- Những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng
- Tấm gương sáng về tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
- Luôn là tấm gương sáng, mẫu mực để cán bộ, chiến sĩ toàn quân học tập, noi theo
400 tấm gương được tuyên dương lần này đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Đó là những thầy cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ; những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam, người chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, người nhiều lần hiến máu cứu người, bác sĩ có hành động dũng cảm cứu người trong đợt dịch COVID -19…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới tặng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam. |
Bao nhiêu người là bấy nhiêu câu chuyện cảm động về tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện, khiến chúng ta nhận ra những giá trị sống tốt đẹp vẫn luôn tồn tại âm thầm khắp nơi trên đất nước này. Đây luôn là truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.
Trên hành trình làm việc thiện, vì cộng đồng không đơn giản, không phải ai thích là làm được. Minh chứng về điều này là đã có bao nhiêu tổ chức được lập rồi tan, bởi khi mà giá trị thực, mục đích thực không đạt được thì họ sẽ dừng lại. Bên cạnh đó, cũng không thiếu trường hợp làm từ thiện vì chạy theo phong trào, một số người lợi dụng “chiếc áo” từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc dư luận xã hội.
Bởi vậy, để làm công tác xã hội, từ thiện mà không có bản lĩnh, không kiên trì và không xuất phát từ cái tâm thì chỉ cần những câu nói như: “Từ thiện cái gì… chỉ của người phúc ta, mượn hoa cúng Phật”, “Một lũ rỗi hơi, thừa thời gian, ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, “Ốc còn chẳng mang nổi mình ốc, lại còn đòi mang cọc cho rêu” cũng có thể tác động khiến người ta nản chí. Tuy vậy, không hiếm người còn chật vật mưu sinh nhưng vẫn luôn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho những ai còn khó khăn hơn mình và không ít người trong số đó còn được đặt cho cả biệt danh là “khùng”, là “điên” khi dành hết tất cả những gì mình có cho công tác từ thiện, đem của cải nhà mình chia sẻ hết cho người nghèo.
Nói thế để khẳng định rằng, những người luôn làm những công việc “của thiên hạ” trước hết và chủ yếu xuất phát từ tình thương yêu đồng loại, với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người hoạn nạn trong những hoàn cảnh thiên tai, bệnh tật nghiêm trọng, gia cảnh éo le…
Dĩ nhiên, với động cơ hoàn toàn trong sáng, người làm từ thiện thường lặng lẽ, không cần đối tượng được giúp đỡ biết mình tên gì, ở đâu, địa vị xã hội thế nào và họ luôn khước từ xuất hiện trên báo chí, truyền thông…, nhưng chính sự thầm lặng đó bảo đảm rằng sự không đòi hỏi ấy là thực tâm.
Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Còn hàng triệu những hành động, những tấm lòng vàng, tấm lòng thiện nguyện như vậy trong cộng đồng chưa được ghi nhận… Lòng nhân ái đôi khi bình dị, mộc mạc như vậy đó, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn mà không cần sự báo đáp. Nó luôn sẵn có trong mỗi người chúng ta, cứ cho đi và đừng nghĩ gì xa xôi để những hành động cao đẹp đó sẽ lan tỏa rộng khắp.
Nhắc lại bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bối cảnh thiên tai, bão lũ kinh hoàng với miền Trung vừa qua, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua thử thách, lòng tốt, tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên. Đúng vậy, chính lòng nhân ái, yêu thương, sẻ chia đã tạo nên sức mạnh, tình đoàn kết dân tộc chiến thắng thiên tai, dịch bệnh và nó đã tạo ra được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mang hạnh phúc đến với mọi người, là sợi dây bền chắc, thiêng liêng kết nối mỗi con người Việt Nam. Giá trị của dân tộc là ở đó.
Mỗi người chúng ta là một nhân tố quan trọng làm nên giá trị của dân tộc khi mỗi ngày làm một việc tốt, một việc nhân ái vì cộng đồng, vì những cảnh đời khó khăn, cơ cực... Giá trị đó sẽ mãi trường tồn và phát huy nếu mỗi người dân biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và sẻ chia. Không chỉ vậy, còn sẵn sàng cùng nhau loại trừ cái xấu, cái ác, tin vào điều tốt đẹp, chung tay xây dựng cái đẹp để đưa đến một cuộc sống hạnh phúc hơn, đầm ấm hơn.
Nếu như tất cả mọi người đều tình nguyện, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn thì xã hội này sẽ thế nào nhỉ? Chắc chắn xã hội đó ngày một trở nên tốt đẹp hơn, lành mạnh và văn minh hơn. Ngược lại nếu như xã hội thiếu vắng những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” thì xã hội sẽ ra sao? Câu trả lời sẽ là cái xấu lan tràn, con người vô cảm, làm ngơ trước những nỗi đau đớn và thống khổ của đồng loại.
Vậy thì xin đừng ngại khi giúp đỡ người khác, đừng ngại khi làm một việc có ích cho đời!
Cù Tất Dũng