Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch học trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sau đợt thử nghiệm hồi tháng 3-2020, cả người học lẫn người dạy hiện nay đều chuẩn bị sẵn tâm thế và coi chuyện học online hết sức nhẹ nhàng.
Sẵn sàng
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường ĐH đầu tiên tại TP.HCM thông báo cho học sinh tạm ngưng học tập trung tại cơ sở chính, sau thông tin một sinh viên của trường có tham gia lớp học tiếng Anh do bệnh nhân 1347 giảng dạy tại Q.10 vào tối 24-11. Cơ sở này có khoảng 23.000 sinh viên chuyển sang học trực tuyến, hạn chế tối đa việc tập trung đông người từ ngày 2 đến 6-12.
ThS Trần Bảo Thy - giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết hiện tại học kỳ 1 đã gần như hoàn thành, chỉ còn đợi thi cuối kỳ. Học kỳ 2 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 12, do đó các giảng viên sẽ có thời gian để chuẩn bị cho giảng dạy trực tuyến.
Theo ThS Thy, trước kịch bản học online lần này, các giảng viên và sinh viên đều đã có kinh nghiệm và tâm thế sẵn sàng. Kết thúc đợt nghỉ học đầu tiên do dịch COVID-19 hồi tháng 3-2020, nhiều giảng viên trong trường vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí mở rộng việc dạy online. Trong học kỳ mới, không ít thầy cô tăng thêm tỉ lệ phần trăm dung lượng dạy online trong từng kế hoạch môn. Riêng cô Thy cho biết mình dạy đến 30% bằng hình thức online.
Vẫn dạy bằng phần mềm Google Meet, nhưng để tạo sự mới mẻ, ThS Thy làm mới toàn bộ các slide trình chiếu và giáo án. Cô nghĩ thêm các cách lồng những video, trò chơi, câu hỏi để việc dạy online vốn "xa mặt" nhưng không "cách lòng". "Tôi thường cho các em làm bài khảo sát, lấy ý kiến để kiểm tra các em còn trong lớp học hay không. Điều này tránh các em bỏ tiết" - ThS Thy nói.
Chủ động học online
Trong khi đó, ThS Vũ Thị Thùy Dương - giảng viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH FPT - cho hay trường đang trong giai đoạn nghỉ trước khi vào học kỳ mới, dự kiến tháng 1-2021. Nhìn lại đợt dạy hoàn toàn bằng hình thức online đầu năm, cô Dương cho rằng thói quen "lên máy tính học" thay đổi rõ rệt ở cả giảng viên lẫn sinh viên.
Cô kể trong hai học kỳ vừa rồi, dù đã chuyển sang dạy trực tiếp tại trường, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn "rủ" các bạn học online để ôn bài. Sinh viên tham gia rất đông, dù không phải bắt buộc. "Các bạn cũng tự học online nhiều lắm. Tự tạo nhóm trên Google Meet rồi học nhóm với nhau, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại tôi sau. Hay cuối học kỳ vừa rồi, các bạn muốn ôn bài nên liên tục "rủ" ngược lại tôi lên mạng ôn bài. Thật sự việc học online đã có nhiều tích cực" - ThS Dương nói.
Tuy nhiên, ThS Dương cũng cho biết trong thời gian tới nếu buộc phải trở lại dạy 100% trực tuyến, cần cải thiện thêm về chất lượng đường truyền để việc dạy học ổn định hơn. "Tôi chắc cũng phải làm gắt hơn, bởi có tình trạng một số sinh viên vào treo máy rồi ngủ hoặc làm việc riêng. Còn lại cơ bản vẫn ổn" - ThS Dương nói.
Dạy môn đòi hỏi thực hành nhiều, ThS Nguyễn Hồng Khiêm - giảng viên khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết đợt dạy học online đầu năm cho thầy rất nhiều kinh nghiệm. Lúc trước dạy thực hành online, sợ sinh viên khó hình dung, thầy tự quay các video rồi chia sẻ với lớp trên các mạng xã hội. Việc học trực tiếp trở lại, thầy vẫn duy trì thói quen làm video này.
Thầy Khiêm đang đảm nhiệm một lớp thực hành môn kỹ thuật cắt may, sau thông báo nghỉ học từ ngày 2-12 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thầy tiếp tục cho sinh viên học online như trước. Thầy cho rằng bây giờ giảng viên toàn trường và sinh viên đều đã quen với Google Meet hay Google Classroom. "Học online gần như trở thành một ý thức chung của mọi người khi gặp tình huống bất lợi như COVID-19" - thầy Khiêm nói.
Gia sư online
Lê Minh Viễn - sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - có kinh nghiệm dạy online hóa học cho một số học trò lớp 12 từ đợt dịch đầu năm 2020. Sau khi tình hình trở lại bình thường, Viễn chuyển sang dạy trực tiếp, tuy nhiên lại vừa cho học online từ 2-12 vì diễn biến mới của COVID-19 tại TP.HCM. Viễn nhận xét học sinh đã thành thạo hơn với mọi công cụ dạy online, muốn dùng phần mềm nào cũng có. Các lỗi kỹ thuật không còn thường xuyên như trước. Đặc biệt, học sinh không còn ngại ngùng khi đứng trước ống kính máy tính. Lúc trước, nhiều học sinh ngại ngùng, không dám đặt câu hỏi khi học online. Một số bạn ngồi học online khi ba mẹ kế bên nên "khớp".
Không ngại thi online
Về chuyện thi cử, kiểm tra, cô Trần Bảo Thy nói nếu phải thi online cũng không đáng ngại. Đợt dạy hoàn toàn bằng hình thức online hồi đầu năm cô đã cho thi online, nên nếu triển khai lại cũng đã có tâm thế. "Các câu hỏi sẽ được đổi dạng để tạo sự linh hoạt hơn" - ThS Thy nói.
TTO - Ngày 2-12, theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều trường phổ thông ở TP.HCM đã chuẩn bị ác điều kiện để dạy học từ xa, ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Xem thêm: mth.24001832230210202-al-ax-noc-gnohk-neyut-curt-coh-yad/nv.ertiout