Theo tờ South China Morning Post ngày 3-12, cuộc khẩu chiến giữa Úc và Trung Quốc mấy ngày nay về bức ảnh “chế” liên quan đến lính Úc dường như đã hạ nhiệt khi Thủ tướng Úc Scott Morrison có giọng điệu mềm mỏng hơn.
Sự thay đổi của ông Morrison diễn ra ngay cả sau khi bài đăng của ông bị ứng dụng WeChat (Trung Quốc) xóa với lý do những dòng thể hiện trạng thái của ông có thể bóp méo sự kiện lịch sử và gây hoang mang cho dư luận.
Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: DPA
Vào ngày 30-11, Thủ tướng Úc đã bày tỏ sự phẫn nộ trước bức hình bị cho là giả mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng trên trang cá nhân Twitter vào cùng ngày.
Bức hình mà ông Triệu đăng cho thấy một binh lính Úc đang cười và kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan, kèm theo dòng chữ “Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình cho bạn”. Bài đăng của ông Triệu ám chỉ các vụ giết người và lạm dụng chức vụ bất hợp pháp của binh lính Úc trong cuộc xung đột ở Afghanistan.
Ông Morrison đã đề nghị Twitter gỡ bỏ hình ảnh bị gắn nhãn “chứa yếu tố nhạy cảm” này và yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải xin lỗi vì động thái của ông Triệu. Thế nhưng, phía Trung Quốc từ chối xin lỗi Úc theo yêu cầu của ông Morrison, và cho rằng phía Úc mới là bên đáng khiển trách.
Bức ảnh "nhạy cảm" mà ông Triệu đăng trên Twitter vào ngày 30-11. Ảnh: TWITTER
Tuy nhiên, sau gần một tuần khẩu chiến, vào ngày 3-12, ông Morrison đã có một giọng điệu mềm mỏng hơn và thể hiện mong muốn “hòa giải” với Bắc Kinh. Ông nói với các phóng viên ở thủ đô Canberra rằng mục đích của ông là cả hai quốc gia “cùng chung sống hòa thuận”.
“Chúng tôi mong muốn có mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc mà hai bên cùng có lợi. Nó tốt cho cả hai bên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc” – ông Morrison bày tỏ quan điểm của mình trên Twitter và WeChat.
Thủ tướng New Zealand, bà Jacina Adern. Ảnh: XINHUA
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã đổi mục tiêu nhằm vào New Zealand và Thủ tướng Jacina Ardern vì đã ủng hộ lập Úc về vụ bức hình. Tờ này cho rằng bà Adern đã bị ép buộc phải lên tiếng ủng hộ Úc về dòng tweet gây tranh trong những ngày qua.
Ngày 1-12, bà Adern cho biết Wellington ủng hộ quan điểm của Canberra. Đồng thời, bà bày tỏ mối quan ngại trước các nhà chức trách Trung Quốc trong việc thao túng thông tin và hình ảnh trên một tài khoản Twitter chính thức.
Ngay sau đó, tờ Thời báo Hoàn cầu đã đáp trả lại khi tuyên bố “Canberra và Wellington đang cố gắng dời sự chú ý của mọi người ra khỏi sự tàn bạo mà quân đội Úc đã làm đối với người dân Afghanistan”.
Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc leo thang khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, Bắc Kinh đã áp đặt thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Canberra. New Zealand hiện vân chưa đối mặt với những khó khăn thương mại với Trung Quốc