Một thanh niên sống tạm bợ trong bãi rác thuộc thị trấn Agbogbloshie - Ảnh: GETTY IMAGES
Bán sức khỏe lấy 60.000 đồng
Mỗi ngày, Ibrahim (18 tuổi) thức dậy lúc 6h sáng, lang thang qua những bãi rác bên khu ổ chuột Old Fadama thuộc thị trấn Agbogbloshie (nằm gần thủ đô Accra của Ghana) tìm các dây điện bỏ đi. Đốt cháy lớp vỏ nhựa bên ngoài, Ibrahim lấy lõi dây đồng bên trong đem bán.
Không riêng Ibrahim, nhiều thanh niên ở Agbogbloshie hằng ngày miệt mài tìm lõi dây đồng từ rác thải điện tử.
Tại Agbogbloshie, những chiếc điện thoại, máy tính và thiết bị gia dụng đã qua sử dụng có thể thấy ở bất cứ đâu. Agbogbloshie trong gần 10 năm qua trở thành bãi rác điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đó lại là nơi "màu mỡ" cho những người nghèo đến tìm việc làm.
Đủ loại điện thoại cũ trong các bãi rác ở Agbogbloshie - Ảnh: THE WIRED
Như Ibrahim, sau khi bỏ học đã di cư về Agbogbloshie xin việc. Ibrahim được hướng dẫn tìm kim loại từ các thiết bị điện tử bỏ đi để bán lấy tiền.
Không có dụng cụ chuyên dụng hay đồ bảo hộ, Ibrahim dùng búa hoặc đá đập vỡ các màn hình điện thoại, máy tính, tivi, lấy các vật liệu còn dùng được bên trong. Với dây điện cũ, các bảng mạch kim loại, Ibrahim đem đốt cho lớp nhựa chảy đi và lấy đi lõi đồng.
Khói đen, không khí trong bãi phế liệu sặc mùi hóa chất khiến Ibrahim ho liên tục. Nhưng Ibrahim hài lòng với 2 bảng (hơn 60.000 đồng) kiếm được mỗi ngày. Đây là mức chấp nhận được với người thất nghiệp bởi mức sống trung bình ở Ghana là 4 bảng (khoảng 120.000 đồng)/ngày.
Đến trứng gà cũng nhiễm độc
Đốt các dây điện để lấy lõi đồng bên trong - Ảnh: REUTERS
Thị trấn Agbogbloshie từng là một làng chài yên bình. Nhưng khoảng 7 năm trở lại đây, Agbogbloshie trở thành bãi rác điện tử lớn nhất thế giới. Thị trấn là "điểm cuối" của dòng rác thải điện tử chưa được xử lý ở các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Đức, Pháp...
Ghana muốn nhập các loại rác thải điện tử này để tái chế. Các thùng hàng chứa thiết bị điện tử qua sử dụng từ châu Âu chủ yếu vào Ghana qua cảng Tama. Phần lớn được chuyển tiếp đến Agbogbloshie.
Xử lý rác thải ở các nước châu Phi thường rẻ hơn ở châu Âu. Theo tổ chức Recupel (Bỉ), chi phí xử lý rác thải điện tử theo đúng quy định của châu Âu mắc gấp 10 lần so việc vận chuyển sang châu Phi, trong đó có Ghana.
Mọi loại rác điện tử đều có thể được tìm thấy ở Agbogbloshie - Ảnh: GETTY IMAGES
Ghana trở thành bãi rác điện tử hàng đầu thế giới, mặc dù loại rác này của Ghana chưa đến 1/10 so với Anh. Mỗi ngày có khoảng 500 container rác điện tử nhập vào cảng biển Tama. Để qua mặt cơ quan chức năng, các thùng hàng đều gắn mác "quà tặng".
Thực chất, nhiều trong số đó chỉ được xử lý qua loa, thậm chí đem chôn. Chất độc từ đó ngấm vào đất và nước, góp phần "đầu độc" người dân.
Chưa đầy 10 năm làm việc, nhiều công nhân đã gặp phải nhiều triệu chứng sức khỏe khác nhau như suy giảm chức năng phổi, da, dạ dày và gan. Nhiều phụ nữ mang thai ở Agbogbloshie đã sinh non. Không ít lao động nhập cư buộc trở về làng quê của họ ở phía bắc do suy kiệt sức khỏe.
Khu chợ địa phương ở Agbogbloshie - Ảnh: GETTY IMAGES
Chất độc không chỉ ngấm vào đất, nước, có trong không khí, mà còn hiện diện trong thực phẩm. Mạng lưới Hành động Basel (BAN) cho thấy nhiều trứng gà quanh Agbogbloshie nhiễm độc ở mức báo động. Ăn một quả trứng gà ở đây có thể tiêu thụ lượng dioxin gấp 220 lần so với khuyến cáo của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu.
Theo Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ người mắc ung thư và chết sớm khi chưa qua 30 tuổi ở Ghana không ngừng tăng. Nguyên do được cho là nhiễm các hóa chất độc hại như chì, thủy ngân, arsenic, cadmium... rò rỉ từ rác thải điện tử.
Mới đây, cảnh sát ở Accra bắt giữ 8 người đốt chất thải điện tử, nhưng tình hình không được cải thiện. Ibrahim nói rằng anh nhận thức được hiểm nguy nhưng không có lựa chọn khác. "Nếu tôi kiếm được một công việc tốt hơn tôi sẽ rời khỏi nơi này, nhưng giờ đó là tất cả những gì tôi đang có", Ibrahim nói.
Ở Agbogbloshie, đâu đâu cũng thấy rác thải điện tử - Ảnh: REUTERS
Theo Liên Hiệp Quốc, lượng rác thải điện tử có thể sẽ tăng 500% trong thập kỷ tới ở những quốc gia đang phát triển. Ở châu Âu, chỉ khoảng 35% số rác thải điện tử được tái chế hoặc xử lý đúng quy định. Số còn lại đều được đưa bất hợp pháp đến châu Phi hoặc châu Á.
Bộ Thương mại Thái Lan vừa công bố lệnh cấm nhập khẩu 428 loại rác thải điện tử để bảo vệ môi trường.
Xem thêm: mth.23931231120210202-ioig-eht-tahn-nol-ut-neid-iaht-car-iab-iat-gnaoh-hnik-meihn-o/nv.ertiout