Ngày 4-12, HĐND tỉnh An Giang tiếp tục kỳ họp thứ 18 với phiên chất vấn.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Lâm Phước Nghĩa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh cho biết hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 14 trường hợp trúng đấu giá nhưng chưa nhận được tài sản.
Trong đó, một vụ đã có kế hoạch THA cưỡng chế, năm vụ đang chờ kế hoạch phối hợp từ phía công an và tám vụ phải thỏa thuận vận động người phải thi hành án giao tài sản tự nguyện thi hành và xin ý kiến ban chỉ đạo thi hành án giải quyết khiếu nại liên quan.
Ông Nghĩa cho biết việc này có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan THA mà cụ thể là chấp hành viên sau khi đã bán đấu giá chấp hành viên không giao tài sản cho người trúng đấu giá.
“Chấp hành viên vi phạm thì bị xử lý theo quy định, thời gian cũng đã có nhiều chấp hành viên bị xử lý. Về phía cơ quan THA, chúng tôi cũng xin nhận mình có vi phạm về thời gian giao tài sản” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Ông Lâm Phước Nghĩa, Cục Trưởng Cục THADS tỉnh An Giang trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: HD
Còn nguyên nhân khách quan là do người bị THA chây ì, tìm mọi cách kéo dài thời gian bàn giao tài sản. “Họ lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để kéo dài thời gian bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, mặc dù khiếu nại không có cơ sở. Khi nhận được khiếu nại thì cơ quan THA phải tập trung giải quyết khi nào xong thì mới giao tài sản được” - ông Nghĩa thông tin.
Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ THA cưỡng chế giao tài sản phải kế tới là do sự phối hợp giữa các cơ quan chưa kịp thời. Cụ thể, một số địa phương còn ngại trong huy động lực lượng cưỡng chế, còn nặng về vấn đề an sinh xã hội đối với người phải THA.
“Khi cưỡng chế giao tài sản như dỡ nhà trả đất hoặc di dời tài sản trên đất thì có một số ít địa phương nặng nề về mặt xã hội có ý nghĩ nếu di dời thì người dân phải đi đâu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, đối với người phải giao trả nhà, đất thì họ được thuê ở trong 12 tháng và người được THA phải hỗ trợ phần thuê này" - ông Nghĩa nói.
Một số địa phương còn chậm việc xây dựng lực lượng bảo vệ THA cưỡng chế; một số huyện còn phụ thuộc, trông chờ vào kết quả phê duyệt kế hoạch cưỡng chế của Ban Giám đốc Công an tỉnh dẫn đến nhiều việc tiến độ phối hợp cưỡng chế giao tài sản còn rất chậm.
“Khi công an cấp huyện phối hợp thực hiện THADS cưỡng chế vụ việc nào đó phải báo cáo cơ quan cấp tỉnh để phê duyệt phương án cưỡng chế. Đây là một trong những quy định của Bộ Công an. Một số vụ việc lực lượng cấp huyện không đủ để thực hiện bảo vệ THA cưỡng chế do đó phải báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, tăng cường lực lượng hỗ trợ để đảm bảo an ninh chính trị, an toàn tính mạng…” - Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang giải thích.
Để nâng cao công tác phối hợp THA cưỡng chế trong thời gian tới, Cục THADS đề nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng Cảnh sát THA hình sự và hỗ trợ tư pháp và công an cấp huyện thực hiện tốt công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS.
Đồng thời, Cục THADS báo cáo trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh thống nhất ký kết quy chế phối hợp trong cưỡng chế THADS giữa Cục và VKSND và Công an tỉnh. Cạnh đó, Cục sẽ chủ động phối hợp, đôn đốc các ngành liên quan hỗ trợ trong công tác THA.