Theo thông tin của tờ Financial Times, tập đoàn Softbank đã quyết định tháo chạy khỏi những giao dịch quyền chọn mua cổ phiếu trên sàn Mỹ sau rất nhiều tranh cãi. Một nguồn tin cho biết chiến lược này đã gây thiệt hại cho Softbank 2,7 tỷ USD với các công cụ phái sinh và còn bị giới phân tích gắn cho cái tên là "cá voi trên sàn Nasdaq".
Bước đi này tới sau khi cả nhà đầu tư và các nhân viên Softbank đều đặt ra câu hỏi về cấu trúc quản trị của chi nhánh này khi nó cho phép Masayoshi Son – nhà sáng lập Softbank có cổ phần cá nhân trong các giao dịch được thực hiện bằng tiền rút từ ngân khố của chính Softbank.
Có vẻ như thời gian tới, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào các cổ phiếu công nghệ Mỹ như Amazon và Facebook, sử dụng 80 tỷ USD tiền mặt huy động được từ việc bán tài sản thời gian gần đây nhưng sẽ giảm đặt cược vào công cụ phái sinh thông qua việc để các quyền chọn mua của họ hết hạn.
Softbank từ chối đưa ra bình luận về sự thay đổi chiến lược này.
Trước đó vào tháng 9, tờ Financial Times lần đầu tiên so sánh Softbank với một chú "cá voi" bí ẩn đã khiến những cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục.
Ban đầu, cổ phiếu Softbank giảm 14% nhưng sau đó đã tăng lên mức cao nhất 20 năm. Đến tháng trước, lo ngại xung quanh những giao dịch kể trên lại nổ ra khi Softbank tiết lộ rằng chi nhánh đầu tư của họ thua lỗ 3,7 tỷ USD trong đó 2,7 tỷ USD là do các công cụ phái sinh trong quý từ tháng 6 – 9.
Quyền chọn mua cổ phiếu được thực hiện thông qua một chi nhánh có trụ sở tại Đảo Cayman gọi là SB Northstar - đơn vị do tỷ phú Son sở hữu 1/3. Cuối tháng 9, chi nhánh này đã mua 17 tỷ USD cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ và đầu tư thêm 3,4 tỷ USD vào các công cụ phái sinh.
Một vài nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao tập đoàn này lại muốn tham gia vào những giao dịch ngắn hạn và nó có liên quan gì tới tầm nhìn đầu tư trong dài hạn của Son vào trí thông minh nhân tạo và những công nghệ dẫn đầu khác. "Chúng tôi không nên là một nhà đầu tư kiếm lợi qua ngày", một nhân viên Softbank nói.
Một vài câu hỏi khác cũng được đặt ra liên quan tới cấu trúc đầu cơ vay nợ cao của Northstar. Trên thực tế, chi nhánh này sử dụng tiền mặt đi vay và các cổ phiếu niêm yết mà Softbank nắm giữ để thực hiện các khoản đầu tư vào thị trường đại chúng. Tháng 10, công ty này đã vay 6 tỷ USD nhờ thế chấp lượng cổ phần mà Softbank có ở Alibaba.
Chi nhánh đầu tư của công ty cũng đã gây nên những lo ngại về cấu trúc quản lý khi cho phép Son vay tiền từ Softbank qua Northstar và hưởng 33% lợi nhuận.
Công ty thì nói rằng Son sẽ đảm lãnh cho bất kỳ khoản nợ nào liên quan tới quyền sở hữu của ông cho tới khi kết thúc chu kỳ sống của Northstar là vào năm 2034 nhưng không tiết lộ chính xác điều kiện của các khoản vay.
Vân Đàm
Theo Tổ Quốc/Financial Times
Xem thêm: nhc.54763726130210202-qadsan-gnos-toul-iov-ac-mal-nahc-nos-ihsoyasam/nv.zibefac