- Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II
- Ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội dân tộc thiểu số lần thứ II
- Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II tiến hành phiên trù bị
- Đoàn đại biểu Đại hội dân tộc thiểu số lần thứ II vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào khởi sắc hơn
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Thủ tướng nhận định, đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, như “54 cánh sen tạo nên một Bông Sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.
Theo Thủ tướng, nhìn lại chặng đường 10 năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, thành thành thị đến nông thôn, từ đất liền ra hải đảo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo đại hội. |
Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á, có GDP tăng trung bình 63% trong 10 năm qua. Ngay cả khi thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, thậm chí có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương trong khu vực Đông Nam Á theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Thủ tướng khẳng định, sự thay đổi da thịt ở nhiều nơi có thể nhận thấy hàng ngày như Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Trà Vinh... Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện việc hỗ trợ giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên bố trí, thực hiện cho địa bàn dân tộc miền núi. Với những quyết tâm và nguồn lực đầu tư như vậy, chúng ta vui mừng nhận thấy, đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 85% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống...
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự đại hội. |
Truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào được quan tâm bảo tồn và phát huy thành một tài sản tinh thần cho con cháu, một tài nguyên mới cho việc phát triển các lĩnh vực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được giữ vững; công tác xây dựng đảng đạt được nhiều kết quả tích cực, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong vùng đồng bào dân tộc được tăng cường đoàn kết, thống nhất, vững mạnh hơn.
"Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh các dân tộc Việt Nam
Thủ tướng đánh giá, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đã góp phần rất to lớn vào các thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây không phải là thành quả của riêng rẽ của từng dân tộc mà là sự kết tụ, giao hòa của tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, máu thịt của các dân tộc anh em, đồng bào, đồng chí, đồng nghĩa, đồng cảm; tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
"Đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh các dân tộc Việt Nam. Khi chia rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là là một đại dương. Khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên, 54 dân tộc anh em "con Lạc, cháu Hồng" chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh", Thủ tướng khẳng định.
Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp công sức, trí lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định, cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trách nhiệm tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65 ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các đại biểu tham luận tại đại hội. |
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch phê duyệt chủ trương đầu tư mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chính quyền các địa phương cần phát huy tính năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tập trung nỗ lực và nguồn lực để sớm cụ thể hóa tinh thần Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng. Trong đó, tinh thần lớn nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, tránh tái nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Cờ truyền thống của Ủy ban Dân tộc |
Thủ tướng mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian, tiền của, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn.
"Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước của chúng ta phát triển giàu mạnh được. Tương lai, ngày mai tươi sáng phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị ngày hôm nay. Chúng ta phải cùng vun đắp khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng Huân chương Lao động hạng Nhất tặng lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. |
Thủ tướng đề nghị, hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, vì sự phát triển hùng cường của đất nước.
Đã đến lúc đồng bào giữ rừng như tính mạng của mình
Thủ tướng lưu ý, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số giữ rừng, giữ đất như giữ tính mạng của mình, cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
"Phải cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Bởi vì, đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân" - Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ Đại hội hôm nay sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng, chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc vì có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.