Lỷ Thu Hiền luôn tâm niệm sẽ có một ngày giúp đỡ được những người khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh như mình - Ảnh: A LỘC
Xa vòng tay ba mẹ, từ nhỏ nương tựa vào bà ngoại già yếu, thường xuyên đau bệnh và từng xin cơm thừa của hàng xóm về ăn qua bữa, Lỷ Thu Hiền (18 tuổi, xã Phú Tân, huyện Định Quán, Đồng Nai) vẫn quyết tâm vượt khó. Bạn vừa đậu cùng lúc hai trường đại học.
Tranh thủ làm công việc đính tranh trước hiên nhà, Hiền vừa nói: "Bức tranh này đính xong được trả công 600.000 đồng. Tôi làm hơn một tháng rồi, giờ chỉ sửa các hạt đá cho thẳng hàng là có thể giao cho người ta".
Xin bữa cơm thừa của hàng xóm
Ngơi tay một chút, Hiền kể năm 2007, cha mẹ bỏ lại chị em Hiền cho bà ngoại rồi mỗi người đi một đường, sau đó đều có gia đình riêng. Năm đó Hiền bước vào lớp 1, chị Hiền 10 tuổi, còn em Hiền mới 4 tuổi. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai bà Phạm Thị Lan, 59 tuổi, bà ngoại của Hiền.
Để nuôi ba chị em Hiền ăn học, bà Lan phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Từ lượm hạt điều, hái tiêu, phụ hồ đến đổ bêtông làm đường. Song không phải lúc nào cũng có việc để làm. Nhiều hôm nhà không còn gì ăn, bà Lan phải đi xin cơm thừa từ hàng xóm về ăn qua bữa.
"Lúc đó còn ở căn chòi dột nước, nhìn ra thấy cảnh người ta chở con ngoài đường, bốn bà cháu tủi thân ôm nhau khóc" - Hiền nghẹn giọng nói.
Đồng cảm với hoàn cảnh của bốn bà cháu, hàng xóm láng giềng lúc thì cho con cá, bó rau, khi thì cho bộ quần áo, tập sách cũ. Đồ gia dụng cũ không dùng đến được biếu chất đầy một góc nhà. Hiền nói tuy những bộ quần áo đó đã sờn vai, đứt chỉ nhưng khi khoác lên người, Hiền luôn thấy rất vui và may mắn. May mắn vì mấy chị em Hiền vẫn được ở cùng nhau và ngày ngày được đến trường.
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2017, em gái của Hiền bị đau mắt. Do không có tiền điều trị nên một mắt bị nổ giác mạc. Mấy bà cháu ôm nhau khóc ròng mấy ngày.
Bà Lan chạy vạy khắp nơi vay tiền đưa cháu ngoại đi bệnh viện chữa trị. Khi chuẩn bị buông xuôi thì có nhà hảo tâm giúp đỡ, em gái của Hiền được thay giác mạc, may mắn giữ được đôi mắt lành lặn.
Cũng do hoàn cảnh khó khăn, chị của Hiền phải nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ bà ngoại nuôi em. Còn em gái Hiền sau đó xin vào Trường cao đẳng nghề số 8 (TP Biên Hòa) học may miễn phí để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Dẫu khó là vậy nhưng cô nữ sinh nghèo chưa từng có ý định bỏ cuộc. Càng khó, Hiền càng chăm học. Nhiều buổi lên cơn đau bao tử quằn quại, mồ hôi ướt đẫm trán - hậu quả từ những lần nhịn ăn - nhưng Hiền vẫn ráng đến trường. "Nó ham học lắm, đau bệnh cỡ nào cũng không chịu nghỉ" - bà Lan nói.
Không sợ cực nhọc, chỉ sợ phụ lòng mọi người
Suốt 12 năm học, Hiền luôn là gương sáng về nghị lực vượt khó học giỏi và luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Kết thúc năm học vừa qua, Hiền đậu vào cả Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM và Trường ĐH Đà Lạt. Không có tiền nhập học, Hiền dự tính bảo lưu kết quả, nghỉ học một năm để kiếm việc làm, dành dụm tiền năm sau đi học lại.
Hay tin, thầy cô trường cấp III đã gọi điện động viên học trò của mình. Thầy hiệu trưởng cũng vận động cựu học sinh của trường hỗ trợ một khoản tiền giúp Hiền đóng các khoản phí đầu năm.
Được sự khích lệ và giúp đỡ của thầy cô, Hiền rơi nước mắt. Hiền cho biết trước mắt đã đóng tiền học phí rồi. Khi sắp xếp chỗ ở ổn định sẽ tìm việc làm thêm ở các quán ăn, quán nước gần trường để có tiền trang trải chi phí học hành.
Cô nữ sinh khẳng định không sợ cực nhọc mà chỉ sợ phải nghỉ học giữa chừng, sợ "phụ lòng" các thầy cô, anh chị hảo tâm đã giúp đỡ mình suốt bao năm qua.
Hiền nói trong cuộc sống của mình đã được rất nhiều người giúp đỡ. Vì vậy, Hiền cho biết sẽ cố gắng học thật tốt để khi ra trường kiếm việc làm trả nợ công ơn nuôi dưỡng của bà ngoại. Sau nữa là giúp đỡ những người khó khăn, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh như mình.
"Ngoại hay dặn có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít tùy theo điều kiện của mình. Tôi sẽ ghi nhớ và sẽ hoàn thành mong muốn này của ngoại" - Hiền bộc bạch.
Lá thư của thầy hiệu trưởng
Song song với việc vận động nhà hảo tâm giúp đỡ Hiền đóng các khoản phí đầu năm, thầy Hoắc Công Sơn - hiệu trưởng Trường THPT Định Quán - còn viết thư gửi lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM mong giúp đỡ cô học trò nhỏ của mình.
Thầy Sơn chia sẻ: "Chặng đường bốn năm phía trước với nhiều chi phí, liệu em có tiếp tục được đi học và tốt nghiệp tại ngôi trường mà em yêu thích trong muôn vàn khó khăn hay không? Tôi tha thiết mong lãnh đạo nhà trường giúp Hiền hoàn thành ước mơ của mình" - thầy Sơn viết.
TTO - Khi còn là học sinh trung học, Đỗ Thanh Duy (xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đã đạp xe quanh thành phố để bán từng tấm vé số, theo xe tải bốc vác kiếm tiền ăn học.
Xem thêm: mth.71760228040210202-iaogn-auc-gnouht-hnit-gnab-coh-iad-oav/nv.ertiout