73 nhà khoa học là người Việt, người có tên gốc Việt, hoặc người ngoại quốc có địa chỉ công tác tại các đơn vị trong nước thuộc top 100.000 nhà khoa học được trích dẫn hàng đầu thế giới, xét theo thành tựu giai đoạn 1960-2019.
Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này gồm GS. John P.A. Ioannidis (Đại học Stanford) và các cộng sự. Nhóm đã sử dụng dữ liệu bài báo của cơ sở dữ liệu quốc tế Scopus từ năm 1960 - 2019 và chỉ số trích dẫn trong khoảng thời gian 1996 - 2019, để tiến hành phân tích trên gần 7 triệu nhà khoa học với 22 ngành và 176 chuyên ngành. Từ đó, họ đưa ra 2 bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, xét theo hai khía cạnh:
- Thành tựu nghiên cứu trong giai đoạn 1960-2019.
- Thành tích nghiên cứu của riêng năm 2019.
Cập nhật số lượng nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000
Bằng một số bước xác minh đơn giản, số lượng nhà khoa học Việt Nam góp mặt trong top 100.000 nhà khoa học ở cả hai nhóm xếp hạng đều tăng lên so với các thông tin trước đây. Cho đến nay, số nhà khoa học Việt Nam ở nhóm xếp hạng Top 100.000 theo thành tựu nghiên cứu giai đoạn 1960 - 2019 tăng lên thành 73.
Cụm từ "nhà khoa học Việt Nam" được đề cập ở đây có thể hiểu là bao gồm người Việt, người có gốc tích Việt ở trong nước hoặc nước ngoài và người ngoại quốc có địa chỉ làm việc tại Việt Nam.
Ở nhóm xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới xét riêng năm 2019, theo thống kê mới nhất, có đến 155 nhà khoa học là người Việt, người có gốc tích Việt ghi địa chỉ trong và ngoài nước, người nước ngoài có địa chỉ công tác tại Việt Nam; và chiếm 79% (122/155) trong số đó là người Việt hoặc có gốc gác Việt Nam.
122 nhà khoa học là người Việt hoặc gốc Việt (trong tổng số 155 nhà khoa học có liên quan Việt Nam) thuộc top 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới, xét riêng năm 2019.
Cũng tương tự nhóm xếp hạng theo thành tựu, số lượng nhà khoa học trong nhóm xếp hạng xét riêng cho năm 2019 tăng thêm chủ yếu là người có gốc tích Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài.
Thống kê cho thấy, ngoài 57 nhà khoa học (37%) ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam còn có các nhà khoa học Việt Nam ghi địa chỉ làm việc từ 17 quốc gia khác.
Tại Việt Nam, 2 trường có đóng góp nhiều là trường ĐH Tôn Đức Thắng và trường ĐH Duy Tân.
Số lượng nhà khoa học trong top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới xét riêng năm 2019 của các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam.
Cũng trong bảng xếp hạng xét riêng năm 2019, các nhà khoa học người Việt ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam được xếp hạng cao bao gồm:
- GS. Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, hạng 5.798;
- GS. Nguyễn Xuân Hùng, ĐH Công nghệ TP.HCM - HUTECH, hạng 6.996;
- PGS. Lê Hoàng Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội, hạng 9.261.
Ngoài ra, mặc dù không thuộc top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất xét riêng 2019, nhưng vẫn có nhiều nhà khoa học ghi địa chỉ làm việc Việt Nam thuộc top 2% trong chuyên ngành có thể kể tên như:
- Trường ĐH Tôn Đức Thắng: TS. Bạch Quang Vũ, PGS. Nguyễn Trường Khang, TS. Nguyễn Trung Thắng…
- Trường ĐH Duy Tân: PGS. Nguyễn Đăng Nam, TS. Anand Nayyar, TS. Rajiv Ranjan Srivastava, TS. Trần Ngọc Hân, TS. Nguyễn Hoàng…
- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: PGS. Lê Văn Hiện
Ở góc nhìn khác, phân tích sự phân bố thời gian làm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam theo quốc gia nơi họ công tác cũng phần nào giúp hình dung thời gian làm nghiên cứu trung bình của các nhà nghiên cứu. Một cách tương đối, thời gian làm nghiên cứu của một nhà khoa học có thể ước tính bằng cách lấy năm xuất bản bài báo gần nhất trừ đi năm có bài báo đầu tiên.
Phân bố thời gian làm nghiên cứu theo quốc gia của các nhà khoa học là người Việt, người gốc Việt trong và ngoài nước, và người nước ngoài có địa chỉ tại Việt Nam thuộc top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất, xét riêng trong năm 2019.
Trong top 100.000 nhà khoa học xét riêng cho năm 2019, nhà khoa họcViệt Nam có thời gian làm nghiên cứu ngắn nhất là PGS. Hoàng Anh Tuấn, ĐH Giao thông Vận tải Tp.HCM với 3 năm; và dài nhất là GS. Satchler, G. R. (ghi địa chỉ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) với số năm là 49.
Tuy nhiên, GS. Satchler đã ngừng công bố từ 2002. Ngắn hơn một chút có GS.Võ Đình Tuấn, ĐH Duke, với 48 năm. Thú vị là cho đến năm 2020, GS. Võ Đình Tuấn vẫn tiếp tục có những công bố mới.
Duy trì sức ảnh hưởng và xuất hiện những gương mặt mới
Trong những nhà khoa học được xếp hạng của Việt Nam, có nhiều nhà khoa học được xếp hạng Top 100.000 ở cả hai nhóm xếp hạng (1960-2019 và riêng 2019). Có thể hiểu là họ vừa đạt được thành tựu trong dài hạn, nhưng cũng rất xuất sắc ở hiện tại. Điều đó cho thấy những nhà khoa học này vẫn duy trì được sức ảnh hưởng của mình trong nghiên cứu cho đến nay; và gần như chắc chắn cả trong tương lai gần.
Thật vậy, có đến 75% (55/73) nhà khoa học thuộc top 100.000 theo thành tựu giai đoạn 1960 - 2019 có tên trong top 100.000 xét riêng năm 2019, cho thấy họ tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng của mình một cách liên tục.
Những gương mặt ‘mới nổi’ là người Việt, hoặc gốc Việt ghi địa chỉ làm việc tại các đơn vị trong nước có thể kể tên như:
- Trường ĐH Duy Tân: TS. Trần Nguyễn Hải, TS. Hoàng Nhật Đức, TS. Trần Ngọc Hân, TS. Phạm Thái Bình;
- Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM: PGS. Hoàng Anh Tuấn;
- Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG Tp.HCM: PGS. Phạm Văn Hùng;
- Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: GS. Võ Xuân Vinh.
Nếu tính cả người nước ngoài có địa chỉ làm việc ở Việt Nam thì số lượng nhà khoa học "mới nổi" góp mặt trong top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất xét riêng năm 2019 của hai trường: Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân là nhiều nhất, lần lượt là 24 và 10 nhà khoa học.
Ngoài ra, còn có Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, Viện Phát triển Hải ngoại tại Việt Nam: mỗi đơn vị đóng góp 1 nhà khoa học.
Phân tích theo quốc gia, số lượng nhà khoa học có liên quan đến Việt Nam ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam lần đầu tiên góp mặt chiếm tỉ lệ lớn nhất (58,8%); kế đến là từ Úc (13,2%); Mỹ (7.4%); Canada (4,4%); Pháp và Singapore (2,9%). Các nước New Zealand, Ả-rập Xê-út, Malaysia, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Anh, và Hungary, mỗi nước đóng góp 1,4%.
Dữ liệu này phần nào cho thấy các đơn vị trong nước đã đầu tư rất nhiều để thúc đẩy nghiên cứu khoa học cũng như công bố quốc tế; qua đó giúp Việt Nam tăng tốc rất nhanh về số lượng và chất lượng của đội ngũ nghiên cứu trong vài năm trở lại đây.
Theo nhóm tác giả, cả hai nhóm xếp hạng: xếp hạng theo thành tựu trong thời gian dài 1960 - 2019, và xếp hạn theo thành tích của năm 2019, đều dựa trên chỉ số trích dẫn tích hợp (composite citation index) được tính toán từ 6 tiêu chí có liên quan đến trích dẫn (đã loại trừ tự trích dẫn): tổng trích dẫn; chỉ số Hirsch (H-index) đo sức ảnh hưởng của mỗi nhà khoa học; chỉ số Schreiber (hm-index) đo sức ảnh hưởng sau khi điều chỉnh cho bài báo nhiều tác giả; số trích dẫn của bài báo có tác giả đứng tên một mình; số trích dẫn của bài báo có tác giả đứng tên một mình hoặc tác giả đứng đầu tiên; và số trích dẫn của bài báo có tác giả đứng tên một mình, tác giả đầu tiên, hoặc tác giả sau cùng.
-------------------------------------------------
Trích dẫn:
[1]Ioannidis JPA, Boyack KW, Baas J (2020) Updated science-wide author databases of standardized citation indicators. PLoS Biol 18(10): e3000918. https://doi.org/10.1371/journal.pbio.3000918
Theo nguồn DTU Research Informeta Group