Trong thư tịch báo chí Việt Nam hiện nay, thông tin ghi về Phan Yên báo thực sự nhỏ giọt và còn có sự bất nhất về thời gian hiện diện của tờ báo này trong lịch sử báo chí nước nhà.
Ngay cả những người làm báo dạo xưa, khi nói đến Phan Yên báo cũng thông tin mù mịt lắm vì không nắm được lịch sử của nó, dẫn tới đời Phan Yên báo là một trong những tờ báo xuất hiện sớm nhưng lại có quãng mờ trong lịch sử báo chí nước Nam.
Tác phẩm Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay. Ảnh: ĐÌNH BA
Nhà báo Diệp Văn Kỳ, người chủ trương tờ Đông Pháp thời báo, chủ nhiệm báo Thần chung (theo lời báo Phụ nữ Tân văn, số 14, ra ngày 1-8-1929) trong tác phẩm Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay thể hiện sự quan tâm đến Phan Yên báo, nhưng cũng đành tỏ bày sự bất lực của bản thân về xuất phát điểm của báo như ông có viết dưới đây:
“Gia định thông báo [chỉ Gia Định báo] và Phan Yên báo xuất bản ở năm nào và có xin phép trước không? Tôi đã hết sức sưu tầm, vẫn cũng chưa kiếm ra tông tích chi đích xác.
Tôi chỉ nhớ mường tượng Phan Yên báo xuất bản ít lâu, thì ông Tổng thống Félix Faure tạ thế, nên chi trong một số của báo ấy, tôi đã có dịp đọc bài ái điếu thấy câu: “Dân biên vức cũng tình đồng thần tử…”.
Nhà báo Diệp Văn Kỳ. Ảnh tư liệu.
Vẫn lời Diệp Văn Kỳ cho biết Phan Yên báo trong thời gian tồn tại đã từng đăng những bài báo có tính chất chính trị. Trong số ấy, ông đề cập đến bài “Đòn cân archimède” được người viết bài ấy ký tên là Cuồng Sĩ. Và theo ông Kỳ phỏng đoán mà không dám khẳng định:
“Người ta bảo vì nó nên mới có huấn lịnh 30 Décembre 1898 hạn chế tự do ngôn luận ở xứ Nam Kỳ. Thật vậy chăng? Đó cũng là một điều khuyết nghi và thuộc về thời kỳ dĩ vãng”.
Có một điều chắc chắn, là tờ báo ấy, ông Diệp Văn Kỳ đã đọc, tức là nó thực sự hiện diện trong làng báo nước nhà. Chỉ tiếc là hình dung của nó như thế nào, đời nay ta chưa được tỏ.
Một điều cũng đáng chú ý mà cũng là điều đáng tiếc cho chính ông Kỳ, bởi vì Phan Yên báo theo như thông tin hiện nay còn ghi lại trong những sách liên quan tới báo chí như Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành), Thư tịch báo chí Việt Nam (Tô Huy Rứa chủ biên), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945… thì do ông Diệp Văn Cương, cha đẻ của ông Kỳ lập ra.
Bút danh Cuồng Sĩ trong bài “Đòn cân archimède” kia chính là bút danh của ông Cương. Lúc ấy Diệp Văn Kỳ (1895-1945) mới được 3 tuổi nên không nhớ rõ như in về Phan Yên báo cũng là phải thôi.
Căn cứ vào trí nhớ của ông Kỳ (trong Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn) có một số điểm đáng lưu ý.
Ấy là có số báo của Phan Yên báo viết bài ai điếu sau khi Tổng thống Cộng hòa Pháp Félix Faure tạ thế. Ông Félix Faure chết ngày 16-2-1899, vậy thì ít nhất Phan Yên báo đã sống đến đầu năm 1899.
Một điều chú ý nữa là lời ông Kỳ có ghi “Phan Yên báo xuất bản ít lâu, thì ông Tổng thống Félix Faure tạ thế”. Cái sự phỏng đoán “ít lâu” dựa vào trí nhớ cách đó 40 năm cho thấy có thể Phan Yên báo ra đời cuối năm 1898.
Điều này có cơ sở thêm ở việc bài “Đòn cân archimède” được cho là nguồn cơn để ra đời Huấn lệnh ngày 30-12-1898 hạn chế tự do ngôn luận ở xứ Nam Kỳ.
Huấn lệnh này ra ngày 30-12-1898 gồm 9 khoản, được làm tại Paris ngày 20-12-1898 và do chính Tổng thống Cộng hòa Pháp Félix Faure và quan Tổng trưởng Thuộc địa Guillain ký. Nếu có cơ sở từ nguyên do bài “Đòn cân archimède” thì số báo có bài này sẽ ra trước ngày 20-12-1898.
Một trang đề cập đến Phan Yên báo của Diệp Văn Kỳ. Ảnh: ĐÌNH BA.
Vậy là Phan Yên báo sẽ sống trong làng báo nước nhà dạo cuối năm 1898 rồi tắt tiếng đầu năm 1899. Mong rằng sau bài viết này sẽ có những thông tin minh định hơn về sự ra đời một tờ báo mà cho đến nay thiên hạ chỉ được nghe tiếng nhưng chưa thấy hình.