Mỗi tuần, chứng khoán Việt Nam lại lập thêm những kỉ lục mới về điểm số và thanh khoản. Chính vì thế, chưa thể nói trước chỉ số VN-Index còn có thể đạt tới đâu.
Bùng nổ thanh khoản
Từ đầu tháng 11, giá trị thanh khoản thị trường trên sàn HoSE bắt đầu tăng dần đều qua từng phiên và từng tuần.
Cụ thể, trong khoảng 4 tuần giao dịch trở lại đây, tuần thứ nhất (9-13.11) thanh khoản bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE đạt 7,86 ngàn tỉ đồng. Nhưng sang tuần tiếp sau đó (16-20.11), mức thanh khoản tăng lên 9,68 ngàn tỉ đồng mỗi phiên. Không dừng lại, thanh khoản bình quân mỗi phiên của tuần thứ ba (23-27.11) nhích lên 10,81 ngàn tỉ đồng và tuần vừa qua (30.11-4.12) đạt 11,56 ngàn tỉ đồng mỗi phiên.
Con số giá trị giao dịch bình quân trên 11,5 ngàn tỉ đồng mỗi phiên cũng là kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Thanh khoản bùng nổ trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm được cho rằng dòng tiền theo đó chảy sang thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Tháng 11 vừa qua, thị trường có thêm gần 41.500 tài khoản chứng khoán mở mới, đưa tổng số tính từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt mức hơn 330.000 tài khoản mở mới.
Thêm một chỉ số càng cho thấy dòng tiền nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường thực sự mạnh mẽ chứ không chỉ mở tài khoản xong để đó hoặc ít giao dịch. Trong tuần giao dịch vừa qua, cơ cấu thị trường chứng khoán đều do nhà đầu tư cá nhân trong nước chủ lực, chiếm tỉ trọng lần lượt trong 5 phiên (tính từ phiên đầu tuần đến phiên cuối tuần) là 83%-82%-73%-83%-85%.
Điểm số bao giờ có điểm dừng?
Trong 4 tuần giao dịch vừa qua, không chỉ thanh khoản tăng mạnh dần mà đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi thị trường có đến 17 phiên tăng và chỉ có 3 phiên giảm trong tổng số 20 phiên. VN-Index theo đó mang về thêm được 83,2 điểm, tương ứng với mức tăng hơn 8,8%.
Trong 20 phiên vừa qua, chỉ số lần lượt vượt thoát khỏi các ngưỡng kháng cự “rắn và rất rắn” như 945-955 điểm hay mốc 1.000 điểm. Ngoài ra, cứ các mốc cách nhau 10 điểm từ mốc 950 điểm trở lên cũng là những ngưỡng cản tâm lí quan trọng đối với các nhà giao dịch, luôn có nguy cơ dẫn đến xả hàng chốt lời khiến chỉ số rung lắc và rủi ro đảo chiều thường trực.
Thế nhưng, thị trường luôn có tiếng nói riêng của nó và các dự báo, nhận định chỉ là một phần không thể thiếu được trên thị trường chứng khoán, nhưng cũng chỉ đóng vai trò “gia vị” mà thôi.
Sự e ngại vẫn đó, tâm lí thận trọng ngay các ngưỡng cản vẫn không nhỏ, tình trạng xả hàng chốt lời vẫn mạnh khiến nhiều phiên thị trường rung lắc, nhưng rồi chỉ số kết phiên vẫn đứng vững hoặc đảo chiều tăng trở lại.
Một điểm “khang khác” của thị trường trong tuần qua là trong 4 phiên tăng điểm về cuối tuần, mức tăng không quá mạnh mà từ trung bình đến hẹp, nhưng khá nhịp nhàng, cho thấy một kiểu trạng thái mới là tăng đều và chậm chắc. Từ đó, chỉ số liên tiếp vượt qua 2 mốc quan trọng là 1.010 điểm và 1.020 điểm.
Tuy nhiên, có 2 khả năng được Công ty chứng khoán BIDV đưa ra cho diễn biến của VN-Index trong tháng 12 này, là nếu tăng thì mốc đỉnh có thể là 1.050 điểm và nếu giảm thì có thể rơi xuống mức 970 điểm.
Song khả năng thị trường tăng trở lại từ đầu năm 2021 vì kì vọng vào triển vọng tiếp tục hồi phục mạnh hơn của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, những liều vaccine đầu tiên có thể đã đến với người dân trên thế giới để ngăn dịch. Tháng 1.2021 cũng vào mùa kinh doanh Tết đầy chộn rộn tại thị trường Việt Nam, và các báo cáo kết quả kinh doanh quí IV/2020 cũng dần được công bố.
Xem thêm: odl.000068-gnud-meid-oc-auhc-nav-os-meid-av-naohk-hnaht-on-gnub-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal