vĐồng tin tức tài chính 365

Chia sẻ khó khăn

2020-12-06 12:52

Chia sẻ khó khăn

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Đến nay các nước đều có chung một nhận định: đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho toàn bộ các thành phần kinh tế nhưng khó khăn nhất, chịu tác động xấu nhất vẫn là tầng lớp người nghèo, công nhân sản xuất hay nhân viên trong các mảng dịch vụ có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như phục vụ tại khách sạn, nhà hàng, nhân viên du lịch...

Ảnh minh họa: Bảo vệ Bến xe Miền Tây đo thân nhiệt và nhắc nhở khách vào bến xe mang khẩu trang. Ảnh: Phi Bằng.

Đặc biệt ở nước ta, thời gian vừa qua, chồng lên khó khăn do đại dịch Covid-19 còn có nhiều đợt bão lũ ảnh hưởng nhiều triệu người dân ở dải đất miền Trung. Dịch bệnh dù được khống chế tốt ở nước ta nhưng vẫn hoành hành ở nhiều nước trên thế giới nên các hoạt động kinh tế kể cả du lịch, xuất khẩu vẫn chưa trở lại bình thường.

Đọc các phóng sự về tình trạng do nhiều doanh nghiệp đóng cửa tạm ngưng hoạt động, nhân viên phải tản về quê nhờ chỗ dựa gia đình để vượt qua giai đoạn khó khăn này mới thấy xót xa cho nhiều số phận.

Trong bối cảnh đó, người dân đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương trợ khi gặp thiên tai mà còn hỗ trợ nhau giảm bớt áp lực thất nghiệp hay mất nguồn thu nhập và sự chia sẻ này sẽ lan rộng. Lấy ví dụ, chủ nhà có mặt bằng cho thuê để kinh doanh ở các đô thị lớn như TPHCM rồi cũng sẽ phải tìm cách chia sẻ khó khăn với người thuê bởi nếu không căn nhà mặt tiền của họ sẽ bị bỏ trống như đã xảy ra ở một số khu vực.

Điều muốn nói ở đây là Chính phủ cũng cần suy nghĩ như doanh nghiệp vì suy cho cùng, Chính phủ hoạt động được là nhờ vào tiền thuế của người dân và doanh nghiệp đóng góp; họ khó khăn đến mức không thể đóng thuế thì Chính phủ cũng sẽ khó khăn theo.

Cách làm cũ là dùng các tiêu chí đã quen thuộc để đo lường như GDP tăng bao nhiêu phần trăm, xuất khẩu tăng hay giảm, sản xuất công nghiệp đã phục hồi chưa và quan trọng hơn hết, bội chi ngân sách đã đến mức nào, sẽ làm tăng nợ công lên ngưỡng nào.

Thế nhưng cách làm đó không tính đến việc chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, y như chủ nhà không chịu giảm tiền thuê nhà để mất khách. Cách mới là tạm thời quên đi bội chi ngân sách, dồn hết nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách thiết thực để một khi họ đã phục hồi, thu ngân sách sẽ phục hồi theo.

Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy ở các nước, thậm chí ở châu Âu, các ý kiến lo ngại về bội chi ngân sách vượt quá một mức nào đó đã hầu như biến mất. Tình hình mới khiến các suy nghĩ cũ nhường chỗ cho các giải pháp táo bạo, mới mẻ.

Bên cạnh đó, cần tạm thời chưa vội đưa ra các chính sách gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp hay người dân như yêu cầu tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của ba quí đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm, gây xáo động chưa cần thiết.

Báo chí thế giới thời gian qua đánh giá rất cao tình hình kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đều rất khó khăn. Thiết nghĩ thành tích kinh tế của Việt Nam dù khiêm tốn nhưng vẫn còn hơn đa số các nước tăng trưởng âm, đã đặt Chính phủ vào một vị thế rất thuận lợi để đưa ra thêm các gói hỗ trợ mạnh dạn hơn nữa, chủ yếu nhắm đến người dân bình thường.

Cho dù đó là một mức giảm thuế giá trị gia tăng lên nhiều mặt hàng tiêu dùng, một cách hỗ trợ trực tiếp người dân hay các khoản trợ cấp cho người thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các khoản hỗ trợ vào thời điểm này sẽ trở thành khoản thu cho ngân sách trong tương lai khi sự phục hồi kinh tế dẫn tới gia tăng tiêu dùng. Đó chính là cách đầu tư cho tương lai!

Xem thêm: lmth.nahk-ohk-es-aihc/662113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chia sẻ khó khăn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools