Trong nhiều thập kỷ, các thành viên nhà Kwek của Singapore luôn giữ không khí hòa thuận để xây dựng Hong Leong Group thành một trong những tập đoàn có ảnh hưởng nhất thế giới.
Nhưng một khoảnh khắc bất hòa hiếm hoi đang làm dấy lên lo ngại rằng gia tộc này sẽ trở nên mất tập trung, đúng vào thời điểm quan trọng với kế hoạch mở rộng "đế chế" kinh doanh.
Sự đoàn kết của gia đình đột ngột tan vỡ vào tháng 10, khi Kwek Leng Peck, một thành viên thế hệ thứ hai, rời khỏi hội đồng quản trị công ty bất động sản City Developments Ltd (CDL) thuộc Hong Leong Group. Lý do là ông bất đồng về khoản đầu tư vào một công ty bất động sản Trung Quốc và việc quản lý một tập đoàn khách sạn có trụ sở tại Anh.
Động thái này đã khiến một trong những thành viên cao cấp nhất của gia đình chống lại họ hàng, bao gồm cả cháu trai Sherman Kwek và anh họ Kwek Leng Beng, hai nhân vật lần lượt là CEO CDL và Chủ tịch của Hong Leong Group.
Yap Chee Wee, người sáng lập và giám đốc điều hành của Fleur Capital, một công ty quản lý tài sản tại châu Á nói "bị sốc" bởi gia đình Kwek, một trong những gia đình rất nổi bật ở Singapore và châu Á. Công việc kinh doanh tại Hong Leong Group được điều hành bởi thế hệ tiếp theo trong một thời gian khá dài. "Vì vậy thật đáng tiếc khi bất đồng lớn như vậy đã xảy ra", ông nói.
Phát ngôn viên của City Developments Ltd (CDL), công ty bất động sản là trung tâm của bất đồng thuộc Hong Leong Group, cho biết ngay cả trước khi từ chức, ông Kwek Leng Peck đã không tham gia vào việc quản lý hàng ngày của công ty.
Người này nói thêm rằng "CDL trường tồn và thành công bởi một đội ngũ quản lý mạnh mẽ dưới quyền chủ tịch Kwek Leng Beng, được hỗ trợ bởi một hội đồng quản trị giàu kinh nghiệm, sẵn sàng chấp nhận chuyển đổi và thực hiện các kế hoạch để mang lại giá trị bền vững cho cổ đông". CDL cũng phản bác một bài báo của Business Times nói rằng mối bất hòa có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Ông Kwek Leng Peck từ chối đưa ra bình luận về việc từ chức. Xuất phát điểm là kế toán viên, ông đã giúp chuyển đổi Hong Leong Asia từ một công ty vật liệu xây dựng trong những năm 1980 và 1990 thành một công ty sản phẩm tiêu dùng và động cơ diesel ở Trung Quốc.
Ông tham gia hội đồng quản trị CDL vào năm 1987, khoảng 15 năm sau khi Hong Leong Group mua phần lớn cổ phần của công ty. Leng Peck, 64 tuổi, hiện vẫn là CEO của đơn vị nắm cổ phần lớn nhất trong CDL và giữ quyền giám đốc tại một số công ty thuộc Hong Leong Group, bao gồm cả Hong Leong Finance, nhà cung cấp các dịch vụ ngân hàng.
49% cổ phần CDL được kiểm soát bởi gia đình Kwek, hầu hết phần còn lại do các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ. Nó được dẫn dắt bởi CEO Sherman Kwek, cháu trai của Leng Peck và là con trai của Chủ tịch Hong Leong Group Kwek Leng Beng.
Công ty đã trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn kể từ đầu những năm 1970, ngay sau khi bắt đầu thúc đẩy kinh doanh mạnh mẽ lĩnh vực bất động sản. Công ty cũng ngày càng mở rộng ở Trung Quốc khoảng một thập kỷ trước.
Vào tháng 5/2019, CDL đã đồng ý rót 1,1 tỷ đôla Singapore (821 triệu USD) vào Sincere Property Group, một nhà phát triển bất động sản nhà ở, bán lẻ, văn phòng và khách sạn ở Trung Quốc. Thương vụ này sẽ giúp CDL có 24% cổ phần, mở rộng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc từ 3 lên 20 thành phố, nâng tỷ trọng phân bổ danh mục đầu tư của họ tại quốc gia này từ 9% lên 15%.
CEO CDL Sherman Kwek, người đã quen biết chủ tịch kiêm nhà sáng lập Sincere Property Group trong 10 năm, sau đó cảm ơn ông "vì đã cho CDL một cơ hội hiếm có để mở rộng quy mô ở Trung Quốc".
Nhưng giao dịch vẫn chưa hoàn tất. Gần một năm sau, CDL đã đàm phán các điều khoản mới để có lợi ích đồng kiểm soát khoảng 51% cổ phần với giá 880 triệu đôla Singapore, với quyền chọn mua thêm 9% cổ phần với giá 160 triệu đôla Singapore.
Khi thỏa thuận mới được ký kết thông qua hội nghị trực tuyến, Sherman gọi đây là "khoản đầu tư thay đổi cuộc chơi" để phát triển tại một trong những thị trường nước ngoài quan trọng của CDL. Sherman nói thêm rằng ông "rất lạc quan" về sự hợp tác giữa hai nhà phát triển là "1 + 1 có thể lớn hơn 2". Ông cũng mô tả đây là "một trong những vụ đầu tư thách thức nhất trong sự nghiệp".
Tuy nhiên, Krishna Guha, một nhà phân tích của Jefferies Financial Group, đã đặt câu hỏi liệu CDL có đang cố gắng bù lại khoản lỗ ban đầu nhưng hóa ra lại lãng phí thêm do sự trì hoãn thực hiện thỏa thuận và giảm giá mua cổ phần sau đó.
CDL đã đầu tư 1,9 tỷ đôla Singapore (1,4 tỷ USD) vào Sincere Property, vượt qua con số 1,04 tỷ đôla Singapore dự kiến ban đầu vào tháng 4. Nhà phát triển Trung Quốc đang tìm cách bán nhà nhanh hơn để củng cố bảng cân đối tài chính sau suy thoái. Nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence cho biết CDL có thể cần phải đầu tư nhiều tiền hơn.
Điều đó có lẽ là quá nhiều đối với Kwek Leng Peck. Ông rời bỏ hội đồng quản trị với lý do "những quan điểm khác biệt chưa được giải quyết", đề cập đến tình hình tài chính đầy thách thức của Sincere Property do tác động của Covid-19 và các biện pháp hạ nhiệt bất động sản của Trung Quốc.
Ông cũng nêu sự dè dặt về cách tiếp cận của công ty đối với công ty con Millennium & Copthorne Hotels mà CDL đã nắm toàn quyền kiểm soát vào năm ngoái. Nhà điều hành của hơn 145 khách sạn toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và CEO công ty này đã từ chức vào mùa hè, sau chưa đầy 4 tháng làm việc.
Vào đầu tháng 11, CDL đã thuê Deloitte & Touche Financial Advisory Services để hỗ trợ xem xét khoản đầu tư vào Sincere Property. CDL dự kiến báo lỗ trong năm tài chính này, nhưng dù sao Deloitte kết luận Sincere Property có những bất động sản tốt có thể tăng giá.
Gia đình Kwek có gốc từ Trung Quốc. Thập niên 1920, ông Kwek Hong Png di cư đến Singapore. Sau khi làm việc tại cửa hàng phần cứng của anh rể, ông thành lập một công ty thương mại tên là Hong Leong Co. vào năm 1941, mở rộng sang khách sạn, bất động sản, dịch vụ tài chính và sản xuất, và lập chi nhánh ở Malaysia vào năm 1963.
Hiện "đế chế" kinh doanh này có 30.000 lao động và là tập đoàn khách sạn do người châu Á kiểm soát lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, sở hữu St. Regis Singapore và JW Marriott Hong Kong. Gia đình này nắm giữ khối tài sản tổng cộng 16,5 tỷ USD, theo danh sách các gia tộc giàu nhất châu Á của Bloomberg Billionaires Index năm nay, giảm 1,8 tỷ USD so với xếp hạng vào tháng 7/2019.
Mak Yuen Teen, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết có thể khó tránh khỏi sự bất hòa như trường hợp tại gia đình Kwek vì ngày càng nhiều người trong dòng họ tham gia vào một doanh nghiệp qua nhiều thế hệ. Và "các vấn đề kinh tế từ đại dịch sẽ khiến những bất đồng như vậy trở nên tồi tệ hơn," ông nói.
Thực tế, xung đột không phải là điều bất thường trong các doanh nghiệp gia đình trên toàn thế giới. Dẫn đầu bảng xếp hạng 20 gia tộc giàu nhất châu Á của Bloomberg là nhà Ambanis (Ấn Độ) với mâu thuẫn nhiều năm của hai anh em Anil và Mukesh.
Nhưng năm 2020, những bất hòa trong các gia đình tỷ phú có khả năng tăng hơn khi hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong lúc đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận.
"Ban điều hành bị phân tâm vì những lý do bên ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi thường là công thức dẫn đến hoạt động kém hiệu quả", Priyaranjan Kumar,CEO công ty chuyên quản lý tài sản gia đình Alvarium Investments, bình luận.
Phiên An (theo Bloomberg)