Bitcoin, đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất đã tăng lên kỷ lục 19,918 USD/coin trong phiên giao dịch ngày 1/12. Nó đã chính thức phá đỉnh lịch sử, được xác lập vài năm trước và có cú trở lại ngoại mục từ đáy khi giá trị của nó chỉ đâu đó gần 4.000 USD. Cú tăng lần này xuất hiện khi những người đầu tư tiền số coi Bitcoin là một tài sản an toàn, một phương thức thanh toán chống lại lạm phát và đang được chấp nhận phổ biến.
Tuy nhiên, cú bùng nổ lần này cũng thể hiện nhiều thay đổi trên thị trường, vốn trước đây bị chi phối bởi các nhà đầu tư ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kể từ khi được Satoshi Nakamoto, một nhân vật bí ẩn tạo ra hơn 1 thập kỷ trước, Bitcoin vẫn là khoản đầu tư được ưa chuộng tại khu vực này cho tới cú sập năm 2017.
Lần này, các nhà đầu tư ở Bắc Mỹ lại là những người thắng lớn. Dòng tiền ròng hàng tuần của Bitcoin lần này chủ yếu tới từ Bắc Mỹ. Về số lượng, họ nắm giữ 216.000 Bitcoin trị giá 3,4 tỷ USD vào giữa tháng 11, tăng 7.000 lần so với hồi đầu năm. Trong khi đó, các sàn giao dịch tiền số ở Đông Á lại mất hút.
Cụ thể, tháng Giêng, các nhà đầu tư ở Mỹ chỉ nắm giữ 1.460 bitcoin. Đến giữa tháng 11, con số này là 240.000 Bitcoin. Rõ ràng, sự thèm muốn với đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất tăng mạnh ở Bắc Mỹ, điều góp phần đáng kể vào thay đổi trong giao dịch của Bitcoin.
Ở thời điểm hiện tại, Đông Á, Bắc Mỹ và Tây Âu là những trung tâm lớn nhất của Bitcoin. Việc nhiều ngân hàng trung ương ra mắt tiền số của riêng họ trong khi nhiều tổ chức lớn cũng chính thức chấp nhận giao dịch Bitcoin đã khiến sự chính danh của đồng tiền này mạnh mẽ hơn. Khác với 3 năm trước, người ta đang ngày càng có cơ sở để tin vào Bitcoin.
Dẫu vậy, các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo vẫn còn quá sớm để nói về sự thay đổi cơ bản trên thị trường, đặc biệt là trong một năm mà lĩnh vực tài chính hỗn loạn chưa từng có bởi những tác động mà đại dịch Covid-19 gây ra.
James Quinn của Q9 Capital, một nhà quản lý tiền số ở Hồng Kông, Trung Quốc, cho rằng: "Dòng chảy tiền số đang ngày càng gia tăng ở Bắc Mỹ trong năm nay không có nghĩa là trọng tâm đang nghiên về phía Mỹ". Trong khi đó, thiếu dữ liệu toàn diện về giao dịch tiền số cũng khiến những đánh giá trở nên ít có cơ sở hơn.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận khối lượng giao dịch tiền số tại các sàn lớn của Mỹ tăng mạnh mẽ và làm lu mờ hoạt động tương tự ở Đông Á trong năm nay. Điều này không phải chưa từng xảy ra trong quá khứ nhưng chưa bao giờ mà biên độ của nó lại lớn như lúc này.
Khối lượng giao dịch tiền số ở 4 nền tảng lớn tại Bắc Mỹ đã tăng gấp đôi trong năm nay, đạt 1,6 triệu Bitcoin mỗi tuần vào cuối tháng 11. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở 14 sàn giao dịch lớn tại Đông Á chỉ là 16%, tăng lên 1,4 triệu Bitcoin được giao dịch mỗi tuần.
Để thấy rõ sự khác biệt, chúng ta có thể so sánh với quá khứ, cụ thể là một năm trước. Khi đó, các sàn giao dịch ở Đông Á luôn dẫn đầu với 1,3 triệu lượt giao dịch mỗi tuần trong khi ở Bắc Mỹ chỉ là 766.000 lượt.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cho biết những người ở Mỹ, vốn từng thận trọng vì những rủi ro từ sự không rõ ràng của thị trường tiền số, đang bị thu hút tới loại tài sản này bởi sự giám sát chặt chẽ mà nhà chức trách dành cho ngành công nghiệp này ở Mỹ.
Thực tế, giao dịch tiền số ở Mỹ nói chung được quản lý chặt chẽ hơn so với nhiều sàn ở Đông Á và các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật của Mỹ cũng đã có những động thái nhằm làm rõ cách thức giám sát các giao dịch Bitcoin.
Ví dụ, hồi tháng 7, một ngân hàng hàng đầu cho rằng các ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ lưu ký tiền số. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã vạch ra khuôn khổ thực thi các biện pháp quản lý tiền số hồi tháng 10.
"Bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt trên thị trường giữa việc không có quy định hoặc quy định lỏng lẻo đối với quy định rõ ràng", Curtis Ting của sàn giao dịch Kraken ở Mỹ cho biết.
Ngoài ra, một yếu tố khác đằng sau cú nổ năm 2020 của Bitcoin chính là sự suy giảm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đã tạo ra con sóng năm 2017, đẩy nó lên mức kỷ lục. Tại Hàn Quốc, các quy định nghiêm ngặt khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ không được khuyến khích. Các sàn giao dịch tiền số ở Trung Quốc có thể đã bị trấn áp, đẩy nhu cầu đi xuống.
Ví dụ, hồi tháng 10, OKEx có trụ sở chính tại Malta đã bị đình chỉ hoạt động rút tiền tại Trung Quốc trong gần 6 tuần vì một giám đốc điều hành của nó đang phải trình diện cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc để điều tra. Tình hình này được cải thiện vào ngày 26/11 khi giám đốc tài chính của OKEx khẳng định rằng họ đã cho phép các nhà đầu rút tiền và chuẩn bị tiền để có thể rít thoải mái.
Thực tế, châu Á vẫn là trung tâm giao dịch lớn của tiền số. Tuy nhiên, rõ ràng ảnh hưởng của cú tăng lần này tới từ Bắc Mỹ, nơi có rất nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền.
Xem thêm: nhc.3792720140210202-us-hcil-hnid-auq-touv-nioctib-aig-yad-od-nit-gnuhn-gnud-nahc/nv.fefac