Ông Hirai Shinji - trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP.HCM với kết quả khảo sát của tổ chức này - Ảnh: N.BÌNH
Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp được Chính phủ nước này hỗ trợ nhằm tăng cường sản xuất ở khu vực Đông Nam Á trong đợt thứ hai của chương trình hỗ trợ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng do COVID-19.
Đáng chú ý, 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí lần này chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có nhà máy ở các nước Đông Nam Á, đủ điều kiện để nhận hỗ trợ chuyển dịch, mở rộng nhà máy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hirai Shinji, trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP.HCM, cho biết sau hai lần xét chọn Việt Nam tiếp tục là điểm đến được doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn trong kế hoạch đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN.
Ông Hirai Shinji nói: Với 30 dự án nhận hỗ trợ của chính phủ trong kế hoạch đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN của nước này đã đưa số dự án đạt tiêu chuẩn sau 2 đợt xét duyệt lên 60 dự án.
Đáng chú ý, một nửa công ty trong số này đăng ký mở rộng sản xuất hoặc có dự án đầu tư mới ở Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên được công bố vào tháng 7 vừa qua, cũng có 15 trong số 30 công ty Nhật Bản đã chọn Việt Nam. Đây là tin vui cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục đánh giá cao triển vọng đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Trong lần xét tuyển lần thứ 2, JETRO nhận được 155 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong 30 dự án được tuyển chọn, thì riêng thị trường Việt Nam đã có 15 doanh nghiệp, xếp thứ 2 là Thái Lan 6 dự án, Indonesia 5 dự án, Phillipines 2 còn lại là Malaysia, Myanmar và Campuchia…
Các doanh nghiệp này sẽ nhận số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỉ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Có sự khác biệt nào trong danh sách 15 dự án của doanh nghiệp Nhật đầu tư ở Việt Nam được phê duyệt so với lần thứ 1?
Tất cả 15 doanh nghiệp Nhật Bản được chính phủ phê duyệt trợ cấp vốn đầu tư đều là những nghiệp đang có hoạt động sản xuất ở thị trường Việt Nam nhiều năm nay và có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam.
Trong đợt xét chọn thứ hai, các doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ chủ yếu là các nhà sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế, đồ bảo hộ y tế và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phụ tùng ô tô... Đây là những mặt hàng mà Nhật Bản đang có nhu cầu lớn, yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất cao, họ muốn tận dụng kỹ năng tay nghề lao động Việt Nam.
Theo ông, yếu tố nào ở thị trường Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản?
Trong số các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là quốc gia áp đảo, được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và có dự án xét duyệt cho thấy mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật với thị trường hơn 100 triệu dân.
Có thể nói, Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho vốn Nhật với quy mô thị trường lớn gần 100 triệu dân, nền kinh tế phát triển và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh sau khi hồi phục nếu dịch COVID-19 đi qua. Ngay trong năm 2020, Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi ở ASEAN có nền kinh tế tăng trưởng dương.
Tuần rồi, tôi cùng các doanh nghiệp Nhật có gặp gỡ một số địa phương để xúc tiến các thủ tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Ngay trong dịch, các hoạt động xây dựng nhà máy mới của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam vẫn diễn ra. Hay những doanh nghiệp không thể vào Việt Nam lúc này vì dịch cũng đã thông qua kênh trực tuyến mong muốn JETRO Việt Nam gửi các thông tin về thị trường ở đây. Sự quan tâm của vốn Nhật với thị trường này rất lớn.
Doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam với chính sách "Việt Nam +1".
Nếu như chính sách "Trung Quốc +1" có nghĩa ngoài một nhà máy có sẵn ở Trung Quốc, doanh nghiệp Nhật sẽ chọn một quốc gia khác để đầu tư, giảm thiểu rủi ro.
Thì, với chính sách "Vietnam +1", các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư mở rộng sang một tỉnh, thành khác bên cạnh cở sở hiện tại. Chẳng hạn, ngoài nhà máy ở TP.HCM, doanh nghiệp Nhật đang tìm những địa phương lân cận như Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai... để mở thêm nhà máy.