Giới quan sát tin rằng Trung Quốc đang tăng cường gây áp lực lên Úc để từ đó răn đe các đồng minh của Mỹ, báo South China Morning Post bình luận trong một bài viết về tiêu điểm tuần đăng hôm 5-12.
Giữa tháng 11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã gửi cho cơ quan truyền thông lớn của nước sở tại đài 9 News, báo The Sydney Morning Herald và báo The Age danh sách 14 điểm mà Bắc Kinh cáo buộc là đang làm hủy hoại quan hệ Trung-Úc.
Danh sách 14 điểm này nhắc tới việc Úc nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về trách nhiệm liên quan tới đại dịch COVID-19 và các vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương…
Trung Quốc đã công bố một loạt lệnh cấm nhập khẩu hoặc áp thuế cực kỳ cao đối với nhiều hàng hóa quan trọng của Úc như lúa mạch, thịt bò, than đá, đồng, gỗ, rượu vang…
Mới đây nhất, sau có thông tin từ Canberra rằng 25 thành viên của lực lượng đặc nhiệm Úc bị cáo buộc giết hại 39 tù nhân và thường dân Afghanistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 30-11 đã cắt ghép bức hình một lính Úc kề dao vào cổ một em bé Hồi giáo.
Ảnh chế do ông Triệu Lập Kiên chia sẻ hôm 30-11. Ảnh: TWITTER
Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand kịch liệt chỉ trích ảnh chế này, thậm chí Canberra còn yêu cầu một lời xin lỗi chính thức nhưng Bắc Kinh từ chối khiến căng thẳng chưa thể hạ nhiệt.
Trung Quốc phủ nhận trách nhiệm đối với việc làm quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra xấu đi. Đồng thời, Trung Quốc kêu gọi Úc đưa ra “những quyết định độc lập, khách quan, hợp lý và phục vụ lợi ích của chính mình”, ám chỉ lời chỉ trích của Bắc Kinh rằng Canberra hùa theo Mỹ trong nhiều vấn đề.
Ở phía ngược lại, Thủ tướng Úc Scott Morrison vẫn để ngỏ khả năng đối thoại, song tuyên bố không vì thỏa hiệp mà hy sinh các giá trị và lợi ích của quốc gia, cũng như sẽ không bao giờ hành động theo “lệnh của bất kỳ nước nào khác”.
Cựu Thủ tướng Úc: Các nước nên rút kinh nghiệm bài học từ Canberra
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho rằng danh sách 14 “điều bất bình” của phía Trung Quốc đã chặng đứng mọi cơ hội để Bắc Kinh có thể xuống thang căng thẳng hay thỏa hiệp với Canberra.
Ông Turnbull đã nắm quyền ở Canberra trong giai đoạn 2015-2018, lúc chính phủ Úc ban hành lệnh cấm tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) tham gia cuộc đua 5G ở nước này.
Ông Turnbull cho rằng các quốc gia khác trong khu vực phải “ghi chép kỹ lưỡng” về trường hợp của Úc để tìm cách đối phó với các động thái gây hấn của Trung Quốc.
“Nếu bạn thường xuyên đe dọa người khác và hống hách thì đó không phải cách để có được những người bạn” - ông Turnbull nhắn nhủ tới chính quyền Bắc Kinh.
Chuyên gia Jeffrey Wilson, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAisa (Đại học Tây Úc), cũng cho rằng Trung Quốc công bố danh sách 14 điểm không phải để kêu gọi Canberra thực hiện theo.
“Thay vào đó, đó là một ‘danh sách cảnh báo’ nhắm tới các nước khác để gửi thông điệp về các hành vi chính sách đối ngoại mà Trung Quốc có thể trừng phạt về kinh tế. Nói một cách khác, Úc đang bị nhắm tới bởi vì đây là một quốc gia có thể dễ dàng làm gương cho các nước khác” - ông Wilson nói.
Mỹ và các đồng minh phản ứng
Trong động thái gây áp lực thương mại mới nhất, trong ngày 27-11, Trung Quốc thông qua thuế suất chống bán phá giá lên tới 212% đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng vì trong quý 4 năm 2019 và ba quý đầu năm 2020, 39% rượu vang Úc được xuất tới Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat nói với giới truyền thông Úc rằng danh sách 14 điểm của Trung Quốc là “lời cảnh tỉnh” cho các quốc gia khác. Ông Tugendhat cũng cho biết chính quyền London coi động thái của Bắc Kinh là “hành động gây hấn cực độ”.
Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng thông báo một cách châm biếm trên mạng xã hội rằng rượu vang Úc sẽ xuất hiện tại một sự kiện sắp tới của Nhà Trắng mà “đáng tiếc là những người yêu rượu vang ở Trung Quốc” không được tham dự.
Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc - nhóm gồm hơn 200 thành viên nghị viện của 19 nước, hầu hết đến từ Mỹ, Canada, Úc và châu Âu - đã khởi động một chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng chọn mua rượu vang Úc “để chống lại sự bắt nạt của chính phủ Trung Quốc”.
Ý kiến Úc đã hành động không hợp lý...
Ông Kevin Rudd, người từng giữ chức Thủ tướng Úc vào giai đoạn 2007-2010 và một thời gian ngắn trong năm 2013 và chức Ngoại trưởng Úc từ tháng 9-2010 đến tháng 2-2012, cho rằng chính quyền đương nhiệm ở Canberra nên học hỏi các nước châu Á về cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd trả lời phỏng vấn của đài ABC News hôm 1-12. Ảnh: ABC NEWS
“Úc có ít tranh chấp thực chất với Trung Quốc hơn nhiều quốc gia châu Á nhưng trong những năm gần đây, dưới thời hai thủ tướng Turnbull và Morrison, họ đã chọn chỉ trích Trung Quốc theo cách công khai hơn bất kỳ nước châu Á nào” - ông Hugh White, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Úc giai đoạn 1995-2000 và đang là giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Úc, bình luận.
Ông White cho rằng đáng lẽ ra Úc đã có thể theo đuổi các chính sách lợi ích quốc gia cốt lõi mà không “khiêu khích Trung Quốc một cách công khai như họ đã làm”. Quyết định của Canberra được cho là đã khiến các lãnh đạo châu Á ít tôn trọng Úc hơn.
Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Shin Jung-seung lo ngại rằng khi nhìn vào trường hợp của Úc, các quốc gia châu Á có thể họ sẽ không đạt được lợi ích gì từ việc bảo vệ mình trước áp lực từ Bắc Kinh.
Cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo cũng “ngạc nhiên” về cách Úc để quan hệ với Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng như hiện tại.
Ông George cho rằng Trung Quốc “muốn tìm kiếm một vị trí cân bằng hơn ở Úc”, trong khi Úc ưu ái Mỹ và khiến Bắc Kinh có cảm giác rằng Canberra có những “động thái vô cớ chống lại Trung Quốc, vượt ra ngoài lợi ích quốc gia của Úc”.
“Trung Quốc không muốn đổ vỡ quan hệ và sẽ bắt đầu xuống thang khi nhận thấy Úc xuống thang. Họ coi sự phụ thuộc của Úc vào thị trường Trung Quốc là con át chủ bài” – ông George nói.
... một số ý kiến khuyên Úc nên tiếp tục cứng rắn
Cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc Bilahari Kausikan cho rằng Trung Quốc muốn phá vỡ ý chí chính trị của Úc và điều này “gây ra sự nghi ngờ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong tất cả các đồng minh và bạn bè của Mỹ”.
Ông Bilahari cho rằng Úc nên thể hiện rõ lập trường và vạch ra “lằn ranh đỏ” chứ không được “cuối đầu trước áp lực của Trung Quốc” vì nếu Canberra hành động như vậy, các nước khác “sẽ lưu ý và xem xét lại lập trường của họ”.
Một số đồng minh truyền thống khác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng cảm nhận như họ đang chịu sự trả đũa về kinh tế từ Trung Quốc trong những năm gần đây, South China Morning Post lưu ý.
Ông Shin Oya, chuyên gia tham vấn cấp cao tại trung tâm Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương (Nhật) cho rằng Tokyo còn nhớ rõ áp lực từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật hồi năm 2010.
Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Shin Kak-soo thì nhắc lại việc năm 2017, Trung Quốc nhắm vào ngành du lịch Hàn Quốc sau khi Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc cho rằng “tất cả các quốc gia trong khu vực nên nỗ lực hết sức để xây dựng một mạng lưới đa tầng các khuôn khổ khu vực, nơi Trung Quốc phải hành xử phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực với tư cách là một bên liên quan có trách nhiệm”.