Một cuốc xe trên cùng lộ trình, cùng thời điểm nhưng ngày hôm qua (4/12), khi thuế và phí ở mức 5.000 đồng, giá cước là 25.000 đồng; hôm nay (5/12) đã tăng lên 6.818 đồng giá cước là 27.000 đồng. Mức tăng giá cước cụ thể được một tài xế GrabCar chia sẻ trong sự lo lắng vì có thể khiến họ mất nhiều khách hàng.
Trước đây các tài xế chạy Grab nhiều lần kéo lên trụ sở nhà cung cấp ứng dụng phản đối các chính sách mà họ cho rằng không hợp lý - ảnh minh họa. |
Việc thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ Grab được cho là thực hiện theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, Grab sẽ tiến hành khai thuế VAT trên các doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế suất 10% cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác (tài xế).
Cụ thể, thay vì tách riêng tài xế đóng 3% VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% VAT trên phần chiết khấu như trước, thì nay doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
Từ đó, giá cước của GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và Bắc Ninh là 25.000 đồng/2km đầu sẽ được tăng lên 27.000 đồng; giá cước tiếp theo từ 8.500 đồng/km sẽ được tăng lên 10.000 đồng/km, còn giá cước tính theo thời gian di chuyển là 400 đồng/phút sẽ được tăng lên 1.000 đồng/phút (tính sau 2km đầu tiên).
Với GrabCar 7 chỗ, Grabcar Plus, giá cước hiện tại là 30.000 đồng/2km đầu sẽ được tăng lên 32.000 đồng; giá cước ở km tiếp theo từ 10.000 đồng/km sẽ tăng lên 11.000 đồng/km. Riêng giá cước tính theo thời gian di chuyển từ 1.000 đồng/phút sẽ giảm còn 500 đồng/phút (tính từ sau 2km đầu tiên).
Tại khu vực TPHCM, giá GrabCar 4 chỗ từ 2km đầu cũng được tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng; ở km tiếp theo được tăng từ 9.000 đồng lên 9.500 đồng/km; thời gian di chuyển cũng tăng từ 300 đồng/phút lên 400 đồng/phút (tính sau 2km đầu tiên).
Còn với GrabCar 7 chỗ và GrabCar Plus, giá cước 2km đầu cũng tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng/km, cước theo km tiếp theo từ 11.500 đồng/km cũng lên 12.000 đồng/km.
Trước đó, ngày 2/12, Grab Việt Nam cũng liên tục điều chỉnh tăng giá các dịch vụ với GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood. Mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội.
Mức tăng tại một số địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300 đồng/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút. Giá cước của dịch vụ GrabFood tăng thêm 3000 đồng, từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/3km đầu và giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Mức giá trên chưa bao gồm phí sử dụng ứng dụng và phí đơn hàng nhỏ mà Grab quy định thu.
Như vậy, VAT 10% và thuế thu nhập cá nhân 1,5% (vẫn giữ nguyên so với trước) sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe (20% hoặc 25%, không thay đổi như trước). Tổng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe (bao gồm phí sử dụng ứng dụng, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân) của tài xế sẽ tăng lần lượt từ 23,6% lên 28,364% và từ 28,375% tăng lên 32,841%.
Ngoài ra, theo một số tài xế, nếu trước đây một cuốc xe có giá cước 100.000 đồng, tài xế GrabCar chịu phí sử dụng ứng dụng 20% và nhận về 76.400 đồng thì nay chỉ còn 71.636 đồng, thu nhập giảm khoảng 6,4%. Đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, thu nhập từ cuốc xe 100.000 đồng giảm từ 71.625 đồng xuống còn 67.159 đồng, cũng giảm khoảng 6,4%.
Khoảng cách gần, giá cước xe Grab đã vượt taxi truyền thống Với taxi 4 chỗ, hiện các hãng taxi truyền thống áp dụng mức giá mở cửa xe (km đầu tiên) ở mức 10.000 - 11.000 đồng/km, tăng lên 13.500 - 14.000 đồng/km (phạm vi dưới 30km) từ km thứ 2. Tính ra, giá cước 2km đầu tiên của taxi truyền thống chỉ khoảng 23.500 - 25.000 đồng/km, thấp hơn bình quân 2.000 đồng so với Grab. Khách hàng chỉ lợi hơn khi đặt xe Grab với khoảng cách xa vì hãng này chỉ áp dụng chung mức cước 9.500 đồng/km từ km thứ 3, trong khi các hãng taxi truyền thống là 13.500-14.000 đồng/kg và giảm xuống mức 11.000 - 11.500 đồng từ km thứ 31. Tuy nhiên theo một số khách hàng, ở nhiều thời điểm, giá cước xe công nghệ cao hơn hẳn so với taxi truyền thống. |
Thanh Hoa