ chữ mờ:
- Cầm lấy! Cơm với đậu phụ kho, sống sao nổi?
Y vù đi. Thi nhìn ổ mỳ, cay xè sống mũi. Tại sao, người xa lạ lại khó thở khi thấy đàn bà ăn cơm với đậu, còn người Thi gọi là chồng, ăn đói mặc rách vì họ thì người ta lại xem Thi là nợ đời cần phải rũ bỏ? Thi ứa nước mắt nhìn dòng chữ nhòe nhoẹt trong điện thoại:
- Ngon không?
- Sao anh có số của tôi?
- Tôi có tất cả thông tin về em.
- Anh muốn gì?
- Tôi muốn thấy em cười.
-Anh điên à? Tôi cười hay khóc liên quan gì tới anh?
- Liên quan chứ. Chả hiểu sao, thấy em buồn là tôi rệu rã hết cả ngày.
- Đồ điên. Anh lo kiếm cơm nuôi thân đi, để cho tôi yên.
- Em mới nên để cho tôi yên. Từ khi nhìn thấy em, chả ngày nào tôi sống yên.
- Tôi không hiểu anh đang nói gì.
- Rồi em sẽ hiểu. Ngủ sớm đi nhé. Anh luôn ở bên để bảo vệ ba mẹ con.
Thế có nghĩa là gì? Một kiểu tiếp cận thẳng thừng hay đại loại là rình rập có chủ đích. Đàn ông trong mắt Thi hết thảy đều trí trá, giả tạo. Thằng nào chả như thằng nào đều nửa vời, hời hợt. Xem ra tội của Dĩ rất to vì hắn đã khiến đàn ông trong vũ trụ này bị đánh đồng thành một ngữ. Cái ngữ nhộn nhạo, bát nháo, dâm dật, tráo trở như chồng Thi.
Đèn vụt tắt, căn nhà chìm vào loang lổ sáng tối. Vỹ dí dẫm ở vỉa hè cho tới khi mưa tới, gió mơn trớn cái đầu trọc trụi một cách thô bạo. Vỹ thấy rét, ngần ấy năm để quả đầu trơn lởn giờ y mới thấy nó trống trọi như bãi đất mới bị san ủi, chỉ có bùn nhão và đất đỏ. Đêm tàn. Nắng lên. Vỹ tự thưởng cho mình cốc nước vối để súc ruột. Mụ Sá nhìn theo cái nhìn của y, hất hàm hỏi:
- Mày mê con bán sách à?
- Người ta có tên, sao bu lại gọi là con?
- Gái nạ dòng hai con, phải thế nào thằng chồng mới bỏ. Ngữ này không lang chạ thì cũng lọc lừa. Mày đừng dại mà dây vào.
- Tính tiền đi bu.
Bỏ cốc nước, y ra xe ngồi. Có lẽ, nhắn gì đó cho Thi sẽ khiến những lời chối tỉ chóng bay hơi.
- Cười đi em. Anh ở đây rồi.
- Anh cười hộ tôi đi. Đồ điên!
Đồ gì cũng được, miễn là em nhắn lại. Y cười bung răng bung lợi vì vui sướng. Còn gì vui bằng khi nhận được sự hồi đáp từ phía bên kia bán cầu. Nhìn bát cơm em ăn, áo sơ mi em mặc, đôi môi em run, giọt nước mắt em rơi. Cả thiên hạ này có nhầm lẫn về em đi nữa thì Vỹ này vẫn không có quyền.
Em chửa hoang hay đơn thân? Em bị ruồng bỏ hay em được giải thoát? Rào cản đầy gai góc vẫn là sự sợ hãi từ phía em chứ không là điều gì khác. Vỹ làm sao có thể hiểu khác đi khi chính y cũng bị đốn ngã trên con đường kiếm tìm hạnh phúc.
Đêm cuối thu gió mảnh, sắc như cước chuốt mỏng. Thi bê rác ra vệ đường, cái bóng liêu xiêu kéo chon von trên vỉa hè đầy lá. Chẳng biết, Vỹ đứng đợi từ khi nào, nụ cười y nhút nhát nhưng Thi lại thấy rất tâm cơ. Y đón đường với lời lẽ đầy van vỉ:
- Tôi thấy, rác thật may mắn. Vì rác được em đổ đi. Còn tôi… Em còn không buồn nhìn.
Ai lại đi ghen với rác bao giờ. Thi cười. Ánh đèn xiết qua khe lá, soi lên má môi bạc bợt. Gió rít xe xé qua mang tai, phượng trút lá li ti. Hai cái bóng song song đứng trên bờ mương đen thẳm. Vỹ gỡ chiếc lá khô xáp bé bằng vỏ trấu trên lọn tóc ngắn ngủn thả xuống con mương tối tăm. Im lặng khỏa lấp rồi Thi cũng mở lời:
- Anh à…! Đừng phí…
- Không…!
Vỹ đưa ngón tay đặt lên đỉnh trán ngắt lời Thi, mỗi lời Thi nói có thể giết chết y. Dù Vỹ có rơi ở độ cao nào thì Thi vẫn phải nói:
- Em xin lỗi. Chúng ta không phù hợp.
- Vì sao? Vì anh chỉ là một thằng chạy xe ôm ư?
- Không! Vì em không cần anh.
Lời Thi nói nhẹ như gió vén tóc mai nhưng lại phạt đứt gân tim Vỹ. Y chống tay vào lan can, nhìn xoáy vào chiếc lá màu hắc ín nửa chìm nửa nổi trên mặt mương đen đúa. Thi bình thản đi vào, sau lưng Vỹ chỉ còn cái xác co cứng.
Đèn vụt tắt, ô cửa chứa cái bóng gầy gò của Thi tối như màu mắt bão. Vỹ thấy toàn thây bị nuốt vào vòng xoáy vô cực, chới với trong khoảng không hun hút rồi bị ném xuống lòng đường, xước xát hết mặt mày, vỡ xương ức. Người ta không cần mà mình lại thấy rất cần là thế nào nhỉ?
Vỹ tạt vào quán, uống hết bát canh lỏng chỏng măng tiết. Mọi khi, Vỹ sẽ đốt cổ bằng vài cút rượu nhưng nay y thấy rượu chỉ khiến ruột gan thêm xào xáo. Y chưa biết làm gì cho hết đêm thì có bàn tay vỗ lên vai:
- Bắt quả tang, bỏ vị trí đi giải sầu nhé.
Lão Đại kéo ghế, rê theo cả ống điếu. Lão ém điếu lệch một bên mép rồi rít. Khói um lên, lão tỉnh bơ như không, bộ râu loàm nhoàm khói đục. Nhìn bộ dạng chán đời của Vỹ, lão lắc đầu.
- Thằng nào vướng vào đàn bà đều vật vờ như ma trên đất. Xưa nay, đàn bà là “phạm trù kinh điển” rất khó nắm bắt, mọi khái niệm về đàn bà rất mơ hồ.
- Mày đổi chỗ cho tao đi. Tao sợ mày…
- Sợ gì? Chỗ lập công của em. Bác chỉ giỏi bàn lùi.
- Công trạng gì ngữ mày. Ăn rồi ngồi nhìn lá rơi.
- Bác…! Tại sao, người ta lại không cần em?
- Người ta là đứa nào?
- Bác biết rồi còn hỏi.
- Tao cần mày là được rồi. Mày còn cần đứa nào?
- Bác… Em đấm thèm vào.
- Nuôi tóc đi. Tóc mọc thì nó cần mày.
Ôm ống điếu vào lòng, lão vỗ điếu cười phì cả khói thuốc và không quên nhắc lại: “Cấm mày bỏ vị trí đấy nhé”.
Thường thì những câu nói vu vơ, ngáp ngưởi tưởng trật lất nhưng lại rất hay trúng. Hỏi thế thôi chứ Vỹ hiểu. Khi đớn đau còn đeo đẳng, khi sẹo đời còn lồi lõm thì không một kem trộn, máy móc của thẩm mỹ viện nào có thể là phẳng được. Đàn bà là cái giống nhẹ dạ, hết sức nhạy cảm. Một khi gặp đổ vỡ tự bản thân họ đã biến thành một lô cốt vô cùng kiên cố.
Vỹ phóc lên xe mất tích trong nửa giây. Lão lắm râu lắc đầu ngao ngán. Đời tứ cố vô thân sống nay đây mai đó chả nhẹ xác đằng này cứ thích vập vào gái góa con côi. Vỹ không nghĩ nhiều như thế, y chỉ muốn quỳ xuống lượm lặt những thứ Dĩ đã sổ tung ra, xếp đặt lại và nâng niu nó. Mưa rả rích. Vỹ đứng dưới mái hiên nhà Thi đốt thuốc. Mùi khói mốc như mộc nhĩ bị ẩm lại có cả vị chua của mồ hôi lên men.
- Ngủ ngon nhé. Anh ở đây rồi.
Vỹ thì thầm bằng làn khói u uẩn rồi khùng khục ho khi gặp gió lạc mùa. Thi ôm gối, chong mắt qua lỗ thông gió nhìn mưa xiên xiết bay, xốp như đá bào. Vỹ đợi tới khi Thi mỏi mắt, ngủ vùi trong hơi khói lãng đãng mới rời đi.
Sáng nào, Thi cũng thấy một mẩu thuốc loi thoi nằm trơ trọi trên ô gạch se sắt. Một sáng, không có mẩu thuốc nào Thi thất thần như cái lúc Dĩ loãng vào dòng xe ngồn ngộn khói. Vỹ đã tạo cho Thi một sự yên ổn tạm thời nên khi thấy thềm chỉ có bụi mịn, lá khô Thi thảng thốt.
Thời gian qua Thi thực sự đã bấu víu vào Vỹ dù chỉ là dựa vào hơi khói. Vỹ không vắt vẻo trên con xe nát núa, y khuất mặt ở xó nào mà mụ Sá cũng không biết. Thấy Thi, mặt mụ Sá đang nở như bánh bao hấp thì thun lại hình phễu, Thi tới gần thì đã thành hình cổ chai. Tất nhiên, mụ sẽ giả tảng để còn đon đả:
- Con gái lấy gì nào?
- Cho cháu cốc vối nóng.
- Có ngay. Mà này…! Trẻ thế sao không chọn đám nào tử tế lại dùng dằng với thằng xe ôm?
- Lâu rồi, cô có gặp anh Vỹ không?
- Gặp gì cái thằng ngủ ngày cày đêm. Chả có thằng nào ngu đi nuôi con tu hú đâu. Nó dạo qua dạo về, chán chê là đi mất hút. Mày hiểu không?
Vối loãng mà Thi thấy chát xơ lưỡi, nhân nhẫn đắng. Có lẽ, bà Sá nói đúng, người cũng như khói thuốc, chẳng nán lại lâu ngoài hơi thở của chính họ. Đêm teo tắt, tiếng rao đêm ngược gió lả dần rồi vắt qua bờ mương heo hút.
Cuối con ngõ chuếnh choáng mùi hoa sữa, ánh đèn nhòe như nước hắt vào ô kính dính bụi đỏ Thi thấy ai như Vỹ đang ôm eo gái lạ. Một ả hở hang, gợi dục. Chốc sau, một gã xăm trổ phất tay ra hiệu Vỹ dắt gái vào. Té ra Vỹ là một con cú vọ ngủ ngày bắt chuột đêm.
Thi kéo lê đôi chân ủ dột trên vỉa hè khô rát. Hồn vía đã lên nóc nhà, đậu trên mũi chống sét. Tiếng xe vù rú, tiếng bắt bớ ồn ĩ không kéo Thi ngoái cổ lại. Vỹ chở người đàn bà thiếu vải rượt theo chiếc xe cào cào vêu vẩu, thằng cầm lái đầu trọc giống y.
Ả đàn bà khoác áo của Vỹ, mặc quần bó chẽn phô cặp dò hơ hớ. Nửa giây để tất cả phạt qua mắt. Ruột gan Thi bén lửa cháy rừng rực như dính bả. Té ra, tất cả chỉ là bỡn cợt, thế mà có người suýt tin sái cổ, kể ra niềm tin cũng éo le thật đấy, vừa thành hình đã vỡ vụn.
Khuya khoắt, ren rét thấm vào vôi vữa, lá lay. Xe cộ lác đác, con phố trườn dài, lê thê như một cơn lũ chảy qua làng. Thi lập cập đi tới thùng rác thì có tiếng ồm ồm. “Em lại đổ rác à? Đưa anh đổ cho”. Cái bóng nấp sau gốc cây sần sùi chạy lao tới. Thi giằng lấy không cho y động vào. Tay giữ, tay giằng khiến cái hộp bị xé rách toác, tàn thuốc lá rơi tá lả xuống ô gạch lổm nhổm lá khô. Vỹ cau mày:
- Cái gì đây? Em hút hay ai hút?
- Tôi hút.
- Màu môi, hơi thở của em không biết nói dối. Em nói thật đi.
- Anh có quyền gì mà truy vấn tôi? Một kẻ chở gái, đổ hàng. Sống vạ vật ở vỉa hè, đi hoang không giờ giấc. Anh có gì để tôi phải thấy cần?
Lời nói hay là dao quắm chém lìa cổ đá? Vỹ ôm chầm lấy Thi, bít chặt lấy đôi môi cong cớn. Thi cố thoát khỏi cái ôm đầy trói buộc nhưng vô ích. Em chẳng hiểu gì, chẳng biết gì cả. Em định kiến với đàn ông vì em nghĩ thằng nào cũng đĩ và tham như Dĩ. Em ghét đàn bà vì em nghĩ con nào cũng đĩ đõa, tã tượi như “con Hương”. Suốt ngày, em ngụp lặn trong chữ và bụi bặm để rồi tự bó mình vào những khuôn mẫu hẩm hơi.
Nhìn anh đi, nhìn kỹ vào. Tóc anh mọc, môi anh thâm, cuộc đời anh chậm lại là vì yêu. Ngần đó chưa đủ để em thấy cần anh hay sao? Môi rời môi, cái ôm run rẩy, Thi vuột khỏi tầm tay. Dưới chân, những mẩu tàn động đậy trôi theo chiều gió như sóng dạt vào bờ lan can.
Vỹ nhặt mẩu thuốc đưa lên mũi, thủng thẳng vo tròn rồi cười sòng sọc. Còn đứa nào bị khểnh răng cắn vào đầu lọc ngoài y. Thi à? Em gom góp từng mẩu vụn hôi hám đem giấu nhẹm đi rồi cố ra vẻ ta đây dửng dưng, không hề hấn. Tình yêu không chừa chỗ cho sự khôn khéo, lắt léo đâu em. Em cứ cố che đậy thì lại càng vụng về để lộ ra.
Vỹ tựa vào gốc cây rốc rác. Gió rít, lá rơi có âm luật tựa như một bản nhạc êm ái, miệt mài và cũng thật mệt nhoài. Bản nhạc đó nói rằng: - “Mùa thu đến. Mùa thu đi. Mùa thu hanh hao. Mùa thu không còn trẻ. Anh đứng đây, nhìn lá xa rời cây, nhìn dòng xe vội vã. Em nhìn xem…! Gió cuốn mây về phía gầm trời đen thẳm. Em trôi như mây, trôi về miền khắc khoải. Đi đi em, trôi theo mây, trôi về miền sáng tối. Mùa thu nán lại phút chốc thôi. Tất cả xa xôi chỉ còn anh ở lại. Để làm gì ư… để đợi em, chỉ để đợi mình em”. Bản nhạc xắt xén những nốt cuối thì điện thoại rung:
- Hốt gọn cả ổ tội phạm rồi, giờ mày muốn hốt gì thì hốt đi.
Lão râu rậm đó thể nào chả cười rất đểu khi gửi tin. Vỹ sờ lên đầu, xem ra lão Đại nói đúng, từ khi tóc lún phún mọc thì mọi sự suôn sẻ hẳn. Rõ ràng Thi đã nói nhiều. Nói toàn những câu xóc óc, bươi móc chẳng có tý đưa đẩy, mùi mẫn gì cả. Vỹ ngước cổ nhìn lên ô cửa màu tím khói, phố xá đã mơ một màu vàng xao xuyến.
Thi bối rối vuốt phẳng những ký ức nhàu nhĩ, rón rén thỏ mắt qua song cửa. Chỉ cần Vỹ ở đó, bao lắng lo vụt đến vụt đi, dịu như gió heo sà lên ngọn mía. Xem ra, vạn sự ở cái cõi bao la này đều cần có thời điểm để khởi phát và chín muồi. Mùa thu sẽ nuôi nấng, nâng niu tất cả. Vỹ gấp sách lại, miên man nghĩ về cái kết đầy khắc khoải của nhân vật Trà trong “Nhát dao ngập chuôi”.
Cuối thu lá chẳng còn xanh, cả triền phố thấm cái rét nẻ môi nẻ má của gió bấc đầu mùa. Vỹ đứng đó, áo sơ mi, quần bò hải cẩu rất chỉnh tề. Đầu không trọc trớn mà tua tủa tóc, cắt gọt rất tỉ mẩn. Không ai nhận ra Vỹ xe ôm với con xe ghẻ lở dạo nào. Thi cười, nụ cười roi rói như nắng rọi trên sông buổi bình minh sau cơn lũ. Chưa bao giờ, Vỹ thấy Thi rạng rỡ, tươi tắn đến thế. Mùa thu chưa đi mà tóc đã mọc, Thi đã cười và cả điện thoại cũng rung bần bật.
- Anh có thấy bà Sá đâu không?
- Không…! Từ lúc, anh mặc cái áo mới này không thấy bà Sá chạy qua đây.
Thi phịt cười, bà Sá mà đọc được chắc sặc nước vối mà chết. Nói gì cho cái đồ hâm hấp kia bớt hẩm hơi đi nhỉ? Thi nhỏ nhẻ nhắn nhủ thêm:
- Anh đừng hút thuốc. Thuốc lá, thuốc lào rất độc hại.
Rõ! Vỹ đưa tay phải lên. Đầu ngón tay giữa đặt sát, ngang với đuôi lông mày phải. Năm ngón tay khép lại duỗi thẳng. Lòng bàn tay úp xuống, hơi chếch về trước. Bàn tay và cánh tay dưới thành một đường thẳng, cánh tay trên nâng lên ngang vai. Trán ngay, mắt nhìn thẳng vào Thi, rất chi là bày vẽ. Ôi hóa ra, Vỹ là công an chìm ư? Thi đỏ mặt quay vào. Sau lưng, cành trọc trụi rơi nốt chiếc lá lỏng lẻo, có chiếc lá còn muốn nún nán lại đợi gió tới cuỗm đi.
Truyện ngắn của Trang ThụyXem thêm: /141226-ial-o-hna-noc-ihC/neyurT/nv.moc.dnac.acnv