Rác được quăng ngay miệng cống ở quận Bình Thạnh - Ảnh: THU HIẾN
Thứ nhất, nhiều rác thải nơi công cộng là do chính quyền chưa thường xuyên kiểm tra xử phạt người vi phạm.
Thứ hai, việc thu gom rác thải trong từng gia đình vẫn do thỏa thuận giữa các hộ dân với người thu gom rác, nên xảy ra tình trạng trong cùng một dãy phố có hộ bỏ tiền thuê người đổ rác nhưng cũng có hộ không chịu trả tiền thuê, đem rác đổ lén nơi công cộng.
Thứ ba, việc thu gom rác thường không thống nhất thời gian, có nơi thu gom rác mỗi ngày, có nơi hai ngày mới có người đến đổ rác. Do vậy, có một số hộ tuy đã trả tiền đổ rác nhưng vẫn đem rác thải ra nơi công cộng đổ bỏ vì để lâu trong nhà rất khó chịu.
Thứ tư, thời gian đến các hộ dân đổ rác không cố định, nay giờ này, mai giờ khác, rác thải để lâu trước cửa nhà, bao đựng rác bị chuột cắn xé và người thu lượm ve chai dỡ bỏ rác bừa bãi.
Thứ năm, khi vật dụng trong nhà bị hư hỏng không dùng được, vật nuôi trong nhà như chó mèo bị chết, việc xử lý cũng rất khó khăn buộc người dân đem vứt bỏ nơi công cộng có ít người qua lại như gầm cầu hoặc ven các kênh rạch, xác chuột thì lén quăng ra đường!
Thứ sáu, tình trạng thả chó phóng uế nơi công cộng vẫn còn phổ biến gây ô nhiễm môi trường, gây mất đoàn kết giữa các hộ dân sống trong khu vực chưa được ngành chức năng có các biện pháp xử lý hiệu quả.
Thứ bảy, người thu gom rác không có sổ thu cũng như hóa đơn thu tiền đổ rác theo mẫu chung để kiểm tra hộ đổ rác "chui".
Nếu khắc phục được 7 nguyên nhân trên, cuộc vận động thực hiện chỉ thị 19 sẽ có kết quả. Thực tế phường 17, quận Phú Nhuận đã dẹp được đống rác tự phát trên đường Cao Thắng là do sự kiên quyết của chính quyền, lực lượng bảo vệ tổ dân phố canh gác ngày đêm không cho người dân sống trong khu vực, nhất là những người buôn bán trên đường mang rác ra đổ.
Khu vực cầu Công Lý, cầu Kiệu từng là nơi đổ rác, xà bần, từ khi ngành chức năng làm hàng rào chắn, gắn camera giám sát và lát gạch cho người đi bộ đã cơ bản ngăn chặn được rác thải.
Rác là tài nguyên khi triệt để phân loại tại nguồn
Nguyên nhân chính của thực trạng khủng hoảng rác tại các đô thị hiện nay xuất phát từ việc rác đã không được phân loại tại nguồn. Hoặc nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, nặng về hình thức chứ chưa áp dụng triệt để.
Khi người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác thải, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì chưa tìm ra một giải pháp khả thi. Ô nhiễm nước, không khí vì rác ở đô thị hiện nay là hệ quả không thể tránh khỏi của việc xử lý rác không theo kịp tốc độ xả rác ở đô thị.
Có thể thấy điểm chung của những quốc gia xử lý rác hiệu quả đều xuất phát từ ý thức của người dân qua sự tự giác cùng tinh thần trách nhiệm cao với việc phân loại rác. Xúc tiến cho các nhà máy đốt rác, tái chế rác là chuyện của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phân loại rác là chuyện của mỗi nhà, mỗi người.
Nếu không có sự thay đổi từ người dân, dù công nghệ xử lý rác có hiện đại bao nhiêu cũng khó phát huy tối đa tác dụng và khó tiết kiệm chi phí xử lý.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, rác thải thực sự là một tài nguyên chứ không hề là gánh nặng cho ngân sách. Thụy Điển có 52% lượng rác thải được đốt để sản xuất điện, 47% được tái chế và chỉ 1% phải chôn lấp. Họ thiết lập mạng lưới đốt rác để thu lại nguồn điện, hòa vào mạng điện quốc gia, đến 50% lượng điện năng tiêu thụ đến từ năng lượng tái tạo.
Rác sẽ là nguồn tài nguyên nếu được xử lý, tái chế bằng những phương pháp phù hợp, thân thiện với môi trường. Nói không với đồ nhựa sử dụng 1 lần, phân loại rác tại nhà, tập kết rác đúng nơi quy định là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.
TƯƠNG QUAN
Khoảng 2.500 tấn là số lượng rác nhựa ước tính thải ra môi trường mỗi ngày ở Việt Nam. Từ đường sá, kênh rạch đến cả trước nhà dân. Và đại dịch COVID-19 kéo đến, tưởng chừng chẳng liên quan nhưng đã khiến số lượng rác thải nhựa tăng lên từng ngày.
Xem thêm: mth.23790858050210202-ohk-ig-ceiv-oc-gnohk-car-ax-gnohk/nv.ertiout