Một nhân viên mở tủ đông trữ vắc xin COVID-19 trong nhà kho bí mật tại khu vực Rhein-Main, Đức ngày 4-12 - Ảnh: REUTERS
Việc Anh ngày 2-12 và Bahrain ngày 4-12 phê chuẩn vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer làm dấy lên hi vọng có thể sớm kết thúc đại dịch do virus corona gây ra, đến nay đã giết chết gần 1,5 triệu người toàn cầu, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và cuộc sống của hàng tỉ người.
"Tiến bộ về vắc xin giúp chúng ta có một bước tiến lớn, và giờ đây chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên, WHO quan ngại vì ngày càng nhiều ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, hãng tin Reuters trích đăng.
Ông Tedros nhấn mạnh vẫn còn chặng đường dài phía trước và quyết định của chính phủ cũng như người dân các nước sẽ góp phần xác định diễn biến của đại dịch trong ngắn hạn và thời điểm đại dịch kết thúc.
"Chúng tôi biết đây là một năm khó khăn và mọi người đều đã mệt mỏi, nhưng các bệnh viện vẫn đang quá tải và đây là khoảng thời gian có thể là khó khăn nhất với họ. Sự thật là hiện nay nhiều nơi đang chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm cao, tạo áp lực khổng lồ lên các bệnh viện, các phòng chăm sóc đặc biệt và nhân viên y tế" - người đứng đầu WHO cho biết.
Ông Mike Ryan, phụ trách chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cũng cảnh báo tâm lý tự mãn sau khi có vắc xin, nói rằng dù vắc xin có vai trò chính trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng bản thân vắc xin không thể kết thúc đại dịch.
"Các loại vắc xin không có nghĩa là 0 ca COVID" - ông Ryan nhấn mạnh. Quan chức WHO này khuyến cáo các quốc gia nên duy trì các biện pháp hạn chế trong một thời gian nữa nếu không muốn đối mặt nguy cơ "bùng nổ" ca bệnh mới.
Mặt khác, WHO ủng hộ chương trình vắc xin toàn cầu COVAX nhằm đảm bảo phân phối vắc xin một cách công bằng. Đến nay đã có 189 quốc gia tham gia COVAX, bao gồm Việt Nam.
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, hi vọng nửa tỉ liều vắc xin sẽ sẵn sàng để phân phối cho chương trình COVAX vào quý đầu năm 2021. Bà Swaminathan cho biết kế hoạch ban đầu là tiêm chủng cho khoảng 20% dân số có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, bao gồm nhân viên y tế và người già trên 65 tuổi.
"Mục tiêu là có ít nhất 2 tỉ liều vào cuối năm 2021, đủ tiêm phòng cho 20% dân số của các quốc gia tham gia COVAX" - bác sĩ Swaminathan thông tin. Bà Swaminathan cho rằng mục tiêu này đủ để "chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch" bằng cách giảm tỉ lệ tử vong và áp lực lên hệ thống y tế.
TTO - Bahrain ngày 4-12 công bố đã phê chuẩn dùng khi khẩn cấp với vắc xin ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer và BioNTech phát triển, trở thành nước thứ hai trên thế giới sau Anh có quyết định này.
Xem thêm: mth.24625929050210202-divoc-ac-0-al-aihgn-oc-gnohk-nix-cav-oc-ohw/nv.ertiout