Mỹ gia tăng sức ép lên các doanh nghiệp Trung Quốc
Ngày 2/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về kiểm toán các công ty nước ngoài. Theo đó, nếu một công ty nước ngoài không tuân thủ kiểm toán của Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) trong 3 năm liên tiếp, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) có quyền cấm giao dịch cổ phiếu của công ty này trên hệ thống sàn chứng khoán của Mỹ. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu các công ty đã niêm yết công khai việc công ty có thuộc sở hữu hay kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.
Trước đó, dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 và hiện chỉ còn cần Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật. Đây được coi là cơ hội để chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây sức ép lên các doanh nghiệp Trung Quốc trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021.
Dự luật mới của Mỹ được cho là nhắm vào các công ty Trung Quốc tại Phố Wall (Nguồn: Reuters)
Theo hãng tin Reuters, mặc dù không chỉ đích danh những công ty thuộc quốc gia nào, dự luật trên được cho là nhằm vào các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ như Alibaba, Pinduoduo hay tập đoàn dầu khí PetroChina... Các doanh nghiệp này sẽ có 3 năm để tuân thủ các quy định hoặc chấp nhận bị loại khỏi thị trường.
Theo giới phân tích, sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ cho thấy sự đồng thuận của cả hai đảng trong việc loại bỏ những công ty Trung Quốc muốn tận dụng nguồn vốn cũng như danh tiếng của thị trường Mỹ nhưng không tuân thủ các quy định. Phát biểu tại buổi họp báo sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện, Thượng nghị sĩ Kennedy – một trong những người bảo trợ dự luật - cho rằng: "Trung Quốc đang sử dụng thị trường chứng khoán Mỹ để bóc lột người Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Hạ viện đã tham gia cùng Thượng viện loại bỏ hiện trạng độc hại này".
Phía Trung Quốc ngay lập tức đã đưa ra những phản ứng dữ dội sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi đây là chính sách phân biệt đối xử về mặt chính trị với các công ty Trung Quốc. Bà Hoa Xuân Oánh nói: "Thay vì thiết lập rào cản, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ".
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Trung Quốc từ lâu đã miễn cưỡng để các cơ quan quản lý nước ngoài thanh tra các công ty kế toán trong nước, với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Hồi đầu năm nay, các quan chức tại cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc tiết lộ họ sẵn sàng cho phép kiểm tra tài liệu kiểm toán trong những trường hợp nhất định, nhưng các thỏa thuận trước đây nhằm giải quyết tranh chấp thực tế đều không đạt được kết quả như mong muốn.
Lý do các công ty Trung Quốc khiến giới chức Mỹ lo ngại
Động thái của giới chức Mỹ diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Phố Wall đang ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết. Tờ Wall Street Journal dẫn các số liệu từ S&P Global Market Intelligence cho thấy tổng giá trị vốn hóa của hơn 200 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã tăng 53% trong năm nay, đạt mức 2,2 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại không cho phép các công ty kiểm toán nước ngoài - bao gồm cả nhóm 4 tên tuổi lớn như PricewaterhouseCoopers, Deloitte, Ernst & Young và KPMG - kiểm tra doanh nghiệp Trung Quốc vì lý do "an ninh quốc gia".
Hồi năm 2013, PCAOB đã đồng ý cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ mà không cần đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch tài chính như doanh nghiệp Mỹ. Quyết định này đã mở đường cho các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba và JD.com phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Phố Wall. Kể từ đó đến nay, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 60 tỷ USD tiền đầu tư thông qua hơn 140 đợt IPO.
Theo PCAOB, điều này đang khiến các nhà đầu tư Mỹ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi mua cổ phiếu công ty Trung Quốc bởi các hành vi gian lận tài chính.
Hôm 30/11, Hindenburg Research công bố báo cáo cho thấy công ty xe điện Kandi Technologies đã thổi phồng số liệu doanh thu để huy động 160 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ. Cũng trong tháng này, Muddy Water Research cũng tố cáo Joyy, một công ty truyền thông xã hội Trung Quốc, khai khống doanh thu của mảng phát video trực tuyến YY Live tới 90%.
Hồi tháng 4, chuỗi cà phê Luckin Coffee - được mệnh danh là "Starbucks Trung Quốc" - cũng thừa nhận CEO của hãng đã khai khống doanh thu năm 2019 đến 2,2 tỷ NDT (310 triệu USD). Ngay sau đó, cổ phiếu Luckin Coffee lao dốc không phanh trước khi bị hủy niêm yết trên Sàn chứng khoán Nasdaq hôm 29/6.
Những vụ bê bối tài chính như của Luckin Coffee khiến giới chức Mỹ quyết tâm hơn trong việc kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Phố Wall (Nguồn: Reuters)
Giới quan sát nhận định các vụ bê bối này càng khiến giới chức Mỹ quyết tâm hơn trong việc kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Phố Wall. Theo bà Henrietta Treyz, giám đốc phụ trách chính sách kinh tế tại Veda Partners, dự luật mới "được xem là một phản ứng chính sách hợp lý và là điều mà PCAOB theo đuổi nhiều năm nay với những cơ sở rõ ràng".
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach cũng khẳng định: "Đây là vấn đề an ninh quốc gia bởi chúng tôi không thể tiếp tục để các nhà đầu tư Mỹ chịu rủi ro, đặt các công ty Mỹ trước tình trạng cạnh tranh bất lợi còn các tiêu chuẩn vàng của thị trường tài chính bị xói mòn".
Gia tăng làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc "hồi hương"
Sức ép từ giới chức Mỹ được cho là sẽ càng thúc đẩy hơn nữa làn sóng hồi hương của các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây sau khi căng thẳng Mỹ - Trung liên tục leo thang. Hàng loạt công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ đã chủ động thực hiện niêm yết lần hai ở các sàn giao dịch trong nước như Hong Kong. Những cái tên đáng chú ý có thể kể đến các gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử như Alibaba, JD.com, nhà sản xuất trò chơi điện tử NetEase và nhà điều hành chuỗi nhà hàng KFC Trung Quốc Yum China.
Nhiều công ty Trung Quốc như Alibaba đã "hồi hương" trước sức ép từ giới chức Mỹ (Nguồn: Reuters)
Ông John Lee, phó chủ tịch UBS Global Banking, cho biết: "Các công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch niêm yết lần hai tại Hong Kong nhằm hạn chế tác động tiêu cực trước bất kỳ rủi ro pháp lý nào phát sinh từ các quy định mới".
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều công ty có quy mô nhỏ hơn của Trung Quốc cũng đang cân nhắc động thái tương tự. Bà Ivy Wong, chủ tịch phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của công ty luật Baker McKenzie, chia sẻ: "Chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục trong bối cảnh các quy định chưa có gì là chắc chắn".
So với các trung tâm tài chính khác của Trung Quốc tại Thượng Hải hay Thâm Quyến, Hong Kong được đánh giá là có nhiều ưu thế trong cuộc chạy đua nhằm thu hút các doanh nghiệp đến niêm yết. Theo Wall Street Journal, nhiều quỹ quản lý tài sản của Mỹ và thế giới hiện đã sẵn sàng giao dịch cổ phiếu tại Hong Kong, khiến thành phố này có thể đóng vai trò then chốt đối với hoạt động gọi vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm tới. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đầu tư của Mỹ và các công ty chứng khoán đã hưởng lợi lớn nhờ việc giúp các công ty Trung Quốc bán cổ phiếu và các loại chứng khoán khác tại Hong Kong.
Khả năng gọi vốn của doanh nghiệp Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều
Theo trang Investor, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ, nhà đầu tư Mỹ vẫn sẽ có thể mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua các quỹ tương hỗ và quỹ ETF. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận các cổ phiếu Trung Quốc tốt nhất, đặc biệt là trong nhóm ngành thương mại điện tử và tiêu dùng vốn đang bùng nổ mạnh mẽ, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ở chiều ngược lại, việc gọi vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, ngay cả khi viễn cảnh đó xảy ra, không có vẻ gì là khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Edmond Huang, người đứng đầu mảng chiến lược đầu tư chứng khoán Trung Quốc tại Credit Suisse, cho biết: "Tôi không nghĩ đây là vấn đề quá lớn đối với thị trường Hong Kong hay Trung Quốc đại lục. Tất nhiên, so với thị trường Mỹ, thanh khoản của thị trường Hong Kong không phải là quá lớn nhưng mọi thứ đã được cải thiện đáng kể so với năm 2019. Cánh cửa sẽ càng mở rộng hơn đối với các doanh nghiệp vào năm 2021".
Các số liệu của sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong cho thấy khối lượng giao dịch trung bình tại đây trong năm nay đã tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Một cuộc cải cách mang tính bước ngoặt hồi năm 2018 về quyền được biểu quyết (WVR) đã thiết lập nền tảng quan trọng để thu hút làn sóng hồi hương của các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ. Những cải cách mạnh mẽ hơn nữa sẽ tiếp tục được tiến hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp, theo như tuyên bố hồi tháng Tám của ông Charles Li Xiaojia - giám đốc điều hành của sàn giao dịch Hong Kong.
Sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) hưởng lợi lớn từ làn sóng "hồi hương" của các doanh nghiệp (Nguồn: Reuters)
Theo Wall Street Journal, hầu hết các nhà đầu tư lớn tại Phố Wall đều có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) và có thể dễ dàng mua bất kỳ cổ phiếu thứ cấp nào của các công ty bị hủy niêm yết tại Mỹ.
Các số liệu thống kê cho thấy giá trị của những cổ phiếu hạng A do người nước ngoài nắm giữ tại thị trường này đã liên tiếp phá kỷ lục nhiều lần trong năm nay. Tính đến cuối tháng 11, con số này đạt khoảng 354 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là con số này vẫn chỉ chiếm chưa tới 4% tổng giá trị thị trường và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Do vậy, có thể khẳng định rằng các nhà đầu tư Mỹ vẫn sẽ có nhiều con đường để mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc, đảm bảo cơ hội đầu tư cũng như khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp nước này.
Những lợi ích của dự luật mới trong dài hạn
Dẫu vậy, dự luật mới vẫn được coi là một bước đi tích cực của giới chức Mỹ, có thể mang lại những tác động tốt cho cả các nhà đầu tư Mỹ lẫn các doanh nghiệp Trung Quốc trong dài hạn, đặc biệt là nâng cao tính minh bạch của thị trường tài chính.
Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Louis Lau - giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners ở San Diego - cho biết việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mới không khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên. Ông nhận định, nếu được ban hành, quy định mới sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư bằng cách cải thiện các tiêu chuẩn kiểm toán và minh bạch thông tin của các công ty Trung Quốc.
Ông Louis Lau nhận định: "Về tiềm năng trong dài hạn, đây có thể là một điều tích cực đối với các công ty chọn niêm yết tại Mỹ".
Còn theo ông Jason Elder – chuyên gia về doanh nghiệp và chứng khoán tại công ty luật Mayer Brown, mối liên kết giữa các nhà đầu tư Mỹ và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không bị tách rời, nếu hai nước đạt được một thỏa thuận trước thời hạn 3 năm và các công ty tuân thủ quy định mới. Hiện SEC đang xây dựng một đề xuất có thể cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu về kiểm toán mà không vi phạm các quy định của chính phủ Trung Quốc về hạn chế chia sẻ thông tin. Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc hiện cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán với các đối tác Mỹ càng sớm càng tốt về các kế hoạch cụ thể.
Doanh nghiệp Trung Quốc và nhà đầu tư Mỹ vẫn cần có nhau? (Nguồn: CNBC)
Đây cũng sẽ là điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc rất mong đợi, bởi theo ông Bruce Pang – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại Hong Kong của công ty chứng khoán China Renaissance Securities, ngay cả khi Hong Kong trở thành một địa điểm tốt để niêm yết cổ phiếu, nhiều công ty Trung Quốc vẫn sẽ theo đuổi việc niêm yết tại New York vì những lợi thế độc nhất của thị trường này.
Các lợi thế này bao gồm tính thanh khoản dồi dào, cơ sở nhà đầu tư đa dạng và sự dễ chấp nhận của giới đầu tư đối với các mô hình kinh doanh mới của các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc. Do đó, ông Bruce Pang nhận định trong một báo cáo công bố hôm 3/12: "Niêm yết tại Mỹ vẫn sẽ hấp dẫn đối với các công ty trong một số lĩnh vực nhất định".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!