Tiếp nhận hệ thống truyền tải điện của tư nhân: Không dễ
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Một vài nhà đầu tư tư nhân vào các dự án điện đã hoàn thiện các dự án đấu nối (trạm biến áp, đường dây) vào hệ thống truyền tài điện quốc gia. Một số chủ đầu tư ngỏ ý bàn giao lại cho Nhà Nước với giá 0 đồng dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng cho dự án. Nhưng sự thật không phải là dễ.
Trạm biến áp của Trung Nam Group, dự án truyền tải đầu tiên do tư nhân xây dựng Ảnh: Trung Nam |
Cách đây 3 tháng, CTCP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã tổ chức khánh thành dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220kV, 500kV để có thể vận hành đồng bộ dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á với 450 MW.
Tổng đầu tư của toàn bộ dự án, bao gồm các dự án điện và đường dây truyền tải lên đến 12000 tỉ đồng. Việc thi công gấp rút các dự án điện và hạ tầng truyền tải để chạy đua với thời gian, giúp doanh nghiệp được hưởng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam với giá 2.086 đồng/kWh (khoảng 9,35 cent Mỹ) cho hợp đồng kéo dài 20 năm với mức giá này. Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao hệ thống truyền tài trị giá hàng ngàn tỉ đồng cho nhà nước vận hành với mức giá 0 đồng.
Dự thảo Quy hoạch điện lực theo Tổng sơ đồ VIII cho biết: vốn đầu tư giai đoạn 20221-2030 cho ngành điện cầ 133,3 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, nguồn điện cần 96 tỉ đô và lưới điện cần 37,3 tỉ đô. |
Trước nhu cầu thu xếp vốn cho các dự án truyền tải điện quá lớn mà Nhà nước không thể độc quyền gánh hết được, lẽ ra đây phải là tin mừng. Vì chỉ tính riêng việc đầu tư 450 dự án truyền tải trong 10 năm qua đã ngốn hơn 95 ngàn tỉ đồng của Tập đoàn điện lực, chứ kể việc đầu tư hệ thống lưới truyền tài 500-220kV giai đoạn 10 năm tới (2021-2030) sẽ ngốn khối lượng vốn cao gấp 2 lần năng lực hiện có của ngành điện.
Luật đối tác công- tư (PPP) sắp tới sẽ có nghị định hướng dẫn theo hướng các nhà đầu tư tư nhân được phép đầu tư hệ thống lưới truyền tải, theo hướng “lưới điện đầu nối các nhà máy điện với hệ thống điện quốc gia”. Nghĩa là nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào dự án nguồn có thể kết hợp đầu tư lưới điện. Tuy nhiên, việc nhận bàn giao các dự án nguồn hiện có là khó cho Tổng công ty truyền tài điện Việt Nam (EVNNPT).
Tại cuộc Hội thảo về những vấn đề đấu nối các dự án nguồn điện hôm 3/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tân, thành viên Hội đồng thành viên EVNPT cho biết việc nhận bàn giao tài sản với giá 0 đồng cũng không dễ vì theo luật hiện hành giá trị tài sản phải đánh giá lại. Các chi phí đầu tư để tính thuế thu nhập bất thường, chi phí quản lý vận hành...chưa có hướng dẫn. Kể cả quy định về việc doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận tài sản tư nhân thành tài sản công cũng chưa có.
Muốn tiếp nhận tài sản, bên tiếp nhận khó có điều kiện để đánh giá chi phí, chất lượng, nguy cơ sự cố...Chưa nói đến giá thành truyền tải cho 1kWh điện được công bố hàng năm hiện nay là 84,9 đồng/kWh thì có tới 65-67% chi phí khấu hao, phần còn lại là chi phí vận hành. Như vậy, nhà đầu tư tư nhân khi bàn giao cho nhà nước sẽ “bàn giao” luôn cả chi phí vận hành mà dự án nguồn điện của doanh nghiệp vẫn chạy, vẫn đảm bảo bán điện cho Nhà nước 20 năm với giá tốt. Với việc tăng chi phí vận hành, EVNPT không thể tiếp nhận được dự án đấu nối.
Xem thêm: lmth.ed-gnohk-nahn-ut-auc-neid-iat-neyurt-gnoht-eh-nahn-peit/883113/nv.semitnogiaseht.www